Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội

12:32 10/12/2018     5239

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Nằm trong chương trình Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, chiều ngày 10/12, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn của Trung tâm thảo luận số 2 với chủ đề : “Vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên - Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội”.

Trao tặng biểu trưng Đại hội tới Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Dự trung tâm thảo luận số 2 có đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn; Nguyễn Minh Triết - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX; Nguyễn Phạm Duy Trang - Ủy viên BTV, Trưởng Ban thiếu nhi trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương; cùng hơn 120 đại biểu tham dự Đại hội.

Theo đề dẫn thảo luận nêu, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng căn dặn: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Quán triệt tư tưởng của Bác, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên Việt Nam, giai đoạn 2013 - 2018 đã được tổ chức Hội Sinh viên triển khai với nhiều cách làm mới, nội dung đa dạng, phong phú đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc xây dựng lớp sinh viên thời đại mới.

Với sự tác động của xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ và sự phát triển nhanh mạnh của mạng xã hội đã dẫn đến những biến đổi về đạo đức, lối sống văn hóa của sinh viên Việt Nam. Nhìn chung, đa số sinh viên Việt Nam biết kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc, thích nghi nhanh với tác phong học tập, làm việc công nghiệp, hiện đại.

 

Quang cảnh Trung tâm thảo luận số 2
 

Đa số sinh viên Việt Nam hiện nay có lòng yêu nước, quan tâm và tin tưởng vào tương lai đất nước, có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân văn và có tinh thần vì cộng đồng. Trong học tập, phần lớn sinh viên có động cơ học tập nghiêm túc, tích cực, chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học với tinh thần vượt khó. 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên có những biểu hiện chưa tích cực, như: sống thiếu lý tưởng, coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần; có thái độ thờ ơ, vô cảm trước những điều xấu, sai trái, những sự việc cần sự sẻ chia; thiếu ý chí phấn đấu, vượt qua khó khăn, trở ngại, có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa; dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn, hoạt động trái pháp luật…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giáo dục, vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên, tại buổi thảo luận, các ý kiến phát biểu đã tập trung vào một số nội dung như: Giải pháp thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh viên; Giải pháp đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống; Giải pháp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên, hướng sinh viên phấn đấu trở thành công dân gương mẫu; Giải pháp giải quyết vấn đề lệch chuẩn văn hóa, bệnh vô cảm của một bộ phận sinh viên; Văn hóa ứng xử của sinh viên trên mạng xã hội.

 

Đại biểu Trần Anh - Đại học Luật TP.HCM

 

Tuyên truyền giáo dục thông qua những sân chơi

Mở đầu cho các ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Anh - Đại học Luật TP.HCM chia sẻ mô hình của trường đang triển khai. Theo đó, việc tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật cho học sinh ở các trường THPT đã được Đoàn, Hội Sinh viên nhà trường tổ chức với nhiều hình thức nhằm tạo sân chơi pháp luật cho các em, như: đố vui, nêu các tình huống vi phạm pháp luật để các em học sinh hiểu hơn và không mắc phải.

“Nếu chỉ tuyên truyền pháp luật đối với các bạn học sinh, sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên cần tạo thành  những sân chơi để các bạn thanh niên dễ tiếp thu tiếp thu kiến thức nhiều hơn”, Trần Anh nói.

Từ hoạt động tuyên truyền các ca khúc cách mạng đã được tổ chức thời gian qua, đại biểu Trần Anh đề xuất, cần tạo môi trường rèn luyện đạo đức lối sống truyền, đạo đức, lối sống cho thanh niên, sinh viên là hết sứ cần thiết. Ngoài việc tạo sân chơi tuyên truyền giáo dục đạo đức lý tưởng cách mạng cho chính đoàn viên thanh niên, đây còn là dịp tuyên truyền giáo dục cho cả người dân.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Uyên Vy - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bình Dương

 

Cùng giới thiệu mô hình tuyên truyền, đại biểu Nguyễn Ngọc Uyên Vy - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bình Dương chia sẻ mô hình sân chơi cuối tuần của Đại học Bình Dương đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Cụ thể, vào dịp cuối tuần, các, đội, nhóm, CLB pháp luật đến giao lưu truyên truyền pháp luật cho các bạn sinh viên qua đó đã giúp các bạn sinh viên có được một sân chơi bổ ích và tránh được các TNXH.

