Nghệ An: Đa dạng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới
16:33 19/07/2021 4447
3 Chương trình ĐTN: Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng "Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới", Đoàn công tác của Tỉnh đoàn Nghệ An do đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh đoàn làm trưởng đoàn đã đến thăm một số mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả từ mô hình nuôi hàu thương phẩm
Anh Đậu Văn Thắng (sinh năm 1987) - Bí thư đoàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc là một trong những thanh niên đầu tiên phát triển mô hình nuôi hàu thương phẩm tại địa phương. Mô hình nuôi hàu của anh Thắng vay vốn từ quỹ Thanh niên lập nghiệp tỉnh 50 triệu đồng vào năm 2019. Đến nay, đã qua 2 mùa vụ thu hoạch hàu, mỗi năm anh thu nhập được 03 tấn hàu vỏ với tổng trị giá 120 triệu đồng, bước đầu tạo công ăn việc làm cho 02 lao động. Anh học hỏi kỹ thuật qua người quen vùng nuôi hàu rồi về đóng giàn, treo vật bám bằng dây cước thả nuôi. Một giàn nuôi hàu được thiết kế từ 70 - 80m2. Hiện, giàn hàu của anh đang phát triển tốt, dự định khoảng giữa năm sau, anh Thắng sẽ thu về số lượng lớn hàu thương phẩm.
Đồng chí Lê Văn Lương - UVBCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn đến thăm mô hình Nuôi hàu thương phẩm của anh Đậu Văn Thắng - Bí thư Đoàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc
Anh Thắng cho biết, ưu điểm của việc nuôi hàu là kỹ thuật nuôi đơn giản, chỉ cần chọn vị trí nuôi phù hợp, giăng dây thành giàn, chọn vật bám như tole, vỏ hàu treo lên giàn rồi thả sông rạch, nơi có nguồn nước chảy để lấy giống. Sau 1 tháng, hàu giống xuất hiện trên vật bám. Sau khi thả nuôi, kết quả ngoài mong đợi, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khi chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, giá cả ổn định, thị trường ưa chuộng.
Phát huy lợi thế của các mô hình trồng cây ăn quả
Theo chân cán bộ Huyện đoàn Nghĩa Đàn, chúng tôi đến thăm mô hình dưa lưới theo công nghệ isarel của anh Võ Văn Hậu sinh năm 1993 tại xóm 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Đàn. Vay mượn được 150 triệu để làm vốn, năm 2018, anh Hậu bắt đầu xây dựng nhà vườn quy mô nhỏ với 3 luống dưa. Sau thành công vụ đầu tiên, năm 2019 anh Hậu quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Theo anh, dưa lưới là loại cây dễ trồng, tuy nhiên với khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An, cần phải đầu tư xây dựng nhà kính, với công nghệ tưới đặc biệt.
Đồng chí Phạm Văn Toàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn đến thăm một số mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn: Mô hình trồng dưa lưới, mô hình trồng nho không hạt, mô hình nuôi ốc bươu
Được sự hỗ trợ vốn vay từ quỹ thanh niên lập nghiệp, anh Hậu mạnh tay xây dựng thêm 7.000 m2 nhà vườn, với chi phí lên tới hơn 2 tỷ đồng. Đây là mô hình trồng dưa lưới lớn nhất trên địa bàn sử dụng hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động với công nghệ của Israel. Vườn dưa lưới của anh cho sản lượng từ 40 - 50 tấn/năm, doanh thu đạt từ 300 - 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, mô hình của anh Hậu còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài mô hình dưa lưới, tỉnh Nghệ An còn là nơi trồng và phát triển rất nhiều loại cây ăn quả như cam, quýt, dứa, nhãn,…..Việc phát huy lợi thế của mảnh đất quê hương Bác đã giúp người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên nơi đây tạo ra được những sản phẩm cây ăn quả có tiềm năng mang lại giá trị cao, có thể phát triển tạo thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.
Nuôi ốc nhồi - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế
Những năm qua trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với các mô hình sản xuất nông nghiệp độc đáo, từ đó giúp họ có công ăn việc làm và thu nhập ổn định ngay trên mảnh đất quê hương. Nhiều thanh niên trong tỉnh đã biết lựa chọn hướng đi đúng, mạnh dạn đầu tư để xây dựng các mô hình mới, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao được hiệu quả sản xuất. Trong đó, Mô hình nuôi ốc nhồi (hay còn gọi gọi là ốc bươu) - con vật siêu đẻ, lợi nhuận cao là một mô hình độc đáo, mới mẻ, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Anh Luých có 01 ao để nuôi ốc thương phẩm và 01 ao để nuôi ốc giống
Trương Duy Luých sinh năm 1993, dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên tại xóm nghèo của xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn. Năm 2016, sau khi từ miền Nam trở về quê hương lập nghiệp, nhận thấy nhu cầu của thị trường về con ốc bươu rất lớn, Luých mạnh dạn tìm tòi, học hỏi đầu tư vào loại ốc đặc sản này.
Được sự hỗ trợ hướng dẫn từ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH, a Luých triển khai mở rộng quy mô, đào thêm một ao để nuôi ốc thương phẩm và một ao để nuôi ốc giống. Tính đến thời điểm hiện tại mô hình của anh đang là đầu mối cung cấp ốc giống cho các mô hình nuôi ốc bươu trên toàn huyện và cung cấp ốc thương phẩm cho địa bàn huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa.
Anh Luých cho biết: “Nuôi ốc bươu trong ao không tốn kém lắm, chỉ cần xây ao kín cho đỡ thất thoát, lượng nước vừa đủ, nền phủ lớp bùn mỏng, tạo các luống bằng cỏ và bèo tây để tạo bóng mát và ốc sinh sản giống môi trường tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là cám gạo, xơ mít, cộng rau quả, cỏ, bèo cái, thân cây chuối. Ốc con thả xuống ao tầm 3 - 4 tuần thì cho ăn bằng cám gạo. Thời gian ốc phát triển đến giai đoạn thu hoạch ốc thương phẩm khoảng 4 tháng”.
Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm không phải là mô hình xa lạ đối với người dân, nhưng đối với thanh niên nông thôn Nghệ An, thì đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã được nhân rộng tại một số huyện như: Yên Thành, Tân Kỳ, Thanh Chương,… Dễ nuôi, mức chi phí đầu tư ít, thức ăn dễ kiếm, ít dịch bệnh nên mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Luých thực sự mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập kinh tế cho bà con nông dân xã Nghĩa Đức trong những năm tới.
Có thể nói, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều bước chuyển hướng tích cực. Thông qua phong trào, đã thu hút, khuyến khích thanh niên lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ và dám làm giàu ngay trên chính quê hương của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trịnh Hằng Tweet