Phú Thọ: Hiệu quả từ nguồn vốn vay 120 cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

10:40 13/06/2014     3523

3 Chương trình   Web.ĐTN: Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi nghèo khó, chàng trai trẻ Đỗ Đình Tiệp - khu Dân Thanh, xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập luôn muốn tìm một nghề để lập nghiệp mà không phải rời xa quê hương.
Khảo sát thấy người dân trong xã phải đi mua gạch xây dựng ở xa với giá thành cao, năm 2011, Tiệp quyết định mở xưởng sản xuất gạch không nung xi măng. Mới đầu khởi nghiệp, nguồn vốn hạn chế, vay vốn ngân hàng lãi suất cao nên chàng trai trẻ gặp không ít khó khăn. Năm 2013, anh được vay 100 triệu từ nguồn vốn 120 trong vòng 3 năm với lãi suất 0,65%. Có được số vốn mong chờ bấy lâu, anh đầu tư mở rộng sản xuất và mua ô tô để phục vụ việc chuyên chở vật liệu và gạch đến tận nơi cho khách hàng. Hiện nay, mỗi tháng xưởng gạch của anh cung cấp từ 3 đến 4 vạn gạch cho thị trường, mang lại lợi nhuận hơn 12 triệu đồng/tháng. Tạo việc làm cho 4 lao động thanh niên tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Theo chàng trai trẻ này, nguồn vốn 120 thực sự là nguồn hỗ trợ đầy ý nghĩa với những thanh niên bước đầu khởi nghiệp như anh.
a
Anh Đỗ Đình Tiệp đang vận hành máy ép gạch

  Anh Tiệp chỉ là một trong 22 thanh niên cũng là 22 chủ dự án trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang được vay vốn từ nguồn vốn 120. Thời gian qua, thực hiện quản lý nguồn vốn cho ĐVTN vay, Tỉnh đoàn Phú Thọ đã triển khai đầu tư cho những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại dịch vụ như cơ khí tổng hợp, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông – lâm – sản… Nhiều mô hình dự án đã phát triển ổn định theo hướng bền vững, nhiều chủ mô hình chỉ  sau 1 – 2 năm được hỗ trợ đã hoàn lại vốn, tạo điều kiện để vốn quay vòng, tiếp tục hỗ trợ cho các mô hình mới. Một trong những yêu cầu để các thanh niên có thể tiếp cận được với nguồn vốn này là phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đây là điều khá mới mẻ đối với những thanh niên bước đầu lập nghiệp. Vì vậy, để quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn 120, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn phú Thọ đã tích cực chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn về định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, tổ chức thẩm định các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn; giám sát tình hình thực hiện vốn vay ở các huyện, thị, thành Đoàn; phối hợp các ngành tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình ở các địa phương.

    Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Hải Nam – Bí thư huyện đoàn Yên Lập cho biết: Trong thời gian qua chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên, trước hết phải tự túc, tự giác phát triển sản xuất hiệu quả để từ đó Huyện đoàn có thể tham mưu cho BTV Tỉnh đoàn phối hợp với ngân hàng chính sách cung cấp một phần vốn nào đó phát triển kinh tế.   

    Cũng như Đỗ Đình Tiệp, chàng trai Hà Tiến Long ở khu 1 xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba mong muốn lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2007, sau khi tham khảo và bàn bạc với bạn bè, người thân, anh Long đã quyết định mở xưởng cơ khí tổng hợp. Đầu ra sản phẩm ngày càng tăng nhưng anh rất khó mở rộng sản xuất vì thiếu vốn. Cuối năm 2012, anh Long được vay hơn 130 triệu từ nguồn vốn 120 để đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Không phụ tâm huyết, cố gắng của anh, hiện nay, mỗi tháng xưởng sản xuất cơ khí của anh Long cho lợi nhuận hơn chục triệu đồng. Theo anh Long, nguồn vốn như vốn 120 rất cần cho những thanh niên mới lập nghiệp như anh để mở xưởng cơ khí lập nghiệp, đồng thời tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương... Thanh niên khi muốn tiếp cận với vốn thì phải xem dự định mình làm gì, có lâu dài không, nó có khả thi không thì mới quyết định làm. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, mô hình cơ khí tổng hợp của anh Hà Tiến Long còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Trước khi vay vốn, xưởng cơ khí này chỉ có 3 lao động. Từ khi được  giải ngân nguồn vốn mở rộng sản xuất đến nay, xưởng luôn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/ người/tháng.
Xưởng cơ khí của anh Hà Tiến Long
Xưởng cơ khí của anh Hà Tiến Long

