Thái Nguyên: Thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương Phú Bình

09:37 06/04/2016     497

3 Chương trình   Web.ĐTN: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, anh Dương Văn Tuấn (sinh năm 1988) tại xóm Giàng, xã Dương Thành, huyện Phú Bình là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào xung kích phát triển kinh tế nông thôn, hiện đang làm chủ mô hình kinh tế chăn nuôi lợn với quy mô lớn.

s
Anh Dương Văn Tuấn bên mô hình chăn nuôi lợn của mình


Sau khi tốt nghiệp THPT, với suy nghĩ “Đại học không phải con đường duy nhất tiến tới thành công”, anh đã quyết tâm làm giàu, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đến giữa năm 2014, được sự ủng hộ của gia đình và sự hỗ trợ của Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam, anh quyết định chuyển giao sang mô hình chăn nuôi lợn, hiện nay, gia đình anh đang chăn nuôi đàn lợn gồm 200 con heo nái, thu nhập 150 triệu một tháng.

Thời gian đầu chuyển hướng sản xuất kinh doanh từ ấp nở trứng gà sang chăn nuôi lợn, anh Tuấn gặp phải khá nhiều khó khăn bởi chưa nắm rõ được kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi lợn cũng như những sự thay đổi về chi phí, kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh đó, trước sự đổi mới của sự chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nguồn nhân công hiện có của gia đình anh còn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi hiệu quả. Anh Tuấn chia sẻ: “Trước đây, kinh doanh ấp nở trại gà được đặt ngay tại gia đình, đến khi chuyển sang chăn nuôi lợn lại cách xa đến 1km, đi lại hai nơi nên vất vả hơn. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi lợn, anh luôn phải chú trọng đến phòng chống một số dịch bệnh cho lợn như bệnh dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, Ecoli,…Đồng thời quan tâm đến công tác khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và giữ nhiệt độ phù hợp đối với những chuồng nuôi lợn con mới sinh, đặc biệt chế độ ăn của lợn mẹ và lợn con lúc mới sinh cũng được hết sức chú ý”.

Việc chăn nuôi luôn với người nông dân luôn gặp phải rất nhiều khó khăn về cách thức chăm sóc thêm vào đó là những nỗi lo về vệ sinh an toàn sinh học, dịch bệnh hay sự dao động về giá của cả thị trường tác động trực tiếp tới năng suất, doanh thu của gia đình anh.
Tuy nhiên trước những khó khăn như vậy anh Tuấn vẫn luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi và trau dồi thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi lợn thông qua những phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài, tivi, internet,…Anh có chia sẻ: “Việc những người đi trước họ chăn nuôi gặp những hạn chế gì thì mình sẽ thay đổi để cho phù hợp với điều kiện mà bản thân mình đang có. Cốt yếu là đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng và an toàn”.

Không chỉ dừng lại ở việc hình thành và phát triển mô hình chăn nuôi cá nhân, anh Tuấn còn hướng dẫn những người dân địa phương nơi mình đang sinh sống cách thức chăm sóc và chăn nuôi lợn để đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Anh cũng đang tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xóm, hiện có 6 thanh niên đang làm tại cơ sở của anh với mức thu nhập khá ổn định (từ 4,2 – 8 triệu đồng/người/tháng).

Với ý chí nghị lực, dám nghĩ dám làm để vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình, Dương Văn Tuấn là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế , xóa đói giảm nghèo trong các cán bộ Đoàn trên địa bàn huyện Phú Bình./.