Nguyễn Ngọc Quyết biến giấc mơ thành hiện thực
08:21 13/02/2016 1310
3 Chương trình Suốt nhiều năm, thường trực trong suy nghĩ của anh Nguyễn Ngọc Quyết (trú tại thôn Phú Hữu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là giấc mơ thoát cảnh nghèo khó. Mạnh dạn, quyết đoán, sau gần 8 năm ăn - ngủ cùng những con rắn, từ một chàng công nhân nghèo khó, anh đã có trong tay cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng...
Mạnh dạn
Tìm về xóm Gốc Thông, thôn Phú Hữu một ngày cuối năm se se lạnh, hỏi đến trang trại rắn Ngọc Quyết của ông chủ trẻ sinh năm 1984 không ai là không biết đến. Những người dân trong thôn đều nhiệt tình chỉ đường: "Chỉ cần đi thẳng, nhìn thấy chiếc cổng đá to đẹp nhất làng là nhà anh Quyết "rắn" đấy!".
Nằm ở giữa làng, căn nhà 2 tầng khang trang mới được xây dựng của thanh niên trẻ nổi bật với kiến trúc độc đáo. Vừa niềm nở đón khách, anh vừa hồ hởi chia sẻ: "Nhờ nuôi rắn, tôi mới có được cơ ngơi mà tưởng như nằm mơ cũng chẳng thấy này đấy! Vất vả, gian lao lắm!".
Những con rắn đã giúp anh Quyết đổi đời
Sinh năm 1984 trong gia đình thuần nông có hoàn cảnh không mấy dư dả, tốt nghiệp THPT, anh Quyết đi học nghề lái máy ủi, máy xúc với hi vọng nhanh chóng kiếm được việc làm đỡ đần mẹ cha dựng lại căn nhà cấp 4 cũ kĩ. Tuy nhiên, trái với những ước mơ, dự định của chàng trai trẻ, nghề công nhân nhọc nhằn cuốn anh đi theo những công trình xa mãi tận mạn Tây Bắc.
"Mỗi năm, tôi chỉ tranh thủ về nhà được 1, 2 lần là nhiều. Đi theo công trình nay đây, mai đó vất vả vô cùng mà đồng lương kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Thanh niên trẻ xa nhà nên vài triệu đồng cũng chỉ đủ cho nhu cầu chi dùng trong sinh hoạt", Quyết tâm sự.
Đã nhiều đêm, nằm trong những lán trại nơi vùng cao Tây Bắc, nghĩ đến bố mẹ ở nhà, nghĩ đến đồng lương eo hẹp, chàng trai trẻ lại càng thêm bế tắc về con đường phía trước.
"Cuối năm 2006, tôi về quê ăn Tết cùng gia đình. Cũng chính trong những ngày cuối năm ấy, tôi không may bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi, phải nằm ở nhà mất nhiều tháng để chữa trị", anh kể. Sức khỏe yếu, không thể tiếp tục đi theo nghề lái máy xúc, Quyết đau đáu với suy nghĩ: Mình phải làm gì, bắt đầu lại từ đầu như thế nào để không trở thành gánh nặng của mẹ cha?
Kể về mối duyên đến với nghề nuôi rắn, Quyết chia sẻ: "Tình cờ, trong một lần về quê ngoại ăn cỗ, tôi thấy rất nhiều người họ hàng của mình kinh tế khá giả, nhà lầu, xe hơi chỉ nhờ nuôi rắn. Tại sao họ làm được, mình lại không? Nghĩ vậy nên tôi thử sức". Sau nhiều suy tính, anh quyết định thử sức với 30 con rắn đầu tiên, số tiền vốn đầu tư vào khoảng 15 triệu đồng.
Nhọc nhằn
Khó khăn lớn nhất đối với chàng trai trẻ những ngày đầu lập nghiệp là đồng vốn eo hẹp trong khi thị trường con giống vô cùng đắt đỏ. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi rắn này cũng đặt ra nhiều thách thức với một người trẻ chưa hề có kinh nghiệm như anh.
"Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều, bởi những năm ấy, số tiền hàng chục triệu đồng với gia đình tôi đâu phải là chuyện đơn giản. Tính tôi đã quyết là làm, bên cạnh đó, bố mẹ cũng rất ủng hộ nên tôi càng có động lực cố gắng nhiều hơn nữa", anh chia sẻ.
Thế là, chàng thanh niên vốn chỉ quen với vô lăng, với chiếc cần cẩu, máy xúc hì hụi đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
"Mỗi con vật nuôi lại có một quy luật sinh trưởng và phát triển khác nhau nên điều quan trọng nhất là người chăn nuôi phải nắm được rõ quy luật ấy, từ điều kiện nhiệt độ, ánh sáng đến thức ăn, quy luật sinh lý để hạn chế tối thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Càng gắn bó với con rắn, tôi càng thấy đam mê nên quyết tâm phải bám trụ lấy nó" - Quyết tâm sự.
Anh Nguyễn Ngọc Quyết lựa chọn các quả trứng rắn có chất lượng tốt
Lứa rắn đầu tiên, anh bội thu với số tiền lãi lên đến hàng chục triệu đồng. Từ 30 con rắn đầu tiên, anh giữ lại rắn sinh sản rồi cứ thế nhân rộng lên số lượng, mở rộng quy mô chuồng trại. Vốn tính tỉ mỉ, cẩn thận, anh gắn bó với những con rắn, yêu chúng hơn yêu chính bản thân mình.
Ngày cũng như đêm, anh theo dõi sát sao từng diễn biến của đàn vật nuôi để có điều chỉnh hợp lý, thậm chí thuộc đến cả từng hơi thở để nhận ra tiếng khò khè của những con rắn bị bệnh viêm phổi. Không hiếm những lần, anh say mê đến quên ăn, quên ngủ với những quả trứng rắn, những chú rắn con hay theo dõi chu kì sinh sản của những con rắn trưởng thành.
Anh chia sẻ: "Khi đã hiểu được con rắn thì sẽ thấy đây là con vật nuôi dễ tính hơn tất cả những con vật nuôi khác. Thức ăn của chúng chủ yếu là nhái, ếch tuy nhiên những loại này giá trị dinh dưỡng chưa cao.
Tôi thường tìm đến tận các chợ đầu mối thu gom cổ gà công nghiệp để làm thức ăn dự trữ cho đàn rắn của mình". Theo anh Quyết, để nuôi rắn lớn nhanh và sinh sản tốt cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn thức ăn đến cách chăm sóc, theo dõi bệnh.
...và quả ngọt
Khởi nghiệp từ đầu năm 2007, sau 8 năm gắn bó với nghề, từ số lượng 30 con rắn ban đầu, đến nay, hệ thống trang trại rắn của anh Quyết luôn duy trì số lượng 3.000 con rắn các loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường với sản phẩm rắn thương phẩm, rắn sinh sản và cung cấp con giống cho nhiều thị trường.
Ông chủ trẻ cũng cho biết, để xuất bán được một lứa rắn thì tùy theo kích cỡ và chất lượng giống mà thời gian nuôi có thể kéo dài từ 1 – 1,5 năm. Riêng anh, do luôn có nguồn giống đảm bảo chất lượng lại thêm nuôi đúng kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình tự mày mò, học hỏi, đúc rút từ thực tế nên chỉ nuôi trong khoảng 12 tháng là anh đã có thể xuất bán, con to có trọng lượng khoảng 2,5kg, trung bình từ 1,5 – 2kg, giá bán dao động từ 600 - 800 nghìn đồng/kg, lúc cao có thể lên tới hơn 1 triệu đồng/kg. Tính bình quân, sau khi trừ các khoản chi phí đầu vào, anh thu về từ hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ có nguồn thu nhập trong mơ từ nghề nuôi rắn, anh Quyết còn mạnh dạn đào ao thả cá trê lai nhằm tận dụng thức ăn thừa. Mỗi năm, số lượng 1.000 con cá trê lai với 2 lứa thu hoạch ước tính từ 1,8 - 2 tấn/lứa cũng cho gia đình anh một nguồn thu nhập đáng kể.
Trong căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế nằm giữa trung tâm xã Minh Phú, vợ chồng anh vừa dùng để ở, vừa là trang trại và "sàn giao dịch" rắn. Trong tương lai, anh đang có dự định cải tạo hệ thống ao quanh nhà để thả ba ba, tận dụng thức ăn thừa của rắn.
Là một tấm gương tiêu biểu của thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Ngọc Quyết còn rất năng nổ trong các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Hiện, anh là Bí thư chi đoàn thôn Phú Hữu. Anh cũng dành thời gian tham dự nhiều hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi rắn với các bạn trẻ có chí hướng làm giàu như mình.
Tweet