Thông qua nguồn vốn này, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh của đoàn viên thanh niên có cơ hội mở rộng quy mô, thu hút thêm lao động và tăng thêm thu nhập cho nhiều thanh niên ở địa phương. Điển hình như: Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của đoàn viên Bùi Đông Thủy ở khu 19, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao được vay 250 triệu từ nguồn vốn mới Trung ương Đoàn bổ sung năm 2013; Hợp tác xã sản xuất và chế biên chè tươi của đoàn viên Nguyễn Văn Tuyến ở Khu 15, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê vay 100 triệu; Mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản của đoàn viên Tạ Công Hoàn ở Khu 6, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông vay 95 triệu; Mô hình vận tải hàng hóa bằng ô tô, thu mua chế biến nông sản của đoàn viên Đoàn Tuấn Anh ở thôn 6, xã Bằng Doãn, huyện Đoàn Hùng vay 100 triệu... và còn nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên được vay vốn 120 hoạt động có hiệu quả.

     Thành công nhờ vốn vay ưu đãi đã mở ra nhiều con đường lập nghiệp cho thanh niên, song cũng không ít thanh niên có nguyện vọng khởi nghiệp nhưng khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Đối với chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên thanh niên, hộ gia đình trẻ kinh doanh cá thể làm chủ được vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động được tạo việc làm mới nhưng điều kiện vay là phải có tài sản thế chấp cao hơn giá trị vốn vay nên đã gây khó khăn cho nhiều thanh niên trong việc tiếp cận các nguồn vốn này.

    Vì vậy, những “cú hích” mạnh tay hơn trong hỗ trợ thanh niên vay vốn như tăng nguồn vốn vay, kéo dài thời hạn vay vốn; kết hợp hiệu quả giữa chuyển giao công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và vay vốn; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình sử dụng vốn vay tích cực; tăng cường lồng ghép giữa giải quyết việc làm thanh niên nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... là rất cần thiết. Đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ cho biết: Nguồn vốn thuộc Quỹ quốc gia về việc làm kênh trung ương Đoàn thường gọi tắt là vốn 120 đã được triển khai ở các tỉnh, thành đoàn để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Hiện nay, Tỉnh đoàn Phú Thọ đang quản lý tổng số vốn vay 120 là trên 2.900 triệu đồng, trong đó có 22 dự án đang hoạt động với hình thực cho vay tập trung, chủ yếu cho vay theo các mô hình thanh niên làm kinh tế sản xuất kinh doanh như: Sản xuất kinh doanh cơ khí gò hàn, sản xuất gạch nung, phát triển theo hướng kinh tế tập thể Tổ hợp tác, Hợp tác xã thanh niên... Nhờ làm tốt công tác quản lý, các dự án đều sử dụng vốn hiệu quả đúng mục đích, hỗ trợ tích cực cho thanh niên trên con đường lập nghiệp. Năm 2013, Tỉnh đoàn Phú Thọ vinh dự là một trong 5 tỉnh quản lý nguồn vốn vay giải quyết việc làm có hiệu quả nhất. Với những kết quả đã đạt được như vậy, trong năm 2014 Tỉnh đoàn Phú Thọ tiếp tục được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quan tâm, tín nhiệm bổ sung thêm nguồn vốn mới trị giá 200 triệu cho 02 dự án tại 02 huyện Tam Nông và Thanh Thủy. Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho những đoàn viên thanh niên đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn 120 và những nguồn vốn vay ưu đãi khác; tăng cường công tác quản lý giám sát việc triển khai thực hiện vốn vay, đồng thời đôn đốc các dự án đến hạn thu hồi, kiểm tra các dự án 120 của Đoàn Thanh niên trên phạm vi toàn tỉnh nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đối tượng, qua đó góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho đoàn viên thanh niên./.