Hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển kinh tế

14:36 04/11/2024     2790

3 Chương trình   Các tổ chức đoàn, tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn để thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua đó, tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 437.000 thanh niên, trong đó thanh niên các dân tộc thiểu số (DTTS) gần 116.100 thanh niên.

Nhiều đoàn viên, thanh niên người DTTS còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất – kinh doanh. Để đồng hành, hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp, tổ chức đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, có định hướng, giải quyết việc làm và hỗ trợ thanh niên vay vốn sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2019 - 2024, các cấp bộ đoàn và tổ chức Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ 52 mô hình thanh niên làm kinh tế… Tiêu biểu, ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” với các nội dung: trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn, tập huấn các kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 150 thanh niên DTTS; tuyên dương 11 gương thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp (trong đó có 4 thanh niên DTTS).

 

Nhiều sản phẩm của thanh niên được trưng bày giới thiệu tại ngày hội khởi nghiệp của tỉnh

 

Các CLB thanh niên khởi nghiệp duy trì các hoạt động kết nối, hỗ trợ các thành viên người DTTS trong bồi dưỡng kiến thức, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì hiệu quả nguồn Quỹ khởi nghiệp của Hội LHTN Việt Nam tỉnh trong việc hỗ trợ nguồn vốn để thanh niên DTTS khởi nghiệp, lập nghiệp (tổng nguồn vốn quản lý gần 200 triệu, tính đến thời điểm hiện tại đã hỗ trợ cho vay trên 170 đề án phát triển kinh tế, trong đó có 78 đề án của thanh niên DTTS ).

Từ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế trong thanh niên.

Năm 2024, Huyện đoàn Cư M’gar trao 17 mô hình sinh kế cho thanh niên khởi nghiệp (15 triệu đồng/mô hình), hầu hết là thanh niên người DTTS. Qua đó, nhiều gương thanh niên DTTS phát triển kinh tế hiệu quả như anh Y Vương Êban (thị trấn Ea Pốk) mô hình nuôi dê sinh sản. Chị H Yên Niê (xã Ea Tar) với mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Bên cạnh đó, đoàn hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho các tổ hợp tác thanh niên.

Đoàn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ea Kar xây dựng 32 nguồn vốn, quỹ với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng giúp đỡ 36 thanh niên phát triển kinh tế. Tuyên truyền vận động những thanh niên đã phát triển kinh tế thành công giúp đỡ lại những thanh niên khác về cây trồng, con giống, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

 

Anh Y Pốt Niê giới thiệu sản phẩm cà phê Êđê

 

Trên địa bàn huyện đã thành lập được các câu lạc bộ phát triển kinh tế: CLB nuôi bò sinh sản, CLB trang trại trẻ và CLB nuôi cá nước ngọt, với sự tham gia của 30 thành viên.

Trong năm, Huyện đoàn đã phối hợp hỗ trợ cho 2 thanh niên khởi nghiệp, với nguồn hỗ trợ là 20 triệu đồng/thanh niên.

Xã Dray Sáp, huyện Krông Ana có gương thanh niên khởi nghiệp điển hình anh Y Pốt Niê. Hiện anh là một trong số ít doanh nhân trẻ dân tộc Êđê, đang sở hữu những sản phẩm mang đậm hơi thở văn hóa của người Êđê. Sản phẩm cà phê của công ty anh ngoài thị trường trong nước, đã vươn mình xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Singapore và Mông Cổ. Bên cạnh đó, anh tạo việc làm ổn định cho 20 người và 45 lao động theo mùa vụ.

Theo TPO