Từ kỹ sư cơ khí trở thành triệu phú nông dân
20:46 10/02/2017 1407
3 Chương trình Web.ĐTN: Từ bỏ nghề kỹ sư cơ khí để về quê hương lập nghiệp, với quyết tâm làm giàu của mình, chàng thanh niên Đỗ Xuân Đại, Bí thư Chi đoàn xóm Vai Say, xã Vạn Thọ (Đại Từ) đã gây dựng nên một mô hình trồng rau quả an toàn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Đại bên ruộng cà chua (có gốc được ghép với giống cà chua tím) của gia đình |
Về xóm Vai Say, khi nhắc đến anh chàng Bí thư Đoàn Đỗ Xuân Đại, người dân nơi đây ai cũng nể phục. Cái tên của anh đã quá thân thuộc, gắn liền với hình ảnh của ruộng đồng hoa màu tốt tươi, giúp nhiều người dân trong vùng thoát khỏi cảnh đói nghèo. Anh là người tiên phong trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp và giúp đỡ người dân cùng làm. Gặp anh trên ruộng cà chua tươi tốt đang trong thời gian đậu quả, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, anh cười: “Đây là giống cà chua có gốc được ghép với giống cà chua tím đang được gia đình tôi trồng thử nghiệm. Đặc điểm của phương pháp này là cây vẫn có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi. Với 4.000 cây được trồng trên diện tích 1.400 m2 của gia đình, vừa qua, gia đình tôi thu về trên 80 triệu đồng trong 6 tháng đưa vào trồng”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ anh đã sớm ý thức được hoàn cảnh của mình. Học hết trung học phổ thông, anh một mình vào Nam theo học nghề cơ khí và làm việc tại đây. Suốt những năm tháng xa nhà, mặc dù được làm đúng chuyên ngành và có thu nhập ổn định, nhưng anh vẫn luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu tại quê nhà. Năm 2011, anh quyết định trở về gắn bó ruộng đồng. Nói về nguyên nhân từ bỏ công việc của mình để về làm nông dân, anh tâm sự: “Bố mẹ tôi cũng đã có tuổi, sức khỏe già yếu nên trước sau gì tôi cũng phải về với họ. Cùng với đó, tôi nhận thấy ở nơi quê nhà rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt”.
Không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, tất cả những gì người thanh niên ấy có chỉ là kinh nghiệm thực tiễn. Thời gian đầu, anh phải nỗ lực nghiên cứu rất nhiều các tài liệu về nông nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của những người đi trước để trau dồi thêm kiến thức. Qua những lớp tập huấn thanh niên làm nông nghiệp giỏi của Huyện đoàn, các đợt tập huấn nông nghiệp tại xã, bằng tinh thần ham học hỏi, anh luôn tư duy phải làm sao thay đổi cách làm so với phương pháp truyền thống, đưa các giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt mới mong có năng suất cao.
Ban đầu, anh bắt tay vào cải tạo giống mía tím của gia đình. Một trong những cây cho thu nhập chính nhưng đang dần bị thoái hóa, chất lượng giảm sút dẫn đến khó tiêu thụ. Tuy nhiên anh gặp không ít khó khăn, thậm chí còn bị gia đình ngăn cản vì phải tốn kém chi phí đầu tư. Nhiều người vẫn chưa tin tưởng vì anh mới chỉ bước chân vào làm nông nghiệp. Với quyết tâm của mình, anh đã có được thành công sau vụ mía đầu tiên. Từ thành công ban đầu đó đó càng củng cố thêm niềm tin của anh trên bước đường lập nghiệp. Năm 2013, sau khi tham quan, học hỏi từ nhiều nơi, anh mạnh dạn đưa giống dưa lê siêu ngọt về trồng thử nghiệm đầu tiên tại xã. Vụ đầu tiên, hơn 2 sào ruộng dưa của gia đình đã cho thu hoạch gần một tấn. Nhưng đến lúc mang ra chợ tiêu thụ thì nhiều người dân trong vùng chưa biết đến loại quả này.
Anh kể: “Khi đó, vợ chồng tôi phải vừa bán, vừa cho để quảng cáo tới mọi người. Vụ đầu tiên gần như không có lãi. Mọi người ăn thử, biết tới chất lượng, vị ngon, giòn và ngọt của dưa, dần dần kéo tới mua ngày càng nhiều. Một thời gian sau, bà con trong vùng thấy trồng loại quả này cho năng suất khá, lãi cao nên tìm đến học hỏi, lấy giống của gia đình về làm”. Đến nay, diện tích trồng dưa lê siêu ngọt trong toàn xã đã lên đến hơn 7 mẫu. Mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ với sản lượng 6 tạ/sào, giá bán duy trì khoảng 15 nghìn đồng/kg, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Tháng 9 năm 2015, để tập trung lượng hàng hóa trong vùng, duy trì đầu ra ổn định, anh đứng ra vận động, thành lập Tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau quả an toàn Nông Phúc với 9 thành viên trong xã tham gia. Với mong muốn đem kinh nghiệm, phương pháp gieo trồng của mình truyền tải đến thanh niên tại địa phương, anh cùng 9 thành viên của mình đã mày mò, tìm hướng sản xuất kinh doanh trên chính những thửa đất màu mỡ của gia đình mình. Ngoài cây dưa lê, anh đưa thêm cây ớt chỉ thiên vào làm cây trồng chủ lực trong tổ. Các giống cây mới đưa vào trồng anh đều tận tình hướng dẫn tổ viên nuôi trồng đúng quy trình kỹ thuật. Các hộ dân biết đến anh cũng thường xuyên tìm đến để học hỏi. Hiện có gần 60 hộ trong và ngoài xã tham gia thực hiện theo các mô hình này. Ngoài các giống cây chủ đạo, Tổ hợp tác tác còn trồng thêm các loại rau, quả gối vụ như: đậu cove, củ đậu, rau lấy lá... Với phương thức sản xuất rau an toàn, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: trồng rau trái mùa che phủ nilon, sản xuất rau quả trong nhà lưới, sử dụng các chế phẩm vi sinh trong phòng trừ dịch bệnh... nhờ vậy không chỉ khi thu hoạch luôn đạt năng suất cao và an toàn cho người tiêu dùng mà còn thu hút nhiều thanh niên chăm chỉ làm kinh tế nông nghiệp tại địa phương, không còn tình trạng đi làm ăn xa nữa.
Bà Trần Thị Mai, xóm Vai Say, thành viên tổ hợp tác cho biết: “Nhờ có anh Đại mà gia đình tôi cũng như nhiều dân nơi đây mới thay đổi được cách nghĩ, cách làm, dám đưa những giống mới có năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp. Quá trình làm cứ có gì khó khăn là chúng tôi lại tìm đến nhờ anh Đại giúp”.
Bằng những nỗ lực của mình, chàng thanh niên Đỗ Xuân Đại đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Mới đây, anh vinh dự là một trong 30 thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo tiêu biểu của cụm miền núi Đông Bắc bộ được Trung ương Đoàn khen thưởng.