Bí quyết để sinh viên mới ra trường chinh phục nhà tuyển dụng

13:53 25/04/2015     1502

3 Chương trình   Nhà tuyển dụng sợ gì nhất ở sinh viên mới ra trường? Sinh viên cần làm gì để lọt "mắt xanh" của nhà tuyển dụng? Những câu hỏi này đã được các chuyên gia nhân sự giải đáp trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn sáng nay, ngày 24/4, tại Hà Nội.
Buổi giao lưu với chủ đề "Career Talk - Ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm," do Trung tâm Công nghệ thông tin truyền thông Vietnet tổ chức với sự tài trợ của Microsoft.

Vì sao nhà tuyển dụng sợ sinh viên mới ra trường?

Theo các diễn giả, lý do nhà tuyển dụng sợ sinh viên mới ra trường không phải vì không có kinh nghiệm mà vì đa số các em chưa chuẩn bị sẵn tâm thế để đi làm.

Bà Chu Thị Phan Anh, Giám đốc nhân sự của Công ty cổ phần Iway, cho rằng với người đi làm, có ba yêu cầu lớn là phải theo đuổi mục tiêu của công ty, làm việc với người khác để cùng theo đuổi mục tiêu đó, nghĩa là phải biết tự điều chỉnh và có khả năng hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên, với sinh viên mới ra trường lại có nhiều thói quen khó bỏ như làm việc thiếu tập trung, chưa dứt với những cuộc vui còn dang dở, không tuân thủ giờ giấc...

g
Các chuyên gia nhân sự mô phỏng buổi phỏng vấn để rút kinh nghiệm cho sinh viên.

Phân tích cụ thể hơn vấn đề này, ông Hoàng Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần hướng nghiệp và phát triển giáo dục Icando cho rằng có ba điểm khác biệt giữa người đi học và đi làm.

Cụ thể, sinh viên học khoảng 4 tiếng/ngày trong khi đi làm là 8 tiếng hoặc hơn thế nữa để hoàn thành công việc đúng tiến độ.

Sinh viên chỉ cần thi 5 điểm, nghĩa là đáp ứng 50% yêu cầu, là có thể qua nhưng với người đi làm, sự hoàn hảo đòi hỏi nhiều hơn, có khi phải là 100% mới có thể trụ lại được công ty.

Sinh viên không biết, không hiểu có thể hỏi thầy và thầy có nhiệm vụ trả lời, nhưng khi đi làm, bạn chỉ hỏi sếp được một vài lần đầu, những lần sau đó bạn phải tự giải quyết nếu không muốn bị đuổi việc.

Theo ông Nghĩa, với những khác biệt đó, sinh viên phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể thích nghi.

“Nhà tuyển dụng sợ sinh viên mới ra trường còn vì họ không có mục tiêu, hoặc có mục tiêu nhưng không biết để đạt mục tiêu đó cần làm gì, có điều kiện tìm hiểu nhưng không chịu tìm hiểu, hoặc biết nhưng trì hoãn và không có hành động chuẩn bị,” ông Nghĩa chia sẻ.

Vì thế, ông Nghĩa cho rằng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần chủ động tiếp cận thông tin qua internet, xác định mục tiêu cho mình và khi đã quyết định được mục tiêu, phải lên kế hoạch cho mục tiêu đó đồng thời phải hành động ngay lập tức theo kế hoạch.

“Các bạn trẻ cũng có tâm lý cái gì cũng thích, cái gì cũng học, nhưng kiến thức rất rộng lớn, cần xác định mục tiêu và tập trung cho những gì liên quan, phục vụ mục tiêu đó thay vì cái gì cũng biết nhưng không biết gì,” ông Nghĩa nói.


Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên. (Ảnh: BTC)

CV ngắn gọn và trung thực

Cùng với việc chuẩn bị tốt các kiến thức, kỹ năng cho công việc, CV là “bộ mặt” của ứng viên với nhà tuyển dụng.

Với chục năm làm về tuyển dụng nhân sự, bà Chu Thị Phan Anh nhận thấy sinh viên mới ra trường, nhất là các ngành xã hội, thường muốn trình bày rất nhiều những thành tích, kết quả mình đạt được trong CV, tuy nhiên, nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc. 

