TP.HCM: Sinh viên, học sinh “hiến kế” góp phần phát triển thành phố
16:52 01/11/2019 2006
Hoạt động Hội, Đội Ngày 24/10, Thành Đoàn TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đã tổ chức chương trình Thường trực UBND thành phố gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2019.
Tại đây, Thường trực UBND TP cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành đã cùng lắng nghe những ý kiến đóng góp của học sinh, tập trung vào những việc như: tạo môi trường học tập tốt hơn, tăng kỹ năng, thực hành; cần có thư viện thông minh; các app quản lý du lịch hay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; góp ý để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; bảo vệ môi trường TP; cải cách hành chính;...
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mong sinh viên, học sinh TP có nhiều ý kiến đóng góp, nhiều ý tưởng, công trình sáng tạo,góp phần vào sự phát triển chung của TP.HCM |
Mai Hải Yến, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cho biết, chương trình học hiện nay khá nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, thiếu các tiết dạy về kỹ năng mềm và ứng xử giao tiếp. Từ thực tế đó, học sinh này đề xuất có thêm nhiều tiết học về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện và trải nghiệm thực tế để qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.
Sinh viên Nguyễn Vũ Lâm Tuyền, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, hiện sinh viên rất khó tiếp cận các công trình khoa học hàng đầu, các tài liệu, sách chuẩn quốc tế, ở trường chỉ tiếp cận những tài liệu này qua slide của giảng viên.. Vì thế, Lâm Tuyền mong muốn các thư viện trên TP có những tài liệu như vậy để hỗ trợ sinh viên.
Một tình trạng đáng lưu ý được học sinh, sinh viên gửi đến lãnh đạo TP là hiện nay các địa điểm vui chơi du lịch khi vào cổng vẫn còn xài vé bằng giấy. Qua cổng xong, thường khách sẽ vứt vé đi gây ô nhiễm môi trường. Cần sử dụng các thẻ từ, có thể tái sử dụng sau khi vào cổng, lại dễ quản lý.
Trong các cuộc họp, hội thảo vẫn sử dụng văn bản giấy... vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường. Cần ứng dụng triệt để CNTT vào những hoạt động nói trên để giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường, lưu trữ tài liệu tốt hơn.
Ngoài ra, các sinh viên, học sinh còn có những mong muốn như: Có nhiều hơn các chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống; xem xét giờ vào học là 8 giờ sáng; TP cần hỗ trợ thêm các dự án khởi nghiệp và sáng tạo của sinh viên sau các cuộc thi hoặc có đầu mối hỗ trợ về tính pháp lý, thủ tục để các dự án này đi xa hơn, có thể thực hiện và ứng dụng lâu dài, hoặc tiếp cận được doanh nghiệp...
Học sinh Mai Hải Yến chia sẻ ý kiến tại chương trình gặp gỡ |
TP cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng cường các chương trình bồi dưỡng, tìm kiếm nhân tài từ các trường ĐH để đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện cho người trẻ phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển của TP; tuyên truyền mạnh mẽ hơn về phân loại rác tại nguồn, cải thiện khâu thu gom rác...
Tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Muốn làm được điều đó, yếu tố về nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, tất yếu.
Hiện nay, TP đang nỗ lực thực hiện mục tiêu nói trên thông qua xây dựng các đề án: xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Mục tiêu hướng đến sự phát triển kinh tế một cách bền vững, tạo môi trường chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân; mở ra không gian để người dân có thể đóng góp vào sự quản lý của các cấp chính quyền; Xây dựng khu Đông Sài Gòn thành khu đô thị sáng tạo; Triển khai, xây dựng đề án TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của quốc gia.
Lãnh đạo các Sở, ngành trao đổi ý kiến |
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng "đặt hàng" cho các bạn trẻ trong thời gian tới cần phải chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, chủ động trang bị kĩ năng cần thiết như ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thực hành xã hội, tham gia hoạt động xã hội do tổ chức đoàn hội tổ chức; có chuyên môn giỏi và là tấm gương sáng về đạo đức, hết lòng vì cộng đồng; cố gắng biến những suy nghĩ, ý tưởng của mình thành thực tiễn, thông qua các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh, với sự phát triển dân số nhanh, ở TP.HCM cứ 5 năm tăng lên khoảng 1 triệu dân, thì những vấn đề về hạ tầng đô thị như một bài toán thách thức trong con đường phát triển của TP. Học sinh, sinh viên hãy thỏa sức suy nghĩ, nêu ý tưởng, sáng tạo, đưa ra các ý kiến đóng góp để góp phần giải quyết giảm ách tắc giao thông, tình trạng ngập, quá tải của hạ tầng đô thị...
theo Giáo dục thời đại (KA) Tweet