Trang trại ổi ở giữa rừng keo trên “đảo ông Bình”

09:57 07/01/2014     4128

3 Chương trình   Từ khi được nhận giao khoán đất rừng vào năm 1998, gia đình chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thủy đã tốn rất nhiều công sức để làm con đường nhỏ đi men qua những quả đồi, thuê máy ủi san đường, xây cống vượt qua suối để vào đảo.
5
Ông Minh - Phó Ban xây dựng nông thôn mới huyện Đầm Hà (bên trái) và tác giả tận mắt xem những tái ổi được bọc nilon để tránh bị ruồi vàng châm hỏng
 
“Đảo ông Bình” thực ra cũng chỉ là một quả đồi như bao quả đồi khác thuộc thôn Tân Đông xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng được gọi là đảo, bởi bao bọc xung quanh quả đồi là những suối nước. Đảo nằm cách quốc lộ 18A chừng 1km, trước đây muốn đi vào đảo phải băng qua những vạt đồi và con suối dưới chân mới vào đến đảo. Từ khi được nhận giao khoán đất rừng vào năm 1998, gia đình chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thủy đã tốn rất nhiều công sức để làm con đường nhỏ đi men qua những quả đồi, thuê máy ủi san đường, xây cống vượt qua suối để vào đảo.
5
Nhổ cỏ bằng máy cắt cải tiến
 
Ban đầu gia đình trồng cam được 05 năm thì cam già cỗi, chuyển sang trồng măng bát độ được 03 năm thì gặp mưa bão to làm đổ ngã bật gốc, chuyển sang nuôi bò được 02 năm không có hiệu quả phải bán phá đàn tìm hướng đi mới. Liên tục những thất bại, nợ nần chồng chất, sau nhiều tháng ngày suy tư anh Thủy lóe lên ý tưởng trồng ổi vừa nhanh cho thu hoạch, vừa tránh được bão gió vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường. Nghĩ là làm, anh lặn lội về các vùng quê Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... học hỏi và tìm mua các giống ổi đưa về trồng từ năm 2009. Từ 3.000 gốc ổi nay còn lại hơn 2.000 gốc đã cho anh được hai vụ bội thu. Khi hỏi về kết quả, anh chỉ mỉm cười tiết lộ đã trả hết mấy trăm triệu nợ nần còn lại cũng đủ để trang trải sinh hoạt gia đình. Theo ông Minh - Phó Ban xây dựng nông thôn mới của huyện, nhìn gương mặt hồng hào tươi rói của anh khác hẳn so với mấy năm trước thì chắc hẳn thu nhập của anh cũng khá cao mới dám thuê người làm quanh năm với chi phí tiền nhân công đã là 150 triệu đồng.
5
Chủ trang trại ổi Nguyễn Văn Thủy (bên trái) vui mừng vì những thành quả của mình
 
Vừa bổ mời khách những trái ổi vườn nhà, anh Thủy vừa thủ thỉ tâm sự: cho đến nay trồng ổi ở đất này là thuận lợi nhất, bởi cây ổi không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ sau một năm trồng đã cho quả bói, năm thứ hai thu đã đủ chi, từ năm thứ ba thì có lãi, cây ổi lại cho quả quanh năm. Để tăng hiệu quả kinh tế, anh còn mầy mò áp dụng kĩ thuật cho ổi ra hoa trái vụ để nâng cao giá trị sản phẩm. Với cây ổi kẻ thù lớn nhất là ruồi vàng, do vậy anh đã dùng túi nilon trắng bọc từng quả ngay từ khi còn nhỏ vừa tránh ruồi vàng châm hỏng, làm tăng sản lượng thu hoạch đồng thời chất lượng vẫn được đảm bảo. Ngoài ra để tránh bão gió làm đổ gẫy, từng cây, từng cây đều được anh căng dây chằng néo về bốn cột xung quanh thật chắc chắn.
Là người luôn tìm tòi cách làm việc cho năng suất cao, ngay cả việc làm cỏ trong vườn ổi rộng 2,5ha cũng được anh cơ giới hóa bằng máy nhổ cỏ cải tiến. Anh tâm sự: “Với máy nhổ cỏ này sẽ làm giảm thời gian và chi phí làm cỏ xuống còn 5 - 10% so với làm thủ công trước đây”. Nhìn những trái ổi sạch tươi ngon mới được hái về đóng gói chuẩn bị gửi cho khách hàng ở Cẩm Phả đặt mua, anh cho biết sản phẩm ở đây luôn có khách hàng đặt mua từ trước, không sợ ế. Để làm được điều đó, anh luôn phải duy trì chặt chẽ quy trình sản xuất sạch và an toàn.
5
Đóng gói, xuất bán ổi cho khách hàng

Sau bao nhiêu thất bại anh đã đưa cây ổi về trồng ở trang trại của mình cho hiệu quả kinh tế cao và khẳng định được những kinh nghiệm quý trong sản xuất là tấm gương rất cần được nhân rộng. Từ nhiều năm nay, tập quán canh tác của bà con ở vùng đồi rừng ở đây chỉ quen trồng keo lấy gỗ hoặc trồng vải nhãn nhưng hiệu quả kinh tế không cao thì mô hình trồng ổi của chàng trai trẻ một bước tiến đột phá rất cần được nhân rộng để bà con ở vùng đồi rừng này chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần xây dựng đời sống nông dân, nông thôn có những bước phát triển khởi sắc.