Khởi nghiệp từ 14 con ếch giống
07:31 06/02/2017 1488
3 Chương trình Ba năm trước khi Nguyễn Văn Nữa (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) xây ngôi nhà tường khang trang cùng dãy chuồng trại nuôi ếch quy mô, người trong vùng đồn rằng anh trúng số độc đắc.
Ít ai có thể ngờ rằng chàng trai U-30 lại nhanh chóng trở thành tỉ phú nhờ nuôi ếch...
Hiện tại, Nữa đang quy hoạch vùng nuôi ếch hơn 10ha để xây dựng thương hiệu ếch sạch và tiếp tục chế biến ếch thành nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng để chiếm lĩnh thị trường.
“Nữa là điển hình của thanh niên tay trắng làm nên sự nghiệp. Hiện xã cũng đang hỗ trợ để Nữa xây dựng vùng nuôi và bao tiêu sản phẩm ếch cho người dân. Xã rất yên tâm với mô hình này, vì Nữa đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường ổn định để có thể giúp nhiều nông dân làm kinh tế giỏi", ông Võ Đăng Khoa - Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền nói.
Hiện tại, Nữa đang quy hoạch vùng nuôi ếch hơn 10ha để xây dựng thương hiệu ếch sạch và tiếp tục chế biến ếch thành nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng để chiếm lĩnh thị trường.
“Nữa là điển hình của thanh niên tay trắng làm nên sự nghiệp. Hiện xã cũng đang hỗ trợ để Nữa xây dựng vùng nuôi và bao tiêu sản phẩm ếch cho người dân. Xã rất yên tâm với mô hình này, vì Nữa đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường ổn định để có thể giúp nhiều nông dân làm kinh tế giỏi", ông Võ Đăng Khoa - Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền nói.
Nguyễn Văn Nữa cho ếch ăn trong khu trại ếch của anh |
Chàng trai mê... ếch
Dang dở việc học năm lớp 11, Nữa quyết định đăng ký nhập ngũ để rèn luyện tính kỷ luật và tinh thần không lùi bước. Xuất ngũ, chàng thanh niên này rong ruổi khắp các cánh đồng, hết vác lúa thuê đến lái máy gặt đập liên hợp.
Cũng từ đây, Nữa bắt đầu thấm thía nỗi cơ cực của người làm ruộng, nhất là thường xuyên chứng kiến cảnh chủ ruộng bán lúa xong trả tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật là phủi tay.
Gia đình bắt đầu yên tâm khi thấy Nữa chí thú làm ăn. Cưới vợ được một thời gian, bất ngờ Nữa đòi nuôi ếch nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình hai bên.
“Lúc đó nuôi ếch còn lạ với vùng này lắm. Nữa đi mượn nợ để mua 14 con ếch cái và mượn của ông anh 1 con ếch đực để nhân giống” - Nữa cười khi nhắc về khoảng thời gian khởi nghiệp.
Từ mười mấy con ếch giống, mấy tháng sau Nữa gây nuôi được hơn ngàn con ếch thịt và 160 ếch giống. Kể từ đó mỗi tháng Nữa thu về vài triệu đồng tiền lãi.
Gia đình hai bên chưa kịp hoàn hồn vì phi vụ liều của Nữa thì lại “đứng hình” khi anh mượn hơn 200 triệu đồng mua đất xây chuồng trại quy mô.
Nhờ bền chí làm ăn, Nữa bắt đầu thành công nhờ nuôi ếch. Thời gian cao điểm, Nữa bán được giá ếch giống lên đến 2.200 đồng/con, ếch thịt 85.000 đồng/kg. Nợ nần dần được trả hết, Nữa xây dựng nhà cửa khang trang cho vợ con.
Chế biến “mẫu hậu chân dài”
Thấy mô hình nuôi ếch của Nữa “ăn nên làm ra”, dân trong vùng bắt đầu đổ xô làm theo. Cung vượt cầu nên giá ếch giống lẫn ếch thịt lao dốc không phanh, chỉ còn 500 đồng/ếch giống và 23.000 đồng/kg ếch thịt. Với giá này, người nuôi cầm chắc... ôm nợ.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Nữa quyết định chuyển sang chế biến ếch để nâng cao giá trị sản phẩm.
Món ăn đầu tiên anh chàng xứ bưng biền nghĩ đến là khô ếch. Lúc đó thị trường đã có món khô nhái được mệnh danh là “vũ nữ chân dài”, còn khô ếch chưa xuất hiện nên Nữa gọi sản phẩm này của mình là “mẫu hậu chân dài”.
Những mẻ khô ếch đầu tiên liên tiếp thất bại vì nếu phơi quá khô thì mất hết vị ngọt của ếch, còn phơi không khô thì không cách nào bảo quản được. Khó khăn chồng chất khó khăn vì mỗi lần ướp khô lại cho ra một mùi vị khác nhau.
Thất bại, thất bại rồi thất bại đã khiến hơn trăm triệu đồng của Nữa “đội nón ra đi”. Nhớ lại quãng thời gian nhiều thách thức này của Nữa, vợ anh chỉ còn biết lắc đầu: “Ảnh mà quyết làm cái gì thì trời cản cũng không được”.
Dần dần dòng sản phẩm khô ếch của Nữa được hoàn thiện. Để mang “mẫu hậu chân dài” tiếp cận thị trường, vợ chồng anh bắt đầu đăng ký tham gia hội chợ.
Gần như hội chợ nào ở tỉnh Đồng Tháp cũng có gian hàng khô ếch của Nữa. Ban đầu từ việc phải mời họ dùng thử đến quá nửa số khô mang theo, hiện nay gian hàng bắt đầu có khách quen, nhiều người ăn riết rồi đâm ra ghiền.
Sau mặt hàng khô ếch, Nữa còn mạnh dạn đầu tư máy móc để làm chà bông ếch. Hai dòng sản phẩm này còn được nhiều gian hàng đặc sản Đồng Tháp cho lên kệ.
Đều đặn hằng tháng, Nữa cung cấp ra thị trường 100kg khô ếch và 200kg chà bông ếch với giá bán lần lượt là 400.000 đồng/kg và 700.000 đồng/kg.
Lợi nhuận hằng năm từ việc chăn nuôi ếch đến chế biến sản phẩm lên đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch Nữa tận dụng làm thức ăn cho ba ba, tăng thêm lợi nhuận.
Hướng đi sắp tới của chàng trai vừa bước qua tuổi 29 là xây dựng vùng nuôi ếch sạch, quản lý chặt từ con giống đầu vào, thức ăn đảm bảo không sử dụng chất cấm, đồng thời quản lý dịch bệnh. “Sản xuất sạch mới là hướng đi lâu dài” - Nữa nói.