Chàng sinh viên làm giàu từ mô hình VAC trên vùng đất khó

08:55 30/03/2016     774

3 Chương trình   Web.ĐTN: Vẫn đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Đà Lạt, nhưng Triệu Văn Hồng - Bí thư Chi đoàn thôn Đạ Pin, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã sớm được nhiều người dân địa phương biết đến bởi làm kinh tế giỏi.
Triệu Văn Hồng chăm chút vườn cà phê được ghép giống mới
Triệu Văn Hồng chăm chút vườn cà phê được ghép giống mới

 
Hồng cho biết, gia đình anh vốn là người dân tộc Dao, quê gốc ở Bắc Kạn. Từ năm 1993, cả nhà dắt díu nhau vào vùng đất Đam Rông để lập nghiệp. Đất sản xuất không có sẵn, gia đình vừa tự khai hoang, vừa mua thêm đất để trồng cà phê. Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất cà phê và trồng xen mắc ca của gia đình Hồng đã lên đến hơn 5 hecta. Thời gian đầu, chỉ trồng giống cà phê cũ theo cách trồng truyền thống nên năng suất và giá trị kinh tế không cao. Đến năm 2011, khi Triệu Văn Hồng lập gia đình và trở thành lao động chính trong nhà, anh bắt đầu mạnh dạn tìm hiểu và ứng dụng những kỹ thuật tiến bộ. Một trong những thay đổi đầu tiên của Hồng là ứng dụng mô hình VAC vào sản xuất. Với lợi thế vườn cà phê bao quanh nhà, anh đào thêm ao cá với diện tích 5 sào để thả nuôi cá trắm, cá chép, rô phi, ao đồng thời cung cấp nguồn nước tưới cho vườn cà phê. Bên cạnh đó, Hồng cũng tận dụng hồ cá này để thả nuôi thêm vịt cỏ. Đến nay, mô hình VAC của anh đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Hồng cho biết, với 5 hecta cà phê, mỗi năm trung bình thu được khoảng 15 tấn hạt, tương đương 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cũng tiết kiệm được 400 triệu đồng. Riêng hồ cá và vịt, mỗi năm Hồng thu được khoảng 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với một thanh niên vùng sâu chỉ mới 24 tuổi.
 
Trong sản xuất, Triệu Văn Hồng đã tích cực tham khảo các mô hình ở các địa phương khác để áp dụng vào điều kiện thực tế. Từ năm 2013, nhận thấy mắc ca là loại cây vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, Triệu Văn Hồng là một trong những người đầu tiên ở Đạ K’Nàng thử trồng xen mắc ca với cà phê. Sau 3 năm chăm sóc, cuối năm 2015, anh thu hoạch lứa đầu tiên được khoảng 50kg trái mắc ca với giá 500.000 đồng/kg.

“Đấy là mình mới lần đầu thu hoạch thôi đó, chứ năm nay cây nào cũng cho trái chi chít, chắc là sẽ được mùa”, Hồng hào hứng nói về cây mắc ca.

Bên cạnh đó, hiện Triệu Văn Hồng vừa thử nghiệm giống cà phê mới trên một nửa diện tích cà phê của mình, anh mạnh dạn chặt một nửa số cây cà phê cũ để ghép giống mới Thiên Trường hứa hẹn cho năng suất cao hơn. Hiện tại, anh cũng đang đầu tư vốn để trồng gừng tạo giống trên diện tích 0,5 hecta, với ý định trồng thêm 3 hecta gừng vào cuối năm 2016. Khi được hỏi cứ đi đầu thử nghiệm như vậy liệu có liều lĩnh quá không, Hồng chỉ cười: “Nếu không liều thì mình làm sao biết có hiệu quả hay không. Cũng giống như nếu làm cái gì cũng sợ thất bại thì mình đã không làm được gì, và bây giờ trong tay mình cũng đã không có gì”. Quả thật, niềm tin và nhiệt huyết của một người trẻ có thể biến những điều không thể thành có thể, ngay cả ở mảnh đất Đam Rông nghèo khó này.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Triệu Văn Hồng còn là một cán bộ đoàn nhiệt huyết. Năm 2010, anh trở thành Bí thư Chi đoàn thôn Đạ Pin. Từ đó đến nay, Hồng đã mang sức trẻ của mình lan truyền đến các đoàn viên, phát động nhiều phong trào có ý nghĩa như dọn rác đường làng, ngõ xóm, cổ vũ đoàn viên, thanh niên ứng dụng kĩ thuật mới trong sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, anh còn là một cán bộ Gia đình và trẻ em của xã Đạ K’ Nàng.

Dù bận rộn với nhiều công việc, nhưng Hồng cho rằng việc bổ sung và hoàn thiện nhiều kiến thức là rất cần thiết. Đó là lý do khiến Triệu Văn Hồng quyết định theo học ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt từ năm 2012. Hiện tại, chàng sinh viên năm cuối đã xác định sau khi tốt nghiệp sẽ vẫn tiếp tục với công tác Đoàn tại địa phương.

Anh Ngô Văn Thành, Bí thư Đoàn xã Đạ K’Nàng nhận xét: “Hồng là một thanh niên tiêu biểu của địa phương, không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn tham gia tốt các phong trào Đoàn. Hồng thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm sản xuất mới cho các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế”.