Vì thế, thay vì kể lể dài dòng, khi viết CV, ứng viên chỉ cần tập trung vào những kỹ năng, những hoạt động liên quan đến vị trí công việc dự tuyển.

“Để lọt qua cửa hồ sơ, nhiều ứng viên nêu cả những kỹ năng mà mình không có, thổi phồng thành tích bản thân. Đây là điều hết sức sai lầm, vì ngày nay, với internet, nhà tuyển dụng không khó để check thông tin, chưa kể hồ sơ đó được lưu giữ nên bất cứ khi nào bạn cũng có thể bị lộ. Vì thế, tuyệt đối không nên cố gian dối để làm đẹp hồ sơ,” bà Phan Anh chia sẻ.

Không chỉ đối với viết CV, trong đối thoại khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng cũng lưu ý các ứng viên không nên kể lể, trình bày hay dẫn dắt dài dòng mà nên đi thẳng vào vấn đề muốn đề cập, trả lời thẳng vào nội dung nhà tuyển dụng muốn hỏi.

f
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên

Bỏ tư duy “xin việc”

Cũng theo bà Phan Anh, một sai lầm nhiều sinh viên mới ra trường mắc phải là quá tự tin hoặc quá tự ti. Cần có thái độ đúng mực mới dễ "ăn điểm".

"Người tự ti khi đi phỏng vấn quá hạ thấp bản thân với suy nghĩ “xin việc”. Bạn đừng nghĩ mình xin việc. Ở đây không có xin-cho, mà bạn đang ứng tuyển vào một vị trí công việc trong thị trường lao động, và thị trường lao động là trao đổi, tôi trả lương, bạn làm việc,” bà Phan Anh nói.

Đây cũng là chia sẻ của ông Hoàng Trọng Nghĩa. Theo ông Nghĩa, ứng viên nên có thái độ tự tin khi ứng tuyển. 

“Tuy nhiên, nếu tự tin thái quá đến ảo tưởng về bản thân lại là điều không tốt,” ông Nghĩa nói.

Giải thích thêm về vấn đề này, bà Phan Anh cho rằng: “Không phải sự tự cao của các bạn làm chúng tôi khó chịu mà nó sẽ cản trở bạn trong việc tiếp thu tri thức mới để trưởng thành, để tiến xa hơn, và vì thế, bạn khó nhận được cái gật đầu đống ý của nhà tuyển dụng.”

Kinh nghiệm làm việc không phải là tiêu chí số một

Chia sẻ với sinh viên, các nhà tuyển dụng đều khẳng định kinh nghiệm không phải là tiêu chí số một.

“Sinh viên thường bị áp lực về vấn đề kinh nghiệm, tuy nhiên, những nhà tuyển dụng không trông chờ kinh nghiệm của các bạn,” bà Phan Anh nói.

Theo bà Phan Anh, kinh nghiệm cho thấy, hầu như sinh viên mới ra trường không làm được việc ngay, các công ty phải mất nửa năm để đào tạo và đó là chi phí lớn với doanh nghiệp. Vì thế, họ quan tâm bạn chuẩn bị như thế nào cho công việc của mình. Cái mà nhà tuyển dụng chờ đợi ở ứng viên là thái độ nghiêm túc với công việc, với công ty. 

Điều này được thể hiện ở việc trước khi đến phỏng vấn, ứng viên phải tìm hiểu qua về công ty, tìm hiểu về vị trí mà mình định tuyển dụng, hình dung ra công việc sẽ làm.

Bà Phan Anh cho rằng hiện đang có sự thay đổi về tiêu chí tuyển dụng. Theo đó, tiêu chí số một không phải kinh nghiệm, không phải kỹ năng, mà là tinh thần cầu thị.

“Kiến thức có thể học, kỹ năng có thể trau dồi nhưng nếu không có tinh thần cầu thị thì bạn không thể đi đường dài, trong khi ở mọi lĩnh vực, việc cập nhật tri thức mới phải là quá trình không ngừng, kể cả khi lên vị trí quản lý. Vì thế, đừng lo lắng quá về kinh nghiệm, nhưng phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy, bạn đã tìm hiểu kỹ về công việc, đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho công việc ấy và sẽ tiếp tục chau dồi để làm việc tốt hơn,” bà Phan Anh nói./.