Tọa đàm “Hành trình 20 năm Tiếp sức mùa thi”

13:47 04/11/2021     3525

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Chương trình Tiếp sức mùa thi, sáng 4/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thanh niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Tọa đàm “Hành trình 20 năm Tiếp sức mùa thi”

 

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam; đồng chí Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng Biên tập Báo Thanh niên đồng chủ trì tọa đàm.

 

Diễn đàn làm dịp để chia sẻ và trao đổi của các các nhân, tập thể có nhiều kinh nghiệm, cách làm, mô hình hay trong triển khai Chương trình; gặp gỡ và chia sẻ với các cá nhân tiêu biểu - những người đã trực tiếp tham gia hỗ trợ, đồng hành, gắn bó với Chương trình, với thí sinh và người nhà thí sinh mỗi mùa thi đến.

 

 

Chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) ra đời từ năm 1997 tại TPHCM. Năm 2002, T.Ư Hội SVVN quyết định nhân rộng mô hình TSMT ra toàn quốc với sứ mệnh hỗ trợ toàn diện, tối đa, đúng và trúng nhu cầu của các bạn thí sinh, người nhà thí sinh mỗi dịp mùa thi đến.

Qua 20 năm triển khai Chương trình Tiếp sức mùa thi, nhiều thành quả to lớn đã được các cấp bộ Đoàn, Hội cùng hàng triệu thanh niên, sinh viên tình nguyện góp sức thực hiện. Trên cả nước đã có hàng triệu thí sinh, người nhà thí sinh được hỗ trợ trong giai đoạn tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Bước sang năm 2021, trải qua 20 năm phát triển, Chương trình đã được tổ chức với sự lớn mạnh về quy mô, nâng cao chất lượng các hoạt động, nhân rộng nhiều mô hình, cá nhân điển hình và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Qua 20 năm triển khai, Chương trình Tiếp sức mùa thi đã hỗ trợ cho gần 20 triệu thí sinh và người nhà thí sinh trên cả nước; triển khai 58.618 đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của 1.018.231 thanh niên, sinh viên tình nguyện; tổng nguồn lực huy động được là gần 200 tỷ đồng.

Tiếp sức mùa thi mang tính nhân văn sâu sắc, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Trải qua 20 năm, cùng với những thay đổi trong cách thức thi Trung học phổ thông quốc gia, Chương trình Tiếp sức mùa thi đã kịp thời chuyển mình, linh hoạt và sáng tạo với nhiều cách làm, mô hình hay hỗ trợ hiệu quả các thí sinh và người nhà thí sinh. Trong chặng đường 20 năm đó, có thể thấy rõ nét và nổi bật những kết quả của Chương trình được chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 2002 – 2014, Chương trình Tiếp sức mùa thi tập trung hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại 07 cụm thi ở 07 tỉnh, thành phố; giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Chương trình được triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố, không chỉ hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia, mà còn hỗ trợ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của các địa phương.
 

 

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

 

20 năm qua, Chương trình đã luôn là người bạn gắn bó, đồng hành cùng thí sinh và người nhà thí sinh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Từ Chương trình “Tiếp sức mùa thi”, đã có hàng triệu chỗ trọ an toàn, giá rẻ hoặc miễn phí, hàng trăm ngàn vé xe buýt và suất ăn miễn phí, hàng trăm chuyến xe tình nguyện, hàng vạn cẩm nang, bản đồ chỉ dẫn và nhiều hoạt động tiếp sức, hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực khác, thông qua đó góp phần làm giảm bớt lo lắng, động viên tinh thần, khuyến khích nỗ lực và chia sẻ yêu thương, kết nối cộng đồng; tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và niềm tin để các bạn thí sinh thực hiện thành công ước mơ bước vào giảng đường đại học, cao đẳng.

Chương trình cũng chính là môi trường để các bạn thanh niên, sinh viên tình nguyện thể hiện tinh thần xung kích, ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với xã hội, đồng thời những trải nghiệm quý giá đó chính là những hành trang, kỹ năng cần thiết để các bạn vững vàng, tự tin trong học tập, lao động, rèn luyện và cống hiến. Với những ý nghĩa đó, “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một Chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Nhiều mô hình hay, hiệu quả tiếp sức thí sinh

Thảo luận tại tọa đàm, đại diện các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, đơn vị chia sẻ các mô hình hay, cách làm sáng tạo; đồng thời, hiến kế các giải pháp để chương trình TSMT tiếp tục lớn mạnh, thực sự là người bạn đồng hành thân thiết của thí sinh và người nhà thí sinh.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Thuận

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Thuận chia sẻ về mô hình tiếp sức thí sinh tại huyện đảo Phú Quý. Mỗi năm, có khoảng 260 khối lớp 12 phải di chuyển từ huyện đảo Phú Quý vào đất liền để tham dự kỳ thi THPT (Phú Quý cách đất liền 56 hải lý (khoảng 106 km) nên gặp không ít những khó khăn, bất cập. Vì vậy, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này. Theo đó, Tỉnh Đoàn Bình Thuận triển khai mô hình “Taxi miễn phí”, vận động các hãng Taxi hỗ trợ đưa đón miễn phí các em từ bến tàu về chỗ ở; đồng thời, tổ chức các đội xe ôm miễn phí đưa đón miễn phí thí sinh từ điểm ăn ở đến điểm thi và ngược lại. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn cũng huy động các nguồn lực nấu các bữa ăn miễn phí, tặng quà động viên, tiếp thêm động lực cho các thí sinh từ huyện đảo vào đất liền thi.

Năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các thí sinh Phú Quý được bố trí thi ngay tại huyện đảo. Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã linh hoạt sử dụng lực lượng tại chỗ, thành lập đội hình tình nguyện tại Phú Quý và tập huấn trực tuyến. Nