Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh
03:14 10/12/2018 16213
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Trong khuôn khổ phiên làm việc thứ ba của Đại hội, chiều 10/12, 116 đại biểu đã tham dự trung tâm thảo luận số 6 với chủ đề “Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh”, tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Đồng chí Bùi Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng biểu trưng Đại hội tới Ban Giám hiệu trường Đại học Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội |
Nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội thực sự vững mạnh luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh đã có chuyển biến tích cực.
Công tác tuyên truyền, giới thiệu tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam trong sinh viên và toàn xã hội được các cấp bộ Hội quan tâm đầu tư, qua các chương trình, hoạt động phong trào, nhất là thông qua mạng xã hội và các sản phẩm tuyên truyền trực quan như: bảng tin, pano, áp phích.
Trong nhiệm kỳ, Hội Sinh viên Việt Nam đã thành lập thêm 05 tổ chức Hội cấp tỉnh, 07 tổ chức Hội cấp trường trực thuộc Trung ương, 03 tổ chức Hội ở ngoài nước. Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có 28 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 08 Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước. Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Hội đã kết nạp được 1.478.369 hội viên. Hiện nay, cả nước có 1.367.544 hội viên. Việc quản lý hội viên có nhiều tiến bộ, phù hợp với thực tế hiện nay, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hội viên, thông tin hội viên, quản lý việc tham gia hoạt động…
Hệ thống các chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm phát triển mạnh; thể hiện rõ ưu thế, linh hoạt của tổ chức Hội trong điều kiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ.
Quang cảnh diễn đàn |
Công tác cán bộ Hội từng bước được đổi mới, chú trọng lựa chọn đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, kịp thời bổ sung để tăng cường sức mạnh chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Hội. Tổ chức cơ sở Hội có bước phát triển mới về chất lượng và số lượng, trở thành hạt nhân tập hợp, đoàn kết sinh viên, xây dựng nên hệ thống tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh…
Tuy nhiên, công tác xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua vẫn tồn tại một số hạn chế như: Nội dung và hình thức sinh hoạt chi hội chưa thu hút hội viên; tỷ lệ hội viên trên tổng số sinh viên chưa cao; vẫn còn nhiều trường chưa có tổ chức Hội; đội ngũ cán bộ Hội ở một số đơn vị còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ công tác; công tác tập huấn, đào tạo cán bộ Hội các cấp chưa thực hiện thường xuyên, nội dung tập huấn chưa thiết thực. Chế độ thông tin báo cáo còn chậm; việc ứng dụng công nghệ thông tin, Internet trong xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý về tổ chức, cán bộ, hội viên sinh viên còn chậm...
Để khắc phục những hạn chế và góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh, tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số giải pháp liên quan đến các nội dung như: Quản lý hội viên hiệu quả và phát triển mới hội viên đảm bảo đúng Điều lệ Hội; giải pháp mới về công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hội Sinh viên và phong trào sinh viên; giải pháp phát triển, quản lý CLB, đội nhóm; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ Hội hiệu quả; nâng cao chất lượng cán bộ Hội là sinh viên, đặc biệt cán bộ Hội là sinh viên giữ chức vụ chủ tịch Hội Sinh viên trường…
Đổi mới phương thức truyền thông
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, công tác truyền thông hiện nay mới chỉ tập trung trong nội bộ tổ chức Hội, chưa được lan toả nhiều trong cộng đồng.
Theo đại biểu Lại Văn Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng, hiện nay hình ảnh Hội Sinh viên chưa thực sự phổ biến, hầu hết chỉ phủ sóng tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Còn tại khu vực miền Trung, phong trào Hội chưa thực sự ghi được dấu ấn.
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, để đổi mới phương pháp tuyên truyền rộng rãi hình ảnh Hội Sinh viên thì hình thức truyền thông nhanh chóng nhất là sử dụng các video clip. Trung ương Hội nên phát động những cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu về tổ chức Hội Sinh viên; lan toả những clip này trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, như vậy vừa tạo sân chơi bổ ích để sinh viên được phát huy sức sáng tạo; đồng thời góp phần giới thiệu rộng rãi hình ảnh Hội Sinh viên tới cộng đồng.
