Mang nghề về làng

17:57 28/03/2016     1316

3 Chương trình   Web.ĐTN: Khi việc làm tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu việc làm của thanh niên, nhiều người đã “ly hương” tìm cuộc sống ổn định hơn. Nhưng cũng có những bạn trẻ sau khi có nghề trong tay lại quyết định rời bỏ “miền đất hứa” ấy, về quê lập nghiệp.
Khởi nguồn từ đam mê

Sinh ra trong gia đình binh nghiệp nhưng anh Đào Anh Tuấn (SN 1982), thôn Tăng Quang, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) lại lựa chọn con đường kinh doanh.

Tốt nghiệp THPT vào TP Hồ Chí Minh học ngành thiết kế thời trang. Năm 2003, anh Tuấn mở xưởng, may hàng xuất khẩu hướng tới thị trường các nước hồi giáo. Dù công việc ổn định nhưng anh luôn đau đáu hướng về quê nhà. Gần chục năm sau, khi tay nghề đã ổn định, tích cóp được số vốn kha khá, anh Tuấn quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên May Đào Gia tại xã Bích Sơn.


5
Anh Nguyễn Văn Mỹ (Lục Nam) đóng xe kéo phục vụ nông dân ở địa phương.

Nhiều đêm anh thức trắng nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng để thiết kế những mẫu quần áo vừa bảo đảm tiện dụng, vừa có tính thẩm mỹ; đến từng công ty, hội chợ chào hàng… Anh tâm sự: “Trong ngành công nghiệp thời trang, điều quan trọng nhất là cần có trái tim đam mê, óc sáng tạo, luôn đổi mới”. Hiện mỗi tháng, Công ty Đào Gia xuất gần 20 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Cũng xuất phát từ sở thích, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Mỹ (SN 1986) thôn Lương Ban, xã Đông Phú (Lục Nam) gây dựng sự nghiệp từ xưởng cơ khí. Từng có thời gian đi học nghề, làm thuê tại các khu công nghiệp ở Hải Dương, rồi sang Lào xây dựng nhà xưởng. Năm 2014, anh Mỹ về quê lập nghiệp, xưởng cơ khí của anh Mỹ chuyên sửa chữa máy cày, máy tuốt lúa và nhiều nông cụ khác.

Không chỉ có thu nhập ổn định, anh Mỹ còn tạo việc làm cho 02 đoàn viên trong thôn với thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô xưởng cơ khí và thuê thêm 3 nhân công.

Phát huy sức trẻ

Không chỉ tự lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân mà khi mang nghề về quê, các bạn trẻ còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn. Ở cơ sở trồng cây cảnh, sản xuất chậu cảnh của anh Dương Văn Tùng (SN 1987), thôn Hàm Long, xã Tiền Phong (Yên Dũng) đã thu hút hơn chục đoàn viên trong xã làm việc với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Tùng còn kiêm chức Phó thôn Hàm Long, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã và anh luôn được bà con và đoàn viên thanh niên ở địa phương tin tưởng.

Anh Ngụy Văn Tuyên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhận xét: “Với sức trẻ của mình, những điển hình thanh niên mang nghề về quê không chỉ tự làm giàu cho bản thân mà còn có đóng góp đáng kể với địa phương, phần nào giải quyết việc làm tại chỗ cho đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, họ còn đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở thôn, xã; cũng là hình thức hướng nghiệp cụ thể, hiệu quả cho thế hệ trẻ”.


f
Thăm quan mô hình Thanh niên làm kinh tế giỏi tại cơ sở sản xuất chậu hoa xuất khẩu của đồng chí Dương Văn Tùng (Yên Dũng).    

Để khuyến khích đoàn viên thanh niên vươn lên làm giàu trên chính quê hương, từ năm 2007, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã phát động phong trào lập thân, lập nghiệp. Nhiều hoạt động cụ thể được triển khai như: Hỗ trợ dạy nghề cho đoàn viên thanh niên, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

Năm 2015 vừa qua, Tỉnh đoàn đã tư vấn cho 20 dự án do thanh niên nông thôn làm chủ được vay từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua kênh Trung ương Đoàn với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 300 lao động. Hiện toàn tỉnh có 175 mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 1 nghìn lao động nông thôn.