Thái Nguyên: Niềm đam mê làm giàu của chàng thanh niên dân tộc

09:42 28/11/2014     1924

3 Chương trình   Web.ĐTN: Dám nghĩ dám làm, không lùi bước trước khó khăn, từ hai bàn tay trắng anh đã gây dựng nên trang trại gà đẻ trứng, với lượng trứng thu hoạch mỗi ngày gần 13.000 quả, cho thu nhập trung bình mỗi năm trên 400 triệu đồng.
Người chúng tôi muốn nhắc tới là chàng thanh niên người dân tộc Cao Lan, Nịnh Văn Quyển, ở xóm Na Lay, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), một trong 42 gương mặt thanh niên tiêu biểu được tuyên dương trong Festival Thanh niên dân tộc, tín đồ tôn giáo tiêu biểu lần thứ I vừa được tổ chức mới đây.

5
Anh Nịnh Văn Quyển kiểm tra chất lượng trứng trước khi xuất hàng

Trang trại của anh Quyển nằm ở cuối xóm Na Lay, tách biệt riêng trên một quả đồi. Để đến được nhà anh, chúng tôi phải vượt qua con dốc cao chừng 7m, nơi câu chuyện làm kinh tế của anh bắt đầu. Năm 2009, vốn yêu thích công việc chăn nuôi, anh quyết tâm từ bỏ nghề cơ khí về mở trang trại nuôi gà thả vườn tại gia. Khi đó, số tiền trong tay chỉ có 4 triệu đồng, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng trang trại, nuôi 5.000 con gà thả vườn. Tận dụng diện tích mặt nước có sẵn trước nhà, anh nuôi thêm 500 con vịt. Sau 2 năm phát triển, giá bán gà, vịt cứ luôn bấp bênh, lợi nhuận thu được không đủ để bù số vốn đã đầu tư. Trong lúc thua lỗ, anh vẫn cố xoay sở vay mượn để nuôi thêm 500 con lợn với mong muốn sẽ quay vòng được vốn. Nhưng vận may vẫn không mỉm cười với anh. Đến cuối năm 2011, anh thua trắng và quay trở lại vạch xuất phát.
Nhớ lại quãng thời gian ấy, anh tâm sự: “Lúc đó, tôi gần như suy sụp, chán nản, muốn bỏ hết tất cả. Nhưng sau một thời gian bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi đã tìm ra một phần nguyên nhân thất bại của mình. Một trong những nguyên nhân chính là con đường thông thương của trang trại. Khi đó, đường vào nhà tôi là con dốc dựng đứng cao hơn 10m, lởm chởm đá, chỉ rộng hơn 1m, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, xe ô tô không thể vào nổi, dẫn đến việc khi thương lái vào thu mua thường ép giá và việc cung cấp thức ăn cho gia cầm cũng gặp không ít khó khăn. Để chuyển cám vào trang trại, vợ chồng tôi phải thay nhau, người vác, người dùng xe máy chở, mỗi lần chuyển hàng tôi phải vác hàng chục bao cám. Tôi còn nhớ như in có hôm, tôi phải chạy vạy khắp nơi mới vay được tiền để gọi xe chở cám vào, khi xe đến nơi đã 10 giờ tối, tôi vừa vác bao cám nặng trĩu trên vai vừa chảy nước mắt vì nghĩ quá cực nhọc”.
Chính vì lý do đó, năm 2012, anh quyết tâm dừng tất cả việc chăn nuôi và bắt tay vào làm đường để khơi thông con đường vận chuyển hàng hóa. Được Nhà nước hỗ một phần xi măng, anh bỏ thêm tiền và tự tay phá đá, san đường, sau 6 tháng, con đường dài gần 500m vào nhà anh đã được bê tông hóa. Sau khi làm đường xong, anh  đi tham quan, học hỏi một số mô hình chăn nuôi ở trong tỉnh và tỉnh Bắc Giang. Anh nhận thấy, nếu tiếp tục tự chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao, không thay đổi phương thức kinh doanh chắc chắn sẽ lại thất bại. Bởi vậy, anh đã đến “gõ cửa” từng công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm để mời gọi đầu tư và liên kết. Khi đó, anh cũng nhận được rất nhiều cái lắc đầu từ chối, do số vốn của anh quá ít. Nhưng may mắn, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam đã đồng ý đầu tư và hỗ trợ cho anh mở trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Mạnh dạn vay ngân hàng thêm 1,5 tỷ, anh phát triển trang trại với quy mô 1.200 m2, nuôi hơn 14 nghìn con gà siêu trứng. Anh Quyển cho biết: Với hình thức liên kết kinh doanh này, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam sẽ cũng cấp cho trang trại của tôi con giống và đầu ra, bởi vậy thu nhập sẽ ổn định và hiệu quả kinh tế bền vững hơn”.
Không chỉ lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh Quyển còn được biết đến với vai trò là người Chủ tịch mẫn cán của Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế xã Quang Sơn. Anh Lý Văn Dần, một thành viên trong Câu lạc bộ chia sẻ: Chúng tôi rất khâm phục anh Quyển, phải là người có bản lĩnh và ý chí kiên cường mới có thể vượt qua mọi thất bại, khó khăn và vươn lên làm giàu được như vậy. Anh, em trong Câu lạc bộ đều coi anh như “quân sư”, mỗi khi muốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đều đến nhờ tư vấn và nhận được từ anh nhiều lời khuyên thấu đáo.
Được biết hiện nay, trang trại của anh đã ổn định hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về dự định phát triển trong tương lai, anh hào hứng nói: “Ước mơ của tôi vẫn là làm giàu từ chính mảnh đất của mình, phát triển kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng. Ngoài nuôi gà đẻ trứng, tôi đã nuôi thêm 500 con gà thả vườn. Sắp tới, tôi sẽ đào ao nuôi cá và chăn thả vịt, đồng thời trồng rừng gỗ xoan và xen kẽ trồng thêm cây dược liệu”.