Doanh số ủy thác cho vay đối với tổ chức Đoàn đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng năm 2020
11:59 15/01/2021 3827
3 Chương trình ĐTN: Năm 2020, kết quả lũy kế doanh số cho vay của hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH đối với tổ chức Đoàn thanh niên đạt hơn 10.331 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ so với năm 2019.
Chiều 14/1, NHCSXH đã tổ chức Hội nghị "Giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2020", với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội là: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Hội cựu chiến binh.
Hội nghị "Giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2020"
Trong năm 2020, NHCSXH đã tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và cấp ủy chính quyền các cấp, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.
Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tuyên truyền về tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ người dân, người vay vốn bị rủi ro do mưa lũ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long,...
NHCSXH đã chủ động huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho đến 31/12/2020 đạt 233.426 tỷ đồng, tăng 21.532 tỷ đồng so với năm 2019; vang đó nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 20.315 tỷ đồng, tăng 4.882 tỷ đồng so với năm 2019.
Tổng doanh số cho vay đạt 75.825 tỷ đồng, tăng 3.002 tỷ đồng so với năm 2019, với trên 2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng: hộ nghèo 6.686 tỷ đồng, hộ cận nghèo 11.146 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 13.683 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 12.916 tỷ đồng, giải quyết việc làm 15.431 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 8.541 tỷ đồng,...
Đồng hành, hỗ trợ nhiều đối tượng thanh niên lập nghiệp
Trong năm 2020, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với đoàn viên thanh niên, kết quả lũy kế doanh số cho vay của hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH đối với tổ chức Đoàn thanh niên đạt hơn 10.331 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ so với năm 2019; lũy kế doanh số thu thu nợ đạt hơn 7.496 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ so với năm 2019.
Năm 2020, kết quả lũy kế doanh số cho vay của hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH đối với tổ chức Đoàn thanh niên đạt hơn 10.331 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ so với năm 2019.
Bên cạnh đó, tổ chức 37 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ Đoàn các cấp và Ban quản lý Tổ TK&VV, thông qua việc tổ chức lớp chuyên đề hoặc lồng ghép tại 18 tỉnh, thành phố (tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh...) với hơn 3.000 lượt người tham gia.
Trung ương Đoàn trực tiếp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động ủy thác tại 21 tỉnh, thành Đoàn (Hậu Giang, Cần Thơ, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang...) và nhiều huyện Đoàn trong toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện hoạt động nhận ủy thác.
Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác với NHCSXH. Thường xuyên đôn đốc các tỉnh, thành Đoàn trong công tác thu hồi nợ quá hạn, xóa xã “trắng” Tổ TK&VV do Đoàn đang quản lý. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí của Đoàn, đài phát thanh và các tài liệu sinh hoạt Đoàn…
Đại diện Trung ương Đoàn phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cái Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam đánh giá cao các hoạt động phối hợp của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nhanh chóng, kịp thời đưa nguồn vốn hỗ trợ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, đề nghị ngân hàng CSXH tiếp tục có những giải pháp, cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động ủy thác cho vay; hỗ trợ Trung ương Đoàn xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với thanh niên, đặc biệt là thanh niên vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn; giúp thanh niên lập nghiệp và phát triển trên chính mảnh đất quê hương, đứng vững trên nghề truyền thống của mình…
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam Hồ Thị Quý cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế. Trong đó, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam triển khai, thực hiện đã nhận được sự đồng hành, phối hợp của NHCSXH, chắp cánh cho nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Bà Hồ Thị Quý cũng chia sẻ thêm, trong năm 2021, đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp tục được triển khai, hướng đến những đối tượng mở rộng hơn, tập trung vào nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOP và hỗ trợ những đối tượng phụ nữ dễ bị bỏ lại phía sau như phụ nữ có HIV, phụ nữ hoàn lương, phụ nữ khuyết tật... Hội LHPN Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, vào cuộc của NHCSXH. Sự hỗ trợ về nguồn vốn, về kỹ thuật dành cho những phụ nữ khó khăn không chỉ mang đến cho chị em cơ hội vươn lên, khởi nghiệp, khẳng định bản thân mà còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn.
Ghi nhận những ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, Phó tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2021, NHCSXH tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả phương thức quản lý tín dụng. Đồng thời, NHCSXH cũng sẽ bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung vào hỗ trợ cho các hoạt động tạo sinh kế, việc làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm của NHCSXH trong năm 2021 như: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng hoạt động tín dụng: Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn bình quân toàn quốc đạt trên 90%; Tỷ lệ chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố có chất lượng hoạt động giao dịch xã xếp loại tốt từ 90% trở lên; tổng giá trị giao dịch tại điểm giao dịch xã đạt trên 95%; 100% phiên giao dịch xã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn, hiệu quả; Tỷ lệ Tổ TK&VV xếp loại tốt và khá đạt trên 95%; Phấn đấu trên 75% tổ viên Tổ TK&VV tham gia gửi tiền thông qua Tổ TK&VV hàng tháng; 100% xã, phường thị trấn có chất lượng hoạt động tín dụng đạt từ trung bình trở lên...
Thanh Nga Tweet