Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội trong 10 tháng năm 2021

08:39 06/11/2021     1940

3 Chương trình   ĐTN: Chiều 5/11/2021, tại Hà Nội, NHCSXH phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại Trung ương tổ chức giao ban trực tuyến nhằm đánh giá kết quả hoạt động ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong 10 tháng năm 2021, bàn phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại điểm cầu NHCSXH

 

10 tháng qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác đã ký kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống lao động giỏi, lao động an toàn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và đạt được những kết quả khả quan trên các mặt hoạt động; đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. 
 

Tại đểm cầu trực tuyến Trung ương Đoàn có Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm tham dự chương trình.

 

Đến 31.10.2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 259.902 tỉ đồng, tăng 21.528 tỉ đồng so với năm 2020. Tổng dư nợ đến 31.10.2021 đạt 243.191 tỉ đồng, tăng 16.994 tỷ đồng (+7,5%) so với cuối năm 2020, với gần 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 241.503 tỉ đồng, chiếm 99,31% tổng dư nợ, tăng 16.419 tỉ đồng so với năm 2020. Cụ thể, dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ đạt 92.724 tỷ đồng, chiếm 38,40% tổng dư nợ ủy thác; Hội Nông dân đạt 73.273 tỷ đồng, chiếm 30,34% tổng dư nợ ủy thác; Hội CCB đạt 41.015 tỷ đồng, chiếm 16,98% tổng dư nợ ủy thác; Đoàn Thanh niên đạt 34.491 tỷ đồng, chiếm 14,28% tổng dư nợ ủy thác.

NHCSXH đã cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Đến 31.10.2021, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,72% tổng dư nợ.

Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến 31.10.2021 có trên 99% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi tiết kiệm của gần 6,4 triệu tổ viên, với số dư 14.338 tỉ đồng. 

Tính riêng trong 10 tháng qua, đã có hơn 1,7 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Qua đó góp phần tạo việc làm cho hơn 540 nghìn lao động; giúp gần 19,2 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 5,8 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, nhà tránh lũ và nhà ở xã hội.

Đánh giá tại Hội nghị, 4 tổ chức chính trị - xã hội cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để SXKD, đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng đã thể hiện quyết tâm cao trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phấn đấu cùng NHCSXH hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch trong những tháng còn lại năm 2021. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác, trong đó cần tiếp tục thực hiện tốt hơn việc trao đổi thông tin hai chiều giữa NHCSXH với các tổ chức hội; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tổ chức có hiệu quả hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

 

Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thảo luận tại buổi họp giao ban trực tuyến

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2021, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp hội, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa kịp thời chuyển tải các nguồn vốn tín dụng chính sách. Tiếp tục phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương để hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt các chủ trương, chính sách mới cho người dân. 

Tiếp tục phối hợp theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và SXKD. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ động nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý, điều hành hoạt động ủy thác theo chức năng, nhiệm vụ của các bên.

 

Tính đến 31/12/2021 kết quả uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luỹ kế doanh số cho vay đạt 9.316.409 triệu đồng, luỹ kế doanh số thu nợ đạt 6.857.259 triệu đồng, luỹ kế doanh số xoá nợ 12.166 triệu đồng. Tổng số dư nợ đạt 34.491.349 triệu đồng, trong đó nợ quá hạn là 116.418 triệu đồng.

Trung ương đoàn đã ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với NHCSXH các cấp đẩy mạnh hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 202121; chỉ đạo tỉnh đoàn Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang thực hiện Đề án củng cố nâng cao, chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021-2023.

Xây dựng và thực hiện các nội dung tuyên truyền về hoạt động ủy thác trên trang thông tin điện tử của Trung ương Đoàn, trang thông tin của trung tâm, trang thông tin của các tỉnh, thành Đoàn; xuất bản cuốn cẩm nang “Hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp” trong đó có nội dung hướng dẫn nghiệp vụ vay vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả từ NHCSXH.

Chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2021, cấp tỉnh đã kiểm tra được gần 70% các huyện, xã theo kế hoạch đề ra. Trung ương Đoàn đã lập kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, tập trung tại các tỉnh có số nợ quá hạn cao, còn nhiều xã “trắng” Tổ TK&VV tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kiểm tra, giám sát tại cơ sở chậm hơn so với dự kiến.

Trung ương Đoàn đã xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn nghiệp vụ nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho các cấp bộ Đoàn, Ban Quản lý Tổ TK&VV, Tổ trưởng Tổ TK&VV, Tổ trưởng; đôn đốc các tỉnh thành đoàn chủ động phối hợp với NHCSXH tại địa phương tổ chức tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ Đoàn hàng năm hoặc tham dự các lớp tập huấn do NHCSXH tổ chức cho các hội đoàn thể tại từng xã.

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Trung ương Đoàn đã triển khai các lớp tập huấn, kiểm tra tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Bình Định, Kiên Giang thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến theo tình hình thực tế tại địa phương và dự kiến đẩy mạnh việc tập huấn kiểm tra thông qua hình thức trực tuyến tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Kon Tum, Sóc Trăng.


 

Thanh Nga