Anh Thoại khởi nghiệp từ cây Lục bình
14:21 13/03/2019 6250
3 Chương trình Web.ĐTN: Từ loài cây hoang dã, trôi dạt trên sông, tưởng chừng “vô dụng” nhưng thời gian qua, cây Lục bình đã làm thay đổi đời sống của rất nhiều người dân ở huyện Long Mỹ.
Anh Trần Quang Thoại bên các sản phẩm làm từ Lục bình của mình
Cây Lục bình đã giúp cho chàng thanh niên Trần Quang Thoại ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông thành công trên con đường khởi nghiệp ở tuổi 26. Không chỉ thu về tiền tỷ mỗi năm mà mới đây ý tưởng khởi nghiệp từ cây lục bình của anh Thoại còn là một trong 15 dự án, ý tưởng lọt vào vòng chung kết của cuộc thi “ Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Hậu giang lần thứ I năm 2019”.
Đang miệt mài đan từng sợi Lục bình, anh Trần Quang Thoại phấn khởi chia sẻ: Những ngày xa quê tìm kế mưu sinh, trong một dịp tình cờ anh thấy được những sản phẩm làm từ lục bình, một loài cây mà ở quê mình có rất nhiều nên đã tìm hiểu và đến tận nơi sản xuất để học hỏi kinh nghiệm đan lát, sau đó, anh trở về quê, bắt đầu thực hiện ý tưởng mở cơ sở đan lát lục bình.
Những ngày mới chập chững vào nghề, công nhân của anh là những người thân trong gia đình được anh hướng dẫn cách đan, rồi bản thân tự học hỏi cách gia công, trang trí hoàn thiện thành những sản phẩm “thủ công mỹ nghệ” trông rất đẹp mắt, mà không cần tốn thêm chi phí qua trung gian, sau đó anh tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Xuất thân trong một gia đình khó khăn, chỉ học hết lớp 7 nhưng nhờ tinh thần phấn đấu ham học hỏi và nghị lực vươn lên. Sau hơn 4 năm nỗ lực, quyết tâm giờ đây chàng thanh niên trẻ này đã có trong tay cơ sở đan lát lục bình khoảng 300 công nhân, hầu hết đều nhận gia công tại nhà, với mức lương cơ bản từ 4 triệu đến 6 triệu mỗi tháng.
Đối với lục bình nguyên liệu thì được anh hợp đồng bao tiêu cho bà con ở địa phương với giá 12.000 đồng/ký trong thời gian 5 năm. Cứ đều đặn nửa tháng một lần, cơ sở cho xuất bán từ 1.000 đến 3.000 sản phẩm các loại, cung cấp cho 3 Công ty và hơn 30 cơ sở bán lẻ lớn nhỏ tại hai thị trường chủ yếu là Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung bình, mỗi sản phẩm khi thành phẩm có giá từ 18.000 đến 200.000 đồng tùy loại, như: nón, giỏ xách, hay dụng cụ đựng đồ, hộp, sọt trang trí theo yêu cầu của công ty.
Mỗi năm, ngoài thu nhập giao động từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng tùy theo điều kiện thời tiết, nguồn nguyên liệu và nhu cầu thị trường thì cơ sở của anh Thoại còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm công nhân ở địa phương và những vùng lân cận.
Tham gia ý tưởng khởi nghiệp lần này với anh Thoại là một sự tình cờ và may mắn được vào vòng chung kết, điều đó như tiếp cho anh thêm niềm tin để tiếp tục phấn đấu. Chàng thanh niên trẻ còn mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình và dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở, sản xuất thêm nhiều mẫu mã độc đáo hơn để lấn sân ra thị trường thế giới.
Anh Thoại nói thêm: “Dự định của mình thì cũng còn nhiều lắm, một là muốn mở rộng thêm, hai là tìm đến thị trường xuất nhập khẩu ở nước ngoài để được giá thành cao hơn và tạo công ăn việc làm cho bà con tại địa phương”.
Tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Hậu Giang năm 2019, huyện Long Mỹ vinh dự có 02 “ý tưởng” lọt vào vòng chung kết. Điều đặc biệt là cả hai ý tưởng này đều dựa trên điều kiện tự nhiên và tận dụng lợi thế địa phương sẵn có.
Đây cũng là tiền đề, động lực giúp thanh niên Long Mỹ mạnh dạng hơn, quyết tâm hơn trong việc biến những ý tưởng của mình thành hiện thực và tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp.
Bí thư Huyện đoàn Long Mỹ Nguyễn Quốc Khương cho biết thêm, Huyện đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của đoàn viên thanh niên, hội viên về khởi nghiệp, lập nghiệp tranh thủ tiếp nhận vốn vay để giải quyết việc làm, cũng như hỗ trợ về mô hình khởi nghiệp. Hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ như là: câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, câu lạc bộ chủ trang trại trẻ, câu lạc bộ nhà nông trẻ,... Bên cạnh đó, cũng xét chọn những mô hình tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả, từng bước nhân rộng, đồng thời thường xuyên tổ chức biểu dương thanh niên làm kinh tế giỏi”.
Mặc dù đường đến thành công là con đường còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng thành công của anh Trần Quang Thoại với cơ sở đan lát Lục bình đã chứng minh được bản lĩnh của tuổi trẻ - những con người tràn đầy nhiệt huyết, họ có thể biến ước mơ trở thành hiện thực bằng niềm tin, sự sáng tạo và ý chí nghị lực của chính bản thân để không chỉ mang về vinh quang cho bản thân mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trần Phường, TĐ Hậu Giang-BA Tweet