Hai “nghệ nhân” điêu khắc trẻ chưa từng qua trường lớp đào tạo

00:05 09/02/2014     3626

3 Chương trình   Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng bằng niềm đam mê, hai anh em đã tự mày mò để cho ra đời hàng trăm tác phẩm điêu khắc trên gỗ…
Đó là hai anh em Nguyễn Văn Thanh (28 tuổi) và Nguyễn Văn Tài (36 tuổi, cùng ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Dạo quanh ngôi nhà (cũng là xưởng chế tác)  của hai anh em, chúng tôi bắt gặp có hơn 20 tác phẩm điêu khắc đã thành hình, trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo như: Bát tiên bằng gỗ hương; bộ bàn ghế bằng rễ cây độc đáo; bộ cá chép hoá rồng;…

s
Anh Nguyễn Văn Thanh đang say sưa đục đẽo tác phẩm Tứ linh.

Anh Tài cho biết: Khoảng 5 năm trước, hai anh em vì yêu nghề nên tự mày mò học hỏi qua sách báo, các đợt hội chợ,… chứ chưa qua một trường lớp nào.

Ban đầu, do vốn liếng còn hạn hẹp nên hai anh em chỉ mới “khởi động” công việc này bằng cách làm gia công cho các ''đại gia'' mê chơi đồ gỗ tạo hình. Với cách này mình chỉ bỏ công lấy lời, trung bình mỗi bộ thấp nhất từ 10 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng - tùy theo độ tinh xảo, kỳ công của tác phẩm mà mình tính tiền với khách.

Anh Thanh dẫn chúng tôi đến xem bộ Tứ linh mà anh cho là ưng ý nhất từ trước đến nay. Theo anh Thanh, đây là một gốc cây hương có chiều cao 1,2m, chiều ngang gần 2m, do một ông chủ lớn ở An Giang mang đến thuê anh gia công với giá 40 triệu đồng.

Sau 4 tháng một mình anh Thanh tạo hình, đục đẽo,… đến nay bộ Tứ linh: Long, lân, quy, phụng đã “hiện hình” rất uy nghiêm. Tuy nhiên theo anh Thanh, để hoàn thiện tác phẩm này anh cần làm thêm 2 tháng nữa mới ưng ý, giao cho khách.

f
 Anh Thanh bên tác phẩm “Độc thiềm thừ”

Kề bên là tác phẩm “Độc thiềm thừ” của anh Nguyễn Văn Tài. Tác phẩm này được anh gia công suốt 2 tháng liền, nhưng mới thành một chú cóc đúng nghĩa. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có từ thân gốc cây bình linh, cộng với cách tạo hình riêng biệt của anh sẽ biến chú cóc sần sùi này thành tác phẩm “Độc thiềm thừ” quý hiếm. Cũng vì lý do này mà anh Tài chưa tiết lộ giá cả của tác phẩm mang lại tài lộc cho khổ chủ.

Tính đến nay, hai anh em đục đẽo gần cả trăm tác phẩm, chủ yếu là các tác phẩm bàn ghế đai, Tứ linh, Bát tiên,… trong đó có nhiều tác phẩm có giá từ trên 100 triệu đồng. Hiện nay, sau hơn 3 năm vào nghề, hai anh em anh Tài có chút vốn liếng, tự “săn” nguyên liệu để tạo hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2-3 lần việc gia công tác phẩm như hiện nay.
Tác phẩm Phật Di Lặc.

Trước sân nhà của hai anh em chất kín những gốc cây cổ thụ. Thoạt nhìn, cứ tưởng các gốc cây tua tủa rễ này để dành chụm củi. Thế nhưng, với đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, đã tạo nên những tác phẩm có hồn, trông đẹp lạ lùng.

“Hiện tại về mẫu mã, tay nghề,… hai anh em tôi đã vững. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó nhất là khi “nguyên liệu” của khách hàng mang tới với yêu cầu thành hình tác phẩm xa nhau “một trời một vực”. Khi gặp trường hợp này, mình phải tư vấn cho khách hàng để tận dụng triệt để “thân hình” gốc, rễ cây, từ đó mình cho ra đời những tác phẩm có giá trị nhất mà không mất đi tính tự nhiên của gốc, rễ cây mới là cái thú, cái hay của món nghề này” - anh Tài chia sẻ.