Máy nông nghiệp "8 trong 1" của Tạ Đình Huy

21:42 28/12/2015     1724

3 Chương trình   Chỉ học nghề sửa xe máy nhưng với mong muốn giúp người nông dân đỡ vất vả khi canh tác trên ruộng đồng, Tạ Đình Huy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội) đã chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1”.
Khởi nghiệp từ nghề sửa xe máy...

Huy là một trong 364 đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II năm 2015 diễn ra trong ba ngày từ 11 - 13/12/2015 tại Hà Nội.
Tạ Đình Huy với chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1”
Tạ Đình Huy với chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1”

Bố mất sớm để lại ba mẹ con Huy trong sự nghèo khó. Vì vậy, hết lớp 12, anh đành gác lại giấc mơ bước vào giảng đường đại học để kiếm việc làm phụ mẹ nuôi em. Để có việc làm ổn định, Huy chọn học nghề sửa chữa xe máy. Hàng ngày, ngoài sửa xe cho khách, anh thường mày mò, tìm hiểu công nghệ chế tạo thiết bị cơ khí để thỏa lòng đam mê. Cũng là con nhà nông nên Huy thấu hiểu nỗi vất vả của bà con nông dân luôn phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.  Vì thế, anh ấp ủ ý định tạo ra một thiết bị giúp người nông dân giải phóng sức lao động.

Tuy nhiên, phải mất vài năm Huy mới định hình được những công việc cần làm. Nắm chắc những nguyên lý cơ bản của chiếc máy, sau đó anh mới bắt tay vào cắt từng thanh sắt để lắp ráp. Huy cho biết: “Mình vừa phải làm nghề để đảm bảo cuộc sống vừa tranh thủ thực hiện chế tạo chiếc máy giúp nông dân chủ yếu vào ban đêm. Vì thế, việc tạo ra chiếc máy mất khá nhiều thời gian”.

Ngày sửa xe, đêm Huy lại hì hụi lắp ráp máy. Sau hai tháng miệt mài cuối cùng anh cũng cho ra  đời chiếc máy với 7 chức năng. Ngoài cày, bừa, làm cỏ, xới tơi đất, máy còn gieo hạt, bơm nước tưới tiêu, phun thuốc trừ sâu theo cơ chế điều khiển chuyển động đơn giản, thuận tiện.

Nhờ kinh nghiệm 15 năm sửa xe, chiếc máy nông nghiệp đa năng của Huy cũng chạy bằng... động cơ xe máy. “Nếu sử dụng động cơ xăng hoặc dầu diesel sẽ rất tốn kém. Hiện nay nhà nào cũng có xe máy, nhiều chiếc xe cũ thường bán sắt vụn dù động cơ còn chạy tốt, mình tận dụng nó chế lại một chút là thành máy chạy nông nghiệp ngon lành. Như vậy khi máy hỏng hóc bà con rất dễ dàng đưa ra tiệm xe máy gần nhà để sửa chữa” - Huy chia sẻ.


Chiếc máy khi được đưa ra đồng hoạt động thử nghiệm đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Đa số các chức năng của máy đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho người sử dụng, Huy tiếp tục chỉnh sửa cho máy gọn nhẹ hơn. Hiện, chiếc máy đa năng có trọng lượng từ 80 - 85 kg, dễ điều khiển, nếu lắp ít chức năng thì máy chỉ có trọng lượng khoảng 40 - 50 kg. Sau đó, Huy còn tiếp tục hoàn thiện thêm một chức năng khác cho máy là rạch hàng để gieo hạt, tạo ra máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1”.

Làm nhiều việc có ích cho xã hội...

Không những vậy Huy còn dành nhiều thời gianđi khảo sát thực địa phương khác nhau để chiếc máy có thể phù hợp với loại đồng đất từ miền xuôi đến miền núi. Với mong muốn giúp người nông dân bớt vất vả nên Huy không đặt nặng vấn đề vật chất. Nếu mua đầy đủ các chức năng, giá chỉ khoảng 14 triệu đồng còn mua máy có một chức năng (chẳng hạn như bơm nước), giá chỉ còn 1,6 triệu đồng.

Huy phân tích: “Nông dân còn nghèo, để mua được một cái máy, có người phải bán cả thóc, gà, lợn. Vì vậy, mình cố gắng giảm giá thành tối đa cho chiếc máy. Cụ thể, nếu muốn cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất, người nông dân phải mua 6 – 7 chiếc máy, chi phí khoảng 30 – 40 triệu đồng nhưng với một máy có đủ 8 chức năng, họ chỉ mất từ 13 – 14 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, máy lại có độ bền cao, có thể sử dụng tốt trong vòng 5 năm”.

So sánh một cách đơn giản, chiếc máy nông nghiệp đa năng do Huy thiết kế có thể đạt hiệu quả gấp 5 lần sức trâu và gấp 10 lần sức người nếu cùng thực hiện trên một diện tích ruộng. Vì thế, không chỉ nông dân ở Hà Nội mà nhiều người ở vùng lân cận, cả khách hàng tận đồng bằng sông Cửu Long cũng tìm đến Huy đặt hàng.

Đơn hàng ngày càng nhiều nên Huy quyết định mở xưởng sản xuất máy nông nghiệp đa năng phục vụ bà con nông dân. Đến bây giờ xưởng đã hoạt động được hơn một năm tạo việc làm cho 10 nhân công là đoàn viên, thanh niên địa phương  với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ tạo việc làm mà Huy còn trực tiếp đào tạo tay nghề cho thanh niên nông thôn. Huy cho biết, dự định sắp tới của anh là mở rộng xưởng, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại để tạo nhiều việc làm hơn nữa cho thanh niên nông thôn. “Mình nghĩ mục đích lớn nhất của con người là sống và làm việc chứ không phải theo đuổi tiền bạc. Vì vậy, nhiều bạn trẻ không thi được đại học hãy mạnh dạn học nghề. Bạn có thể học bất cứ nghề gì miễn là bạn đam mê và góp ích cho xã hội. Như vậy là bạn đã thành công” – Huy chia sẻ.