Kết nối, trao đổi giải pháp phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tại các dự án làng TNLN

17:18 31/05/2022     18985

3 Chương trình   ĐTN: Sáng 31/5, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Chương trình trao đổi trực tuyến kết nối, trao đổi các giải pháp phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tại các dự án làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn.

Tham dự chương trình tại điểm cầu chính có Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện kinh tế Việt Nam; ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC); bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinanutrifood; Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Ban Thanh niên Xung phong, Ban Thanh niên Nông thôn, Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ, Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam; cùng đại diện tại các điểm cầu tại các tỉnh đoàn, các tổng đội TNXP đang trực tiếp quản lý các làng TNLN tại Nghệ An, Tây Ninh, Kon Tum, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang.

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: Làng Thanh niên lập nghiệp là một Dự án có mục tiêu định canh, định cư cho thanh niên dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, địa bàn khó khăn gắn với việc phát triển sản xuất, giữ vững an ninh biên giới được Trung ương Đoàn báo cáo Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2001 đến năm 2020. Trong giai đoạn này đã có 32 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp được triển khai thực hiện tại 19 tỉnh thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang), các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận), các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Tây Ninh).

 

Đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu tại chương trình

 

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, thực tế qua hơn 20 năm qua, Dự án Làng TNLN cũng đã khẳng định được hiệu quả, đặc biệt tại một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, qua việc ổn định dân cư, tạo môi trường sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự ổn định chính trị - xã hội của các xã vùng biên, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều sản phẩm của các Làng TNLN như Tinh bột Nghệ, Chè Tuyết Shan, bưởi Phúc Trạch…; thu nhập của các hộ dân tại một số làng TNLN (Phúc Trạch, Hà Tĩnh; Sông Rộ, Nghệ An; Tây Vĩnh Linh, Quảng Trị; Na Ngoi, Nghệ An…) đã khẳng định được điều này.

“Làng TNLN khác các dự án khác, đó là câu chuyện phải đảm bảo cuộc sống, phát triển cuộc sống cho người dân đến lập nghiệp – phải chuẩn bị hành trang đảm bảo cho cuộc sống của họ. Nhưng nhiều dự án của chúng ta chỉ dừng lại ở câu chuyện xây dựng cơ sở vật chất, thậm chí không đảm bảo được tư liệu sản xuất cho người dân. Thực tế qua theo dõi, có thể thấy rõ đối với các dự án mà khi hoàn thành, Tỉnh đoàn (tức chủ đầu tư) bàn giao về cho địa phương (UBND các huyện, xã) thì việc thất bại cao hơn rõ so với các dự án do Tỉnh đoàn (trực tiếp là các Tổng đội TNXP) vẫn tiếp tục quản lý. Các dự án bàn giao tại Huế, Đắk Nông, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Trị, Quảng Nam… đã chứng minh cho việc này”, đồng chí Ngô Văn Cương nói.

Đồng chí Ngô Văn Cương cũng cho biết, từ những khó khăn, tồn tại đó, cũng như những cơ hội mà các Làng TNLN đã và đang có về phát triển nông nghiệp, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã yêu cầu Ban Thanh niên Xung phong phải có sự kết nối thường xuyên với các tỉnh đoàn, các địa phương liên quan đến việc rà soát, nắm bắt thực trạng; trao đổi, làm việc và tìm kiếm các đối tác có thể phối hợp với TW Đoàn, các tỉnh đoàn, các tổng đội TNXP, các địa phương tính các giải pháp phát triển các Làng thanh niên lập nghiệp. Năm nay cũng là năm đầu tiên 32 Làng TNLN được xác định là địa bàn trọng tâm trong Chiến dịch TN Tình nguyện hè – thể hiện rõ sự đồng hành của tổ chức Đoàn.

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương khẳng định: Chương trình này sẽ là một khởi đầu trong quá trình “kết nối, sẻ chia để phát triển các làng TNLN – khẳng định lại hiệu quả của một dự án rất ý nghĩa của Đoàn Thanh niên”. Đặc biệt đối với các dự án Làng chuẩn bị kết thúc và bàn giao sử dụng như: Minh Tân (Hà Giang), Bình An (Tuyên Quang), Hà Hiệu (Bắc Kạn), Púng Bánh (Sơn La), Tây Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Châu (Quảng Bình), Phước Đại (Ninh Thuận) cần tiếp cận nhanh chóng, quyết liệt hơn.

 

 

Cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp

Trao đổi về vai trò trụ cột của kinh tế nông nghiệp, định hướng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, PGS. Tiến sỹ Trần Đình Thiên -  Nhà tư vấn hàng đầu về chính sách vĩ mô ở Việt Nam về kinh tế, thành viên tổ tư vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tại các dự án làng thanh niên lập nghiệp hiện nay cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp, có chính sách, yếu tố để khuyến khích cho người dân, doanh nghiệp cùng phát triển kinh tế.

“Cần định hình mô hình phát triển không chỉ tạo thu nhập cho các cá nhân, mà phải là một thực thể cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững. Có doanh nghiệp dẫn dắt thì các mô hình kinh tế nông nghiệp mới vươn ra tầm quốc tế được. Phải chọn được đúng các sản phẩm đặc biệt, có lợi thế của địa phương, mang tới giá trị cao để phát triển. Khâu chọn sản phẩm là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó thì điều kiện kết nối cần sự hỗ trợ quan tâm của các cấp chính quyền, có cách nhìn liên kết thị trường…”, PGS. Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

 

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại chương trình

 

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) mang sứ mệnh kết nối để phát triển một nền nông nghiệp bền vững, kết nối các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước. 

Ông Hà Văn Thắng cho rằng, chương trình sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích, quạn trọng để kết nối các Làng thanh niên lập nghiệp nói riêng và cả các khu vực miền núi khó khăn có điều kiện để phất triển kinh tế nông nghiệp. Ông cũng cho rằng nhu cầu cấp bách nhất hiện nay là có mô hình hoạt động phù hợp sau khi các nguồn hỗ trợ từ các cấp chính quyền kết thúc.

"Các khâu định hướng chiến lược, phải có tổ chức doanh nghiệp thực hiện như: dịch vụ, thương mại, hậu cần, chế biến đầu vào, đầu ra… Các Làng thanh niên lập nghiệp chỉ tập trung chuyên sản xuất nguyên liệu. Các cấp chính quyền đại phương đảm bảo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động sản xuất đồng hành và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hệ sinh thái xanh, phát triển bền vững. Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cam kết sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đảm bảo kinh tế tuần hoàn, an sinh xã hội", ông Hà Văn Thắng nói.

 

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinanutrifood phát biểu tại chương trình

 

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinanutrifood cho rằng, hiện nay hầu như chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn, đủ cung cấp sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên mong muốn kết hợp được các làng thanh niên lập nghiệp xây dựng được các vùng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất các đơn hàng lớn xuất khẩu ra thế giới, hướng tới chế biến sâu, có thời hạn sử dụng lâu dài, đặt các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu lõi… "Nhu cầu các doanh nghiệp tạo các vùng nguyên liệu bền vững để chế biến sâu về nông nghiệp là rất lớn", bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhấn mạnh.

Tại chương trình, đại diện các tỉnh đoàn, các tổng đội TNXP trực tiếp quản lý các làng TNLN cũng đã chia sẻ, trao đổi về những thuận lợi, thách thức, khó khăn trong quá trình phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tại các địa phương hiện nay. Đề xuất có các giải pháp tăng cường kết nối, phát triển các mô hình sản xuất nguyên liệu trên toàn quốc.

Kết luận chương trình làm việc, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đề nghị Ban TNXP Trung ương Đoàn tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, xây dựng các phương án tiếp tục kết nối, định hướng các giải pháp phát triển; đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban TNXP Trung ương Đoàn, các tổng đội TNXP kết hợp các hình thức trực tuyến và khảo sát trực tiếp tại các Làng TNLN, tiến tới xây dựng các hình thức phối hợp cụ thể để phát triển các mô hình kinh tế tại đây. Các bên cần làm việc nghiêm túc, xác định rõ khả năng thực hiện, hiệu quả và tính bền vững khi thực hiện.

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cũng đề nghị các Tỉnh đoàn, Tổng đội thường xuyên rà soát nhu cầu, nguyện vọng của các hộ gia đình TNXP tại các làng thanh niên lập nghiệp để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời; tiếp tục tuyên truyền vận động thanh niên, các hộ gia đình đến sinh sống phát triển kinh tế tại làng; nghiên cứu, xây dựng các phương án cụ thể, kết hợp với các đơn vị doanh nghiệp tại địa phương để phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả đảm bảo hàng hóa được kiểm soát về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, có hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại các Làng TNLN. Đối với các tỉnh đoàn Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, bên cạnh việc hoàn thành dự án, phải làm việc, thường xuyên chia sẻ với Ban TNXP trong việc xây dựng các phương án bàn giao về cho địa phương quản lý, trong đó việc phát triển và tạo các mô hình kinh tế nông nghiệp phải được xác định là ưu tiên hàng đầu cần thực hiện ngay.

Đồng chí lưu ý đối với các Ban Thanh niên nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam, trung tâm Tài năng trẻ đề nghị phối hợp chặt chẽ với Ban Thanh niên Xung phong trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tại các làng TNLN; rà soát các nhu cầu tổng thể tìm các nguồn lực, các giải pháp hỗ trợ kịp thời, có các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các mô hình kinh tế tập thể./.

 

Thanh Nga