Khánh Hòa: Hiệu quả những mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

09:33 24/02/2022     20307

3 Chương trình   ĐTN: Năm 2021 vừa qua được Trung ương đoàn chọn là năm “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; cùng với các tỉnh, thành đoàn trong cả nước, Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình, cách làm; vận động nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp.

Trong đó tập trung khuyến khích thanh niên nghiên cứu và mạnh dạng thực hiện các đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới phục vụ cho nhu cầu xã hội.

Khởi động từ một chương trình thực tế

Chương trình truyền hình thực tế “Cuộc đua khởi nghiệp Khánh Hòa – Startup Race” với chủ đề “Từ ý tưởng đến hiện thực” do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp cùng Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức với mong muốn thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, kết nối đầu tư và hỗ trợ những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của thanh niên Khánh Hòa từ đó phát triển hơn nữa phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, giúp thanh niên làm giàu chính đáng.

Từ khi phát động, đã có hàng chục hồ sơ đăng ký tham gia gồm những cá nhân và tập thể những bạn trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp, lập nghiệp và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Khánh Hòa. Các thí sinh đăng ký tham gia chương trình phải trải qua 03 vòng thi: Sơ loại (thẩm định hồ sơ, đánh giá chất lượng ý tưởng, mô hình); Chinh phục (Thí sinh trực tiếp thuyết trình dự án của mình trước Hội đồng Ban Giám khảo) và Thử thách (các thí sinh được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, được các chuyên gia tập huấn, hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật, kinh nghiệm, kinh năng kinh doanh; trực tiếp tham gia bán sản phẩm, dịch vụ của mình tại các siêu thị, kênh bán hàng, phân phối sản phẩm).
 

Ban tổ chức trao giải cho dự án “Xây dựng mô hình Dưa lưới nhà kính” trong chương trình thực tế “Cuộc đua khởi nghiệp”

 

Sau hơn 1 tháng thực hiện, có 5 dự án khởi nghiệp triển vọng được Hội đồng Ban Giám khảo lựa chọn vào vòng chung kết của chương trình đã diễn ra vào ngày 15/1/2021. Tại vòng chung kết này, các tác giả của những mô hình, ý tưởng đã trực tiếp trình bày trước Ban Giám khảo, chuyên gia, nhà đầu tư và khán giả về ý tưởng sản phẩm, dịch vụ của mình; xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh và thuyết phục các nhà đầu tư bằng những chiến lược kinh doanh nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến với thị trường hiệu quả hơn, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Sau quá trình thi kéo dài và chất lượng, Đội khởi nghiệp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh với Dự án “Sử dụng nền tảng chuỗi khối (Blockchain) trong quy trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp” đã xuất sắc giành giải Nhất; giải Nhì của cuộc thi thuộc về đội Thanh niên khởi nghiệp Thành đoàn Cam Ranh với Dự án “Xây dựng mô hình Dưa lưới nhà kính”; giải Ba thuộc về Đội Đoàn trường Đại học Khánh Hòa với Dự án “Du lịch tình nguyện – Volunteer tourism” và 02 đội dự thi khác đạt giải khuyến khích.

Quyết tâm lớn đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Ngay từ đầu năm 2021, với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp, hướng đi mới hỗ trợ cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Tỉnh đoàn Khánh Hòa cùng Viện Đòa tạo và Phát triển Doanh nhân Việt Nam và Công ty TNHH Cố vấn Khởi nghiệp Việt Nam ký kết biên bản hợp tác hỗ trợ, tư vấn, triển khai vườn ươm khởi nghiệp và hỗ trợ nâng cao năng lực thanh niên Khánh Hòa. Sau khi làm việc, thảo luận, các bên đã đi đến thống nhất triển khai phát triển “Mô hình tổ chức vườn ươm khởi nghiệp và Hệ sinh thái khởi nghiệp” cho thanh niên Khánh Hòa.

Theo đó, các đơn vị phối hợp sẽ hỗ trợ Tỉnh đoàn triển khai các Đề án, công cụ thực hiện, quy trình thực hiện, phương thức và nhân sự vận hành Vườn ươm Khởi nghiệp tại Khánh Hòa; cung ứng và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia giúp đỡ thanh niên Khánh Hòa trên các lĩnh vực Khởi nghiệp, Công nghệ số...Cung cấp, hỗ trợ các chương trình đào tạo đa phương tiện, đặc biệt là khởi nghiệp và công nghệ số; Cung cấp các giải pháp đào tạo và lộ trình nhằm phát huy phong trào Sáng tạo trẻ tại Khánh Hòa có chất lượng, phục vụ công tác đào tạo, hướng nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên.
 

Tỉnh đoàn Khánh Hòa và các đơn vị ký kết hợp tác thực hiện “Mô hình tổ chức vườn ươm khởi nghiệp và Hệ sinh thái khởi nghiệp” cho thanh niên Khánh Hòa

 

Tiếp đó, được sự thống nhất của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã bắt tay vào triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bán hàng lưu động “Food Truck”. Theo dự kiến, đề án sẽ xây dựng một tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của TP. Nha Trang, thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Trong khung giờ từ 17 giờ 30 phút đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, các xe bán hàng lưu động “Food Truck” sẽ hoạt động, phục vụ ẩm thực du lịch, ẩm thực đặc trưng của địa phương, cà phê, bán mặt hàng lưu niệm tại các khu vực như Công viên Yến sào, Công viên Tuệ Tĩnh, Sân bóng Thanh niên… Tổng mức đầu tư cho đề án dự kiến khoảng 30 tỷ đồng với tổng cộng 40 xe bán hàng lưu động. Nguồn vốn triển khai đề án gồm: Vốn của các chủ đầu tư; vốn góp từ đoàn viên, thanh niên muốn khởi nghiệp kinh doanh; vốn vay thương mại.

Tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, Tỉnh đoàn và đoàn các cấp còn chú trọng nhiều đến hỗ trợ vốn vay cho thanh niên với dư nợ tính đến năm 2021 là trên 229 tỷ đồng đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ 14 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Những mô hình khởi nghiệp tạo ra lối đi mới của thanh niên địa phương

Là đoàn viên tiêu biểu, từng nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng nhờ thành công của mô hình trồng nấm, đến nay anh Nguyễn Hữu Nghĩa – thị xã Ninh Hòa đã tiếp tục phát triển thêm một mô hình khởi nghiệp mới – than không khói được tận dụng từ các nguồn nguyên liệu phế phẩm của nấm. Những mô hình khởi nghiệp của anh Nghĩa đến nay đã phát huy được hiệu quả, trở thành nơi học tập kinh nghiệm của nhiều thanh niên có đam mê khởi nghiệp.

Anh Nghĩa cho biết “Những phế phẩm của nấm Linh Chi và nấm Bào Ngư bị lãng phí khi chưa được sử dụng vào việc gì, chính vì thế tôi đã nghiên cứu các mô hình để sử dụng những nguồn phế phẩm này. Đầu tiên, tôi tìm hiểu và sử dụng những phế phẩm này cho mô hình trồng rau mầm, tuy nhiên nguồn phế phẩm này rất cứng và khó cho việc trồng rau. Tiếp đến tôi tìm hiểu đến mô hình ép củi trấu, và từ mô hình ép củi trấu này tôi đã nghĩ đến việc thử nghiệm và chính thức thực hiện mô hình sản xuất than không khói thân thiện với môi trường”.

Đến nay, mô hình sản xuất than không khói của anh Nguyễn Hữu Nghĩa đang đạt hiệu quả cao, sản phẩm có đầu ra và đang nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường đồng thời, cơ sở sản xuất của anh Nghĩa cũng tạo việc làm ổn định cho trên 10 việc làm lao động phổ thông tại địa phương với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng; mô hình kinh tế này còn là giải pháp tạo ra chất đốt mới có nhiệt lượng cao thay thế than đá, củi, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
 

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa – Chủ nhân mô hình khởi nghiệp trồng nấm và than không khói

 

Giống như anh Nghĩa, tại xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa), 4 chàng trai trẻ 9x cùng đam mê đã thực hiện mô hình khởi nghiệp “Nông trại The Moshav Farm” với hướng đi vừa phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái. Trước đây, đất khu vực này chủ yếu trồng mía bây giờ đã được quy hoạch bài bản thành các khu trồng từng loại cây khác nhau như chuối, xoài, bưởi da xanh….

Anh Nguyễn Tá Đông (30 tuổi), 1 trong 4 người chủ của nông trại cho biết “Đất ở đây rất khô cằn, chúng tôi để cỏ dại mọc tự nhiên và phủ rơm ở mỗi gốc cây nhằm giúp giữ ẩm cho đất và cây”. Đi cùng với khu sản xuất, nông trại The Moshav Farm còn quy hoạch các khu đất phục vụ cho du lịch sinh thái như: lều sách, các homestay, sân golf, nhà hàng, hội trường, rừng thông, khu chăn nuôi… để phát triển trong tương lai. Khác với mô hình trồng cây của các hộ nông dân ở đây, mô hình The Moshav Farm tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách áp dụng quản lý theo hướng hiện đại, hạn chế sử dụng nhiều nhân công. Với mô hình mới, The Moshav Farm nhận được nhiều thực tập sinh đến học tập kinh nghiệm để khởi nghiệp và thử nghiệm các dự án nông nghiệp khác. Hiện tại, nông trại đang kết hợp với một số thực tập sinh xây dựng vườn dược liệu; trồng và sản xuất trà đậu biếc.

Đây chỉ là 2 trông số rất nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên Khánh Hòa, từ các mô hình truyền thống như mô hình “khởi nghiệp từ rau sạch” của thanh niên huyện Khánh Vĩnh, mô hình “Hỗ trợ sinh kế khởi nghiệp” của Thành đoàn Cam Ranh, mô hình trồng Sầu riêng của thanh niên huyện Khánh Sơn, mô hình khởi nghiệp từ Gạo quê của thanh niên Diên Khánh... đến mô hình hiện đại như “cà phê doanh nhân” và “cà phê khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thực hiện, tọa đàm “thanh niên, sinh viên khởi nghiệp thực chiến trong kỷ nguyên số” do Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức, tất cả là bước đầu đầy triển vọng của phong trào khởi nghiệp trong thanh niên Khánh Hòa.
 

Một cuộc thi khởi nghiệp do Huyện đoàn Khánh Sơn tổ chức

 

Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong đó chú trọng vào khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào những mô hình khởi nghiệp đã được thực hiện và kể cả những mô hình mới triển khai; sẽ là cầu nối để các bạn trẻ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ đó khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu, rộng trong giới trẻ của Khánh Hòa hôm nay.

Mạnh Lương