Đắk Nông: Góp sức trẻ cho quê hương

10:53 09/02/2016     1284

3 Chương trình   Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nhiều bạn trẻ ở các thôn, bon không ngừng nỗ lực, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nỗ lực phát triển kinh tế

Những năm trước đây, gia đình anh Phạm Văn Hùng ở thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) là một trong những hộ khó khăn của xã.

Anh Hùng kể, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, thấy gia đình còn nhiều khó khăn, nên luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo. Với quyết tâm đó, anh ra sức học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất do địa phương tổ chức, rồi mạnh dạn áp dụng vào vườn rẫy của gia đình.

f
Anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) làm giàu từ trồng cà phê và tiêu. Ảnh minh họa


Lần hồi làm ăn, hiện anh đã có cơ ngơi khá vững vàng gồm 5 ha cà phê, 2 ha cao su, 1 ha khoai lang. Ngoài trồng trọt, anh còn đầu tư nuôi heo rừng, nuôi nhím, với số lượng lên đến hàng chục con. Trung bình mỗi năm, gia đình anh có thu nhập hơn 800 triệu đồng.

Anh Hùng cho biết: “Có những giai đoạn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng với ý chí, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã vươn lên. Làm giàu không khó, chỉ cần biết nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư và chịu khó học hỏi thì ắt sẽ thành công”. Điều đáng ghi nhận nữa là anh Hùng luôn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các bạn trẻ trong thôn để khai thác có hiệu quả  tiềm năng đất đai hiện có.

Anh Điểu Ánh ở bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cũng nỗ lực vươn lên làm giàu được mọi người khen ngợi, học hỏi. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chủ động tìm tòi trên sách báo để áp dụng vào thực tế của gia đình. Nhà có hơn 2 ha đất sản xuất, nhờ chăm sóc đúng quy trình nên vườn rẫy của gia đình anh luôn xanh tốt và cho năng suất cao.

Để tăng thêm thu nhập, anh đầu tư nuôi bồ câu Pháp và heo rừng. Hiện tại, anh đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Những gì anh có được hôm nay đã khẳng định ý chí, nghị lực cố gắng vươn lên thoát nghèo. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Điểu Ánh còn luôn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các bạn trẻ trong bon.

Và gìn giữ bản sắc văn hóa

Chị Thị Hiếu ở bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi, tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Biết đánh chiêng, dệt thổ cẩm từ nhỏ, nên ngoài những lúc lên nương rẫy, chị thường ngồi bên khung cửi để dệt những tấm thổ cẩm mình yêu thích. Với khả năng múa hát và đánh chiêng, Thị Hiếu tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ ở địa phương.


j
Dưới sự dẫn dắt của Thị Hiếu, đội văn nghệ bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) luôn hăng say tập luyện, tham gia các hoạt động văn hóa ở địa phương

Thị Hiếu cho biết: “Trước đây, mình cứ nghĩ học đánh chiêng cho biết thôi, nhưng rồi yêu thích đánh chiêng lúc nào không hay. Gìn giữ văn hóa truyền thống chính là làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng thêm ý nghĩa, vì thế mình luôn sẵn sàng truyền dạy để các bạn trẻ trong bon biết đánh chiêng và múa hát để cùng nhau sinh hoạt cho vui”.

Chị Thị Tinh ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cũng luôn phát huy vai trò “đầu tàu” trong việc dẫn dắt các bạn trẻ trong bon tham gia các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa của người M’nông. Những ngày cuối tuần, chị cùng các bạn trẻ tập đánh chiêng và các điệu múa truyền thống.

Theo chị Thị Tinh, việc dạy đánh chiêng cho các em nhỏ không phải là điều đơn giản, bởi trước hết phải khơi dậy được niềm đam mê. Được sự hướng dẫn, khích lệ của người già và sự chỉ dẫn nhiệt tình của chị Thị Tinh, nhiều bạn trẻ trong bon đã biết đánh chiêng. Hiện tại, bon Điêng Đu đã thành lập được một đội chiêng trẻ và thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức.

Chị Thị Tinh vui vẻ nói: “Thấy các bạn trẻ đã bắt đầu “say” đánh chiêng, tôi vui lắm. Góp chút công sức bé nhỏ của mình để gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc là điều mà mỗi người nên làm”.