Hành trình của chàng trai làm nên thương hiệu “dừa Phú Quý”
08:32 19/02/2016 1430
3 Chương trình Hẳn không ai ngờ được từ một trái dừa xiêm xanh có giá 5.000 đồng, qua bàn tay tỉ mẩn, sáng tạo của chàng trai 8X, xứ dừa đã cho ra một sản phẩm độc đáo có giá trị cao gấp hàng chục lần.
Đáng vui hơn, sản phẩm này đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hiệp hội Dừa Bến Tre và sẽ được đăng ký bản quyền trong thời gian tới.
Dừa “độc”
Trong dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, trái dừa Bến Tre với thương hiệu “Dừa Phú Quý” đã chính thức góp mặt vào giỏ hàng trái cây “độc” dùng để chưng tết với số lượng rất khiêm tốn - chỉ khoảng 300 trái.
Đằng sau mặt hàng bán đắt như tôm tươi này là cả một chặng đường dài nghiên cứu, mày mò của anh Huỳnh Thanh Tâm - 30 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Dừa “độc”
Trong dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, trái dừa Bến Tre với thương hiệu “Dừa Phú Quý” đã chính thức góp mặt vào giỏ hàng trái cây “độc” dùng để chưng tết với số lượng rất khiêm tốn - chỉ khoảng 300 trái.
Đằng sau mặt hàng bán đắt như tôm tươi này là cả một chặng đường dài nghiên cứu, mày mò của anh Huỳnh Thanh Tâm - 30 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Anh Huỳnh Thanh Tâm với những trái dừa in chữ độc đáo do chính anh làm ra |
Cách đây khoảng 2 năm, tình cờ một lần anh Tâm dùng lon sữa bò trùm lên một trái dừa. Bẵng đi một thời gian, khi ra thăm vườn anh thấy trái dừa bị biến dạng.
Trên miệng lon sữa bò, trái dừa phình ra. Khi gỡ lon sữa bò ra khỏi trái dừa, anh sửng sốt khi thấy những đường vằn in trên nền xanh của vỏ dừa rất đẹp mắt. Ý tưởng biến trái dừa thành một món hàng độc chưng tết trong anh Tâm được nhen nhóm từ đó.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì không hề đơn giản như anh nghĩ.
“Ban đầu tôi dùng khuôn chữ nổi nhưng do xơ dừa quá cứng nên chữ không hiện lên. Cũng có khi khuôn bị tuột khỏi trái, nhưng oái oăm nhất là khi chữ vừa hình thành thì vỏ trái dừa bị trầy xước, khô nên coi như bỏ”, anh Tâm nói.
Trong gần 2 năm thực hiện, anh đã thất bại hơn 20 lần và thí nghiệm trên nhiều giống dừa khác nhau.
Cuối cùng anh chọn dừa xiêm xanh - loại dừa có nước ngọt, trái nhỏ, vỏ mềm và bóng để thực hiện in chữ. Rồi trong suốt 2 năm, hằng tuần anh theo những chuyến xe đò đi lại giữa Bến Tre - TP.HCM như con thoi để nghiên cứu, làm khuôn, liên hệ đối tác….
“Có những lúc tưởng chừng như tôi có đủ lý do để bỏ cuộc. Bạn bè ít người ủng hộ, có người còn nói tôi làm chuyện không đâu; những người hứa bỏ tiền đầu tư cho tôi nghiên cứu bỏ giữa chừng; sản phẩm làm ra bị chê….
Nhưng vì niềm đam mê với trái dừa, số tiền làm công nhân ít ỏi tại TP.HCM tôi dành trọn vào nghiên cứu của mình. Giờ nhìn những quả dừa da bóng mượt với những dòng chữ “phúc”, “lộc”, “thọ”, “tài”, “Bính Thân”… nổi lên rõ từng nét, tôi mừng muốn khóc”, anh Tâm tâm sự.
Hướng đến dừa “độc” mang thương hiệu riêng
Có lẽ không có lời chúc tết nào khiến anh Tâm vui bằng thông tin thương hiệu dừa Phú Quý của anh được chính quyền địa phương và các sở ngành tỉnh Bến Tre đang xúc tiến đăng ký bản quyền ngay những ngày đầu năm 2016.
Những trái dừa được in chữ có giá 300.000 đồng/trái |
Ông Trần Văn Phong - phó chủ tịch UBND thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành - cho biết sau khi nắm được thông tin anh Tâm nghiên cứu ra cách in được chữ nghệ thuật trên trái dừa, ông Phong đã liên lạc với chủ nhân của những trái dừa độc, lạ để hỗ trợ về mặt pháp lý trong việc đăng ký nhãn hiệu.
Theo ông Phong, trước mắt chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Hiệp hội Dừa Bến Tre để hướng dẫn anh Tâm làm báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học, sau đó đăng ký bản quyền.
“Việc đăng ký bản quyền nhằm khẳng định thương hiệu dừa Phú Quý của Bến Tre đồng thời nếu sau này có bị nhái thương hiệu, anh Tâm cũng có căn cứ để thưa kiện”, ông Phong nói thêm.
Những người đi trước có kinh nghiệm trong việc tạo chữ, hình bản đồ trên trái cây cũng đã liên hệ với anh Tâm để truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn anh để sản phẩm ngày càng hoàn thiện.
“Tôi cũng không nghĩ sản phẩm của mình lại nhận được phản hồi tốt như vậy. Hiện một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề hợp tác để sản xuất với số lượng lớn”, anh Tâm nói.