Có cùng ý kiến về công tác tuyên truyền, đại biểu Tạ Thị Thu Huyền - Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết, thời gian qua Đoàn trường và Hội Sinh viên trường đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, sinh viên thông qua cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh với các cuộc thi hình thức sân khấu hóa, rung chuông vàng dưới dạng câu hỏi. Hay thi báo tường để các bạn sinh viên cùng sáng tác, vẽ tranh; thi kể chuyện về Bác... qua đó, đẩy mạnh công tác giáo dục cho sinh viên, đồng thời thu hút được đông đảo các bạn tham gia.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục sinh viên vè tình yêu biển đảo đã được Đoàn - Hội Sinh viên nhà trường tổ chức mang lại hiệu quả thông qua triển lãm ảnh về sức sống Trường Sa, hoạt động đồng hành với biên giới, hải đảo, chương trình vượt sóng ... đã góp phần vun đắp lý tưởng cho sinh viên.

Theo Thu Huyền, cần thể hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút các sinh viên tham gia.

Giáo dục từ những việc cụ thể

Với chia sẻ về mô hình CLB radio tại trường, đại biểu tỉnh Đồng Nai Bùi Lan Hương chia sẻ về cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” thông qua sự nhân ái, việc tốt của mỗi người đã được CLB radio tổ chức tuyên truyền.

Theo Lan Hương, từ những câu chuyện đẹp của CLB giới thiệu đã được đông đảo các bạn sinh viên trong trường cùng nhau chia sẻ trên Fanpage. Hương mong muốn các trường có thể triển khai mô hình này trong các trường sẽ tăng hiệu quả trong việc giáo dục đức, lối sống cho các bạn trẻ.

“Những câu chuyện đẹp nếu được nghe ở những buổi nghỉ giữa giờ của sinh viên thì rất có ý nghĩa và có thể mang lại hiệu quả tốt trong công tác giáo dục”, đại biểu Trương Thanh Hào - trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ trao đổi.

 

Đại biểu Tạ Thị Thu Huyền - Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Trần Ngọc Mai  đại biểu tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tham gia rất nhiều hoạt động trong trường. Theo Mai, các bạn sinh viên tham gia tình nguyện thì rất ít mà chủ yếu là bắt buộc.

Tuy nhiên, nếu các bạn sinh viên tham gia tình nguyện thì rất hay, sẽ có thêm nhiều kỹ năng trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Nhiều bạn nghĩ đi tình nguyện là phải đi trong dịp hè, nhưng không phải như thế,  những buổi tình nguyện  có thể là những buổi ngoại khóa. Đây là dịp để các bạn trực tiếp được tham gia, được cảm nhận... khi tình nguyện giúp được người dân, lúc đó các bạn sinh viên mới cảm nhận được hoàn cảnh người dân thế nào và ý nghĩa của việc học tập cũng như sống như thế nào để trở thành người công dân có ích cho đất nước.

“Mạng xã hội có nhiều điều cám dỗ, tư tưởng sai lệch nên sinh viên ít tự định hướng. Tình nguyện nâng cao thành môn học thì đưa các bạn vào hoàn cảnh để trải nghiệm, tìm hiểu thì mới rút ra được kinh nghiệm, bài học cho mình”, Ngọc Mai đề xuất.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự trăn trở làm sao để có được các giải pháp  làm tốt vun đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên. Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Phạm Kiều Hưng cho rằng, tại sao chúng ta có các liên hoan VUG, liên hoan nhảy hip hop... nhưng tại sao không có sân chơi liên hoan văn hóa nghệ thuật dân tộc, thi các trang phục, nhạc cụ dân tộc dành cho các bạn thanh niên, sinh viên.

Trong khi các bạn thanh niên, sinh viên ở ngoài nước rất cần những thứ đó, những thứ rất đơn giản để tổ chức các hoạt động truyền bá hình ảnh con người Việt Nam đến thế giới và còn là công cụ để giao lưu giữa các bạn sinh viên Việt Nam với các bạn thanh niên, sinh viên nước ngoài.

Đại biểu Kiều Hưng mong muốn, Trung ương Hội cần phối hợp với các ngành để tổ chức các hoạt động cho sinh viên.

 

Đông Hà