Thanh niên người Mông khởi nghiệp thành công nhờ nuôi bồ câu
14:09 14/11/2024 1895
3 Chương trình “Em không để con mình sau này phải bỏ dở học đại học do nghèo khó. Em quyết sẽ tìm ra mô hình phù hợp phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con học tập đến nơi, đến chốn”, anh Hờ A Sùng (32 tuổi), xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái chia sẻ.
Mô hình của Hờ A Sùng từng được đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái đến thăm (nay là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Học hết lớp 12, Hờ A Sùng trúng tuyển vào trường Đại học Công đoàn trong niềm hạnh phúc của gia đình, bạn bè. Nhưng học được hơn 1 năm, do kinh tế gia đình khó khăn, Sùng phải từ bỏ dở giấc mơ ngồi trên giảng đường đại học. Về quê, Sùng quyết tâm lao động, sản xuất, đưa gia đình thoát nghèo đói.
“Em không để các con sau này phải bỏ dở học đại học do nghèo khó. Em quyết tìm ra mô hình phù hợp phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con học tập đến nơi, đến chốn”, Hờ A Sùng chia sẻ.
Đồng chí Đỗ Đức Duy động viên Hờ A Sung tiếp tục phát triển mô hình, cùng với thanh niên trong xã thành lập hợp tác xã
Quyết tâm là vậy, nhưng khi bắt tay vào khởi nghiệp, Sùng gặp nhiều thất bại vì chưa tìm ra mô hình phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Mù Cang Chải. Năm 2020, được Đoàn Thanh niên xã Chế Cu Nha bảo lãnh vay 90 triệu đồng từ gói tín dụng khởi nghiệp của ngân hàng Chính sách xã hội, Hờ A Sùng bắt tay xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu. Ban đầu, Sùng đầu tư đầu tư chuồng trại, nuôi 30 đôi bồ câu Pháp lai bồ câu bản địa.
“Trước khi bắt tay vào nuôi, tôi thường xuyên lên internet tìm hiểu các mô hình nuôi chim bồ câu, nghiên cứu kỹ cách thiết kế chuồng trại, nguồn thức ăn, các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh...” Hờ A Sùng cho hay.
Khu chuồng trại của nuôi bồ câu của anh Hờ A Sung
Theo anh Sùng, việc lựa chọn giống chim là khâu quan trọng nhất. Người dân địa phương thường nuôi bồ câu ta có sức đề kháng cao, nhưng trọng lượng thấp chỉ từ 300 - 400 gram/con, thời gian sinh trưởng dài, tốn thức ăn.
Trong khi đó, giống chim bồ câu Pháp được nuôi nhiều ở miền xuôi, thường có trọng lượng từ 600 - 700 gram/con, nhiều thịt, thời gian nuôi ngắn. Tuy nhiên, giống bồ câu này có nhược điểm sức đề kháng kém hơn bồ câu ta. Vì vậy, anh Sùng lựa chọn nuôi giống bồ câu Pháp lai với bồ câu bản địa để phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng miền núi.
Để nuôi chim hiệu quả, Sùng áp dụng mô hình nuôi nhốt, giúp bồ câu được cách ly với môi trường, mầm bệnh bên ngoài, tránh được các loại dịch bệnh.
“Tôi đầu tư xây dựng khu chuồng trại thoáng mát, lựa chọn lồng nuôi kiên cố, có đầy đủ máng thức ăn và hệ thống máng uống nước tự động. Trong quá trình nuôi, tôi luôn chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh chim bồ câu thường gặp như bại liệt, tụ huyết trùng”, anh Sùng cho biết.
Thức ăn của chim khá đơn giản, bởi bồ câu lai không kén ăn, có thể ăn các loại như thóc, gạo, ngô, đậu. Ngoài ra, anh Sùng kết hợp cho ăn cám công nghiệp trộn với ngô, gạo xay trộn, bổ sung thêm khoáng, vitamin và canxi… giúp chim phát triển tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo anh Hờ A Sùng, nuôi chim bồ câu không vất vả, mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 2-3 tiếng chăm sóc, cho chim ăn và vệ sinh chuồng trại.
Thời gian từ ấp trứng đến khi chim non và đưa đến tay người tiêu dùng khoảng 30 ngày. Chim bồ câu nuôi từ 6-8 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, một cặp có thể đẻ 7- 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng. Giá bán trên thị trường hiện nay là 160.000 đồng/đôi chim ra ràng và 260.000 đồng/đôi chim giống.
Mô hình nuôi bồ câu lai của anh Sùng đã phát triển lên gần 200 cặp, trung bình mỗi ngày xuất bán từ 40-50 con bồ câu thịt cho các nhà hàng, homestay trên địa bàn huyện để phục vụ khách du lịch. Lợi nhuận anh Sùng thu về mỗi tháng hơn 10 triệu đồng.
Mô hình nuôi chim bồ câu lai nhốt lồng của anh Sùng được đánh giá là tiêu biểu trong sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tại Yên Bái.
Theo TPO Tweet