9x tay trắng kiếm trăm triệu từ vườn phật thủ
10:08 26/09/2014 1618
3 Chương trình Vì nhà nghèo nên chàng trai 9x Phạm Văn Xoa không đi thi ĐH mà vay vốn ngân hàng lập nghiệp qua việc trồng cây phật thủ. Mỗi năm, Thoa thu nhập được gần 300 triệu đồng từ cây này.
Phạm Văn Xoa (24 tuổi, xã Đồng Lương, Lang Chánh, Thanh Hóa) đang quản lý vườn phật thủ với 300 cây, rộng 4 ha. Ngoài ra anh còn nuôi 20 cặp chim trĩ giống và 400 con gà ri để tăng thêm thu nhập.
Phạm Văn Xoa bên vườn phật thủ của mình. |
Học xong phổ thông, xác định làm nông dân
Sinh ra ở một huyện miền núi, gia đình làm ruộng nên cuộc sống của Xoa cũng khá vất vả, thiếu thốn. Học xong lớp 12, thay vì như bạn bè trang lứa lên phố thị đi học tiếp thì Xoa lại xác định sẽ không thi đại học. Chàng trai 9X cho rằng: “Mình thấy nhiều bạn học xong cũng rất khó xin việc. Mình nghĩ, ở quê vốn truyền thống nông nghiệp thì sao lại không tiếp tục theo công việc này. Hơn nữa gia đình mình cũng nghèo, bố mẹ nuôi ba chị em ăn học là quá sức”.
Khi ấy, ở tuổi 18 dù xác định sẽ làm một nông dân nhưng Xoa vẫn chưa định hình trồng trọt hay chăn nuôi như thế nào? Một thời gian sau, cậu quyết định xin đi nghĩa vụ quân sự để tôi rèn bản thân trưởng thành hơn. Ngày xong nghĩa vụ, Xoa mang theo đầy hoài bão lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Chàng trai kể: “Tết năm 2011, mình có mua về vài quả phật thủ trưng trong nhà. Mình thấy loại trái này khá nhiều người mua, có tiềm năng và thị trường khi ấy vẫn khan hiếm. Ở chỗ mình cũng chưa ai trồng nên quyết định sẽ trồng loại cây này”.
Nghĩ là làm, sau Tết thì Xoa bắt đầu tìm hiểu về phật thủ và khăn gói tìm đến các nhà vườn ở Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang… học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm.
“Khi tìm hiểu, mình thấy trồng giống cây này cũng không quá phức tạp và có đầu ra khá ổn nên càng tâm huyết hơn. Tuy nhiên, lúc chia sẻ ý tưởng với gia đình bạn bè thì phần lớn không đồng ý. Họ cho rằng mình còn trẻ, không nên nóng vội. Gia đình thì không có vốn. Nhưng mình vẫn quyết tâm theo đuổi” - Xoa chia sẻ.
Thu nhập 300 triệu đồng/năm
Muốn có vốn, Xoa đi vay ngân hàng 50 triệu đồng và mượn thêm từ gia đình để khởi nghiệp. Tháng 2/2012 chàng trai xứ Thanh mang từ Hà Nội về 300 gốc phật thủ (mỗi gốc trị giá 30.000 đồng).
Ngoài ra trong thời gian đi “tầm sư học đạo”, anh cũng tìm hiểu việc nuôi chim trĩ, gà ri kết hợp trồng loài cây này. Vì thế, Xoa cũng trích ra 18 triệu đồng để mua 12 cặp chim giống, 400 con gà ri.
“Mình vẫn xác định tập trung trồng cây là chính. Khi ấy, nhiều nhà vườn khuyên chỉ nên trồng chừng 100 cây thử nghiệm trước. Nhưng mình tin sẽ làm tốt nên mới mua nhiều gốc'' - Xoa cho biết.
Khi Xoa đưa cây về, đến thời điểm gần ra quả lại vào đúng thời điểm khô hạn. Việc tìm nguồn nước tưới cây đầy vất vả nên để có nước tưới thì cậu cùng chị gái phải đi xa hàng cây số.
Ban đầu phải mang nước về theo cách thủ công. Nhiều khi tới nửa đêm thì hai chị em mới tưới hết lượt cho vườn cây. Sau đó, Xoa mới đầu tư hệ thống máy móc tưới nước. Lúc đầu, cây phật thủ của Xoa cũng hay bị bệnh vàng lá và rỉ mủ.
Ngoài trồng phật thủ, Xoa còn nuôi kết hợp gà ri và chim trĩ |
Cũng trong thời gian mới khởi nghiệp, số gà ri thả vườn của cậu hay bị chết, có đợt lên đến gần 100 con trong khi chim trĩ cũng bị bệnh tật. Xoa tự nhủ khó khăn lúc khởi nghiệp là điều khó tránh khỏi và hy vọng đến mùa thu hoạch sẽ có chuyển biến.
Trời không phụ lòng người khi dịp tết 2014, Xoa vui mừng khi 300 cây phật thủ mang về được hơn 1.000 quả. Với mỗi quả được bán trung bình 80 ngàn, giúp Xoa có doanh thu hơn mong đợi.
Chàng trai 9x nói: “Với số cây ra quả lần đầu mà được như vậy là khá thành công. Sau khi trừ hết chi phí thì mình vừa đủ trả nợ ngân hàng”. Ngoài ra, số gà ri và chim trĩ sau 1 năm nuôi cũng mang lại cho cậu mức thu nhập kha khá.
Hiện tại, vườn cây của Xoa vẫn cho ra quả hàng tháng nhưng tập trung vào chừng tháng 7 và dịp Tết. Mỗi cây phật thủ, Xoa ước tính ra được 40 – 50 quả và bán mối với giá 50.000 đồng/quả tùy hình thức đẹp xấu. Còn vào dịp Tết, giá có thể lên tới 300.000 – 400.000 đồng/quả.
Xoa dự tính: “Dịp Tết mình ước tính sẽ thu nhập được khoảng 300 triệu, trừ chi phí sẽ còn 250 triệu từ loài cây này. Còn hiện tại, nếu chưa trừ chi phí thì trong vòng 1 năm nay thì mình đã đạt doanh thu gần 300 triệu từ phật thủ”.
Theo Xoa, để có đầu ra ổn định, ngoài nguồn hàng cung cấp trong tỉnh, cậu cũng đã đấu mối với một số thương lái ở Hà Nội. Không giữ riêng “bản quyền” trồng phật thủ cho mình, chàng nông dân 9x cũng đã chuyển giao kỹ thuật đến một số hộ khác, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho họ.
Bên cạnh đó, hiện tại Xoa vẫn tiếp tục nuôi chim trĩ, gà ri thả vườn. Anh hiện có 20 cặp chim giống và 400 con gà, một năm bán được hai lần. Thời gian sắp tới, Xoa cũng nhập thêm 500 cây phật thủ giống, để tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Nói về mô hình của Xoa, chị Lê Thị Kiêu - Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh - đánh giá: “Xoa đã rất mạnh dạn khởi nghiệp với loài cây này và mô hình trồng cây phật thủ của bạn hiện nay đang đem lại hiệu quả rất tốt.
Chúng tôi luôn động viên Xoa nhân rộng mô hình cho các bạn trẻ, hộ gia đình nhằm phát triển kinh tế của xã Đồng Lương và trong toàn huyện”.