Người cán bộ trẻ luôn tận tụy với dân

09:56 11/06/2014     1505

3 Chương trình   Web.ĐTN: Đó là anh Bùi Văn Thành cán bộ nông nghiệp, kiêm cán bộ văn hoá xã hội của Thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ - Thái Nguyên).

Kỹ sư nông nghiệp Bùi Văn Thành (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng nấm.
Kỹ sư nông nghiệp Bùi Văn Thành (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng nấm.

Chúng tôi về trụ sở UBND thị trấn Trại Cau khi đã gần trưa, một cán bộ làm việc tại đó chỉ cho tôi phòng anh Thành và vui vẻ nói: “Thành vừa đi thăm đồng về, giờ đang tổng hợp tình hình, viết báo cáo xin dự án về cho bà con đấy, nhiệt huyết lắm!”… Tiếp chúng tôi, anh Thành điềm đạm: “Mình cũng như bao người khác muốn trở về xây dựng quê hương sau khi tốt nghiệp đại học. Những việc mình làm, chỉ đơn giản là xuất phát từ suy nghĩ đó”.

Gắn bó với mảnh đất Trại Cau từ khi sinh ra (năm 1979), anh Thành luôn ấp ủ mơ ước sau này được góp sức xây dựng quê hương. Anh tâm sự: “Ngày học cấp II, được nghe thầy cô giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, mình vừa khâm phục vừa tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước. Lúc đó mình nghĩ phải cố gắng học tập thật tốt, tích lũy kiến thức, để sau này làm việc tại quê hương … Rồi khi đỗ vào đại học, được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi là sinh viên năm thứ 4, lúc đó mình càng thấm nhuần lời dạy của Bác, là cán bộ, đảng viên phải là đầu tàu, gương mẫu, tận tâm với nhân dân…”. Bởi thế, sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, bỏ qua cơ hội làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên thành phố, năm 2003, anh Thành đã nộp hồ sơ xin việc tại UBND thị trấn Trại Cau, sau đó được nhận vào làm cán bộ phụ trách nông nghiệp tại thị trấn. Đó chính là điểm mốc cơ bản giúp anh thực hiện điều mà anh luôn ấp ủ…

Làm việc tại địa phương cho anh nhiều mối quan hệ, được đi nhiều nơi, học hỏi thêm nhiều kiến thức. Năm 2008, trong chuyến đi thực tế tại Viện Giống cây trồng Trung ương, nhận thấy trồng nấm nhàn, không tốn nhiều thời gian, có thể tận dụng rơm rạ nông nghiệp, lại cho hiệu quả cao nên anh quyết định tự mình xây dựng mô hình trồng nấm tại gia đình. Với kiến thức tích lũy từ trường đại học và kinh nghiệm thực tế, anh đã trồng nấm sò thành công, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ngay sau đó, anh đã vận động và hướng dẫn bà con trên địa bàn cùng triển khai mô hình. Đến nay, 12 hộ tham gia đều tích lũy được vốn kiến thức, kinh nghiệm, cùng nhau tạo thành mạng lưới cung ứng nấm cho thị trường. Không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương mà họ còn cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trong tỉnh. Tùy theo quy mô mà mỗi hộ trồng nấm này thu lãi từ 20 đến 70 triệu đồng/năm… Anh Trần Anh Cường (tổ 16), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Trồng nấm chỉ khó lúc pha chế nồng độ vôi và lúc lựa chọn nhiệt độ hấp, các khâu khác thì ai cũng có thể làm được. Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu tập trung sản xuất nấm, mỗi ngày bán được 200-300 nghìn đồng, trừ chi phí thu lãi 7-8 triệu đồng/tháng… Có được kết quả này cũng do chú Thành đã đem dự án, khoa học kỹ thuật mới về cho bà con áp dụng...”
Không chỉ triển khai các dự án do cấp trên chuyển về địa phương, anh Thành còn chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, những nơi quen biết để đưa các mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương về để cùng bà con triển khai, thực hiện. Đồng thời, để thay đổi nếp làm cũ của người dân địa phương, một mặt anh Thành đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con về lợi ích mà những việc làm đó mang lại, mặt khác anh luôn là người đi đầu trong mọi việc. Thành công trong cách làm này phải kể đến mô hình trồng 7ha lúa lai do anh Thành liên hệ Công ty Dier Việt Nam hỗ trợ kinh phí, đồng thời anh cũng trực tiếp vận động nhân dân tham gia để triển khai tại địa phương vào đầu năm 2011.

Dưới sự hướng dẫn khoa học kỹ thuật của anh Thành, việc trồng lúa lai theo đúng qui trình kỹ thuật đã tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, năng suất trung bình từ 2,5 đến 2,7tạ/sào/vụ. Đến nay, hơn 20ha đất ruộng của địa phương được cấy giống lúa lai này… Rồi mô hình chăn nuôi gà, lợn lai F1 tập trung nằm trong Dự án chuyển giao khoa học công nghệ do Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ kinh phí mà anh Thành trực tiếp vận động nhân dân để triển khai tại địa phương vào cuối năm 2011. Từ chỗ chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, đến nay, toàn thị trấn đã có 7 trại gà (trên 100 con) và 5 trại lợn lai F1 (trên 20 con), thu nhập bình quân từ 20 đến 50 triệu đồng/hộ/năm…. Riêng gia đình anh, với 200m2 vườn, mỗi năm, anh cùng vợ luân canh trồng các loại cây màu như rau, khoai tây, cà chua,…cuối năm trồng hoa Tết; căn nhà 50m2, anh chị trồng nấm sò. Từ các mô hình này, mỗi năm anh chị thu về trên 40 triệu đồng lãi. Nói về bí quyết thành công, anh Thành nói: “Bác đã dạy: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Muốn bà con thay đổi nếp làm cũ, cán bộ phải là người vận động và đi đầu. Như vậy bà con mới tin tưởng làm theo”. 

Với một ý chí quyết tâm và lòng nhiệt tình, rất nhiều thanh niên ở địa phương đã đến học tập kinh nghiệm cách làm kinh tế của anh. Sẵn sàng, anh hướng dẫn, chỉ bảo mọi người những kinh nghiệm mà mình có được. Nhờ đó nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương đã xuất hiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nói về dự định tương lai, anh Thành cho biết, trước mắt anh sẽ khuyến khích bà con tiếp tục phát triển các mô hình giống cây, con đã được làm từ trước để mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân… Đồng thời, tiếp tục lựa chọn các dự án phù hợp để phát triển kinh tế cho địa phương. Tin tưởng rằng, những người cán bộ tân tụy như anh Thành, kinh tế xã hội của thị trấn Trại Cau sẽ phát triển hơn nữa…