Trách nhiệm trong từng lá phiếu

14:27 24/02/2012     4362

Hoạt động Hội, Đội   Lần đầu tiên đại hội Đoàn các cấp, nhiều cơ sở Đoàn trong cả nước sẽ thí điểm bầu trực tiếp chức danh bí thư bằng phiếu kín ngay tại đại hội.
a
Bỏ phiếu tại đại hội Đoàn cơ sở

Tại TP.HCM, nhiều đại hội Đoàn cấp cơ sở cũng được chọn thí điểm bầu trực tiếp bí thư. Trao đổi với đ/c Nguyễn Mạnh Cường, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM cho biết:

Theo chỉ đạo chung của T.Ư Đoàn, TP lựa chọn các đơn vị đủ tiêu chuẩn để tổ chức bầu trực tiếp bí thư Đoàn ngay tại đại hội. Đây là điều khá mới mẻ trong sinh hoạt Đoàn từ trước đến nay, và việc bầu trực tiếp bí thư chứng minh không khí dân chủ trong sinh hoạt Đoàn càng được nâng lên, làm cho tinh thần trách nhiệm của mỗi đoàn viên, mỗi cán bộ Đoàn nâng cao hơn.

* Việc bầu trực tiếp bí thư được tiến hành ra sao tại TP.HCM, dựa trên tiêu chí nào để cơ sở Đoàn sẽ được chọn thí điểm bầu bí thư tại đại hội, thưa đ/c?

- Theo hướng dẫn của T.Ư Đoàn, tỉ lệ cơ sở Đoàn thí điểm bầu trực tiếp bí thư khoảng 30%, cấp quận huyện và tương đương là 20% tổng số đơn vị tổ chức đại hội. Tương ứng với tỉ lệ ấy, TP.HCM có 422 đơn vị Đoàn cơ sở cùng 10 đơn vị quận, huyện và tương đương được chọn thí điểm bầu bí thư. Đến nay, 177 đơn vị cơ sở đã tổ chức xong đại hội, và dự kiến việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cơ sở sẽ hoàn thành trong nửa đầu tháng 3; cấp quận, huyện và tương đương sẽ hoàn thành trong tháng 4.

Các đơn vị được chọn đều đảm bảo các tiêu chí: đơn vị xuất sắc nhiều năm liên tục, nhân sự ban chấp hành, bí thư đảm bảo yêu cầu chuẩn chất cán bộ và có yếu tố kế thừa, đoàn viên thanh niên tích cực trong hoạt động. Quá trình chuẩn bị nhân sự chặt chẽ và chu đáo, với sự thống nhất của Đoàn cấp trên và cấp ủy trực tiếp trong việc lấy ý kiến thăm dò, tiêu chuẩn cán bộ, sự tín nhiệm để ban chấp hành giới thiệu trước đại hội. Qua số lượng các đơn vị tại TP đã tổ chức xong đại hội, những nhân sự được giới thiệu cho chức danh bí thư đều trúng cử với số phiếu cao.

Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường
* Nếu nhân sự được giới thiệu không trúng cử, đại hội sẽ xử lý thế nào trong tình huống ấy?

- Việc bầu trực tiếp bí thư sẽ được đại hội tiến hành sau khi có kết quả bầu cử ban chấp hành. Có ba tình huống đã được dự liệu trong quá trình tiến hành đại hội:

Thứ nhất, dù không bắt buộc phải có số dư nhưng nếu đại hội giới thiệu nhiều hơn hai ứng cử viên trong số những người đã trúng cử ban chấp hành, thì đoàn chủ tịch đại hội sẽ thảo luận, đối chiếu tiêu chuẩn của ứng cử viên được giới thiệu. Nếu tất cả đại biểu được giới thiệu đảm bảo yêu cầu thì phải tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi bỏ phiếu chính thức, sao cho danh sách bầu chức danh bí thư tối đa chỉ là hai ứng cử viên.

Thứ hai, ứng cử viên giới thiệu để đại hội bầu trực tiếp bí thư không trúng cử vào ban chấp hành thì sau khi công bố kết quả bầu ban chấp hành, đại hội vẫn tiến hành bình thường mà không tổ chức bầu trực tiếp bí thư nữa. Việc bầu bí thư sẽ giao lại cho hội nghị ban chấp hành sau đó.

Thứ ba, ứng cử viên trúng cử ban chấp hành nhưng không trúng cử khi bầu trực tiếp bí thư, theo hướng dẫn của T.Ư Đoàn, nếu bầu lần đầu không trúng cử sẽ tổ chức bầu lại lần thứ hai. Nếu lần thứ hai vẫn không đủ số phiếu trúng cử sẽ không bầu nữa mà giao lại cho hội nghị ban chấp hành bầu bí thư sau đó.

* Điểm mới trong đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2012-2017 này có thật sự làm không khí sinh hoạt Đoàn dân chủ hơn, liệu có giúp cho Đoàn thêm sức hút?

- Có thể trong quá trình tổ chức, hoạt động Đoàn nơi này nơi khác, vai trò thủ lĩnh, bí thư Đoàn chưa thật sự được khẳng định, chưa thuyết phục số đông. Điều này một phần cũng do người thủ lĩnh chưa thể hiện được vai trò của mình. Nhưng thông qua việc bầu trực tiếp bí thư, đại biểu được quyền giới thiệu, lựa chọn người thủ lĩnh của mình nên tôi tin không khí sinh hoạt Đoàn sẽ khác, đoàn viên sẽ chủ động, tích cực hơn.

Mặt khác, có thể không loại trừ khả năng đâu đó có bí thư Đoàn bị... ép làm nên khó toàn tâm toàn ý với công việc. Nhưng khi đã trúng cử bởi được bầu trực tiếp, chắc chắn tâm thế, trách nhiệm bí thư phải cao hơn khi nhận nhiệm vụ. Tôi không thích khái niệm dân chủ trong sinh hoạt Đoàn bởi thực tế xưa nay lúc nào không khí sinh hoạt Đoàn lại chẳng dân chủ! Tôi cho rằng dùng khái niệm tính trách nhiệm của từng người trong sinh hoạt Đoàn sẽ đúng hơn.

Nói cách khác, trách nhiệm ấy đến từ hai phía - thủ lĩnh được chọn và đoàn viên đã lựa chọn thủ lĩnh cho mình. Sự ràng buộc trách nhiệm trong mỗi lá phiếu sẽ cao hơn để mỗi bên tự hoàn thiện mình khi tham gia hoạt động. Chính sự tín nhiệm, được bầu trực tiếp tại đại hội sẽ làm cho bản thân mỗi bí thư trúng cử phải nỗ lực hơn rất nhiều trong công tác, tìm tòi sáng tạo khi thiết kế hoạt động và thể hiện vai trò thủ lĩnh của mình.