Chia sẻ về mô hình truyền thông hiệu quả tại đơn vị mình, đại biểu Ngô Thị Kiều Nhi – Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Xác định đối tượng nên tập trung đẩy mạnh truyền thông về Hội là học sinh THPT cuối cấp, tại trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh luôn có một đội ngũ gồm những tình nguyện viên là cán bộ Đoàn, Hội. Sau khi tốt nghiệp ra trường, các tình nguyện viên đã quay trở lại trường vào mùa tư vấn tuyển sinh để giới thiệu tới các bạn học sinh tại các trường THPT về Hội và các hoạt động của Hội Sinh viên của trường”.
Đồng tình với đại biểu Ngô Thị Kiều Nhi, đại biểu Đặng Thanh An - Chủ tịch Học viện Hành chính TP.Hồ Chí Minh đề xuất: “Lực lượng học sinh cấp 3 sẽ những hội viên chính của tổ chức Hội sau khi bước chân vào các trường Đại học, Cao đẳng. Vì vậy, Hội Sinh viên cấp trường nên cùng lãnh đạo Nhà trường tham gia các kỳ tiếp xúc tuyển sinh để giới thiệu về Hội Sinh viên tới học sinh, vừa là để truyền thông rộng rãi tới những đối tượng hội viên mới, đồng thời giảm bớt được một khâu giới thiệu về Hội sau khi sinh viên nhập trường”.
Cần cơ chế cho sinh viên làm cán bộ Hội
Các đại biểu tham góp ý kiến tại diễn đàn |
Trăn trở về những khó khăn của sinh viên làm cán bộ Hội, đại biểu Lý Văn Đạt – Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hưng Yên cho biết, để lôi kéo được sinh viên tham gia hoạt động và phát triển tổ chức Hội thì người Chủ tịch Hội phải rất nhiệt huyết, đặc biệt với sinh viên làm Chủ tịch Hội càng cần cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng uy tín của một sinh viên làm Chủ tịch Hội đối với sinh viên. Đó cũng là rào cản dẫn đến tâm lý e ngại và nhụt chí trong một số sinh viên tham gia công tác Hội”.
“Vì vậy, cần có cơ chế để phát huy vai trò, khẳng định vị trí của sinh viên làm Chủ tịch Hội; đồng thời cần giải quyết triệt để cơ chế hỗ trợ cho các sinh viên tham gia công tác Hội, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn phát huy sở trường, thúc đẩy phong trào Hội Sinh viên”, đại biểu Đạt đề nghị.
Đồng quan điểm với đại biểu Lý Văn Đạt, đại biểu La Thị Mỹ Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhận định: “Một sinh viên làm cán bộ Hội hiện nay vừa phải đi học, vừa tham gia các hoạt động Hội và có thể đi làm thêm, vì thế nên quỹ thời gian sẽ rất hạn chế. Vì thế, bản thân mỗi cán bộ Hội là sinh viên đều phải nỗ lực và tận tâm với hoạt động của Hội thì mới có thể đảm nhận được vai trò của người cán bộ Hội. Tuy nhiên, những ưu tiên dành cho các cán bộ Hội hiện nay vẫn chưa tương xứng với những tâm huyết và thời gian hoạt động của mỗi cá nhân”.
Dịp này, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đề nghị Trung ương Hội xem xét tạo quyền lợi để sinh viên làm cán bộ Hội có thêm động lực, tiếp tục cống hiến và xây dựng, phát triển tổ chức Hội.
Nâng cao năng lực nguồn cán bộ Hội
Trăn trở về công tác cán bộ Hội, đại biểu Ngô Tuấn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân thẳng thắn chia sẻ, Trung ương Hội đã có các đợt tập huấn cho cán bộ Hội Sinh viên, tuy nhiên đa số các đồng chí tham gia tập huấn đều sắp kết thúc nhiệm kỳ và có thể sẽ thôi không tham gia BCH. Vì vậy, nên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn thêm cho đội ngũ các sinh viên có tiềm năng; từ đó tạo nguồn quy hoạch các vị trí, chức danh quan trọng của Hội Sinh viên cấp trường”.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đặng Thanh An - Chủ tịch Học viện Hành chính TP.Hồ Chí Minh đề xuất: “Các cấp bộ Hội cần có một biểu đồ lộ trình đào tạo, tập huấn cho nguồn cán bộ Hội qua các giai đoạn để có sự đối chiếu và điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, các Tỉnh, Thành Đoàn nên quan tâm, giới thiệu, bồi dưỡng các cán bộ Đoàn trường phổ thông, là những bạn trẻ đã có kinh nghiệm công tác phong trào và có tố chất thủ lĩnh để quy hoạch vào BCH Hội Sinh viên cấp trường”.