Hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

14:48 07/07/2022     8037

3 Chương trình   ĐTN: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển rất mạnh mẽ và tiếp tục là xu hướng mở ra sự tăng trưởng lớn trên thị trường. Đây là chia sẻ của các diễn giả tại Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn vừa khai mạc ở Lào Cai sáng 7/7.

Cần ý tưởng độc đáo

Sáng ngày 7/7, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), T.Ư Đoàn và Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn. 

 

 

Tham dự Hội nghị tập huấn có 65 đoàn viên, thanh niên có mô hình phát triển kinh tế; thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; Bí thư chi Đoàn cơ sở; gương thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của qua các năm; chủ dự án đăng ký tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2022 thuộc các tỉnh cụm Đông Bắc Bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc Bộ, Trung du Bắc Bộ, như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai… Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế sẽ được T.Ư Đoàn tổ chức tại nhiều tỉnh, thành khắp cả nước.

Những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đổi mới đã phát triển rất mạnh mẽ. Có tới hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, cùng với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Riêng tại khu vực nông thôn, những năm gần đây đã manh nha một dòng chảy ngược khi nhiều bạn trẻ quyết định bỏ phố, về quê khởi nghiệp.

Trăn trở với nguồn tài nguyên bản địa, khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cùng vốn kiến thức và tư duy đổi mới… nhiều startup trẻ đã và đang góp phần vào quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Tại hội nghị đầu tiên diễn ra ở Sa Pa, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn trình bày các ý tưởng khởi nghiệp và xin tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia. Chia sẻ về dự án kinh doanh lá tắm Dao đỏ của mình, Chảo Lao Tả, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa cho biết: Trước đây, lá tắm chỉ là kinh nghiệm lưu truyền trong dân tộc Dao giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, chữa bệnh, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ. Nhận thấy khách du lịch đến trải nghiệm và rất hài lòng nên sau khi tốt nghiệp trở về quê, tôi đã nghiên cứu để chuẩn hóa bài thuốc. Hiện sản phẩm đã phân phối ở thị trường Sa Pa và một số tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu được bán dưới dạng lá thô vì vậy tôi rất muốn tìm hiểu cách tinh chế thành dạng bột, dạng viên… để dễ dàng mở rộng và tiếp cận khách hàng?

 

 

Đồng hành với chuỗi hoạt động của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp tham gia trao đổi, giải đáp tại lớp tập huấn. Đánh giá cao những mô hình kinh doanh dựa trên chính tiềm năng của quê hương, bà Venus Teoh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Truyền thông Công ty SABECO góp ý: Để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, khởi nghiệp nên gắn với đổi mới sáng tạo với ba nền tảng chính là sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ. Ý tưởng đổi mới sáng tạo phải rất độc đáo, khác lạ nhằm tăng hiệu suất, giảm chi phí, phát triển thêm các thị trường mới và quan trọng nhất là đem lại giá trị cho khách hàng, người tiêu dùng. 

Phát huy tài nguyên bản địa 

Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chắc hằng năm nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo và các mô hình kinh doanh tiềm năng của thanh niên, từ đó có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tìm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Ba mảng chính cuộc thi hướng đến gồm: Phát triển nông nghiệp (ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp); Bảo tồn văn hóa dân tộc (phát triển ngành nghề, sản phẩm truyền thống, khai thác du lịch cộng đồng); Bảo vệ môi trường (khuyến khích các dự án ý tưởng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và tận dụng tài nguyên bản địa, các mô hình kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn).

 

 

Sau hai tháng phát động cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2022, đồng chí Vũ Minh Thảo, Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn cho biết: Đến nay, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra được 110 Hồ sơ dự án lọt vào vòng Bán kết, trong đó có 42 hồ sơ dự án khu vực miền Bắc. Nhằm hỗ trợ kiến thức cho thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, chúng tôi sẽ tổ chức một chuỗi các hội nghị tập huấn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Không chỉ hướng dẫn đoàn viên, thanh niên các bước viết dự án kinh doanh, kỹ năng thuyết trình về sản phẩm, kỹ năng trình bày dự án để vay vốn hoặc kêu gọi vốn đầu tư... mục tiêu chúng tôi hướng đến là cung cấp cho thanh niên cách khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh như quản trị nhân lực, đầu tư, đàm phán, quản lý tài chính, xây dựng thương hiệu, xây dựng và quản lý hệ thống bán hàng...

“Thông qua Hội nghị với các kiến thức, kỹ năng cung cấp, T.Ư Đoàn mong muốn các bạn trẻ sẽ có những định hướng, hoàn thiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương”, đồng chí Vũ Minh Thảo cho biết. /.


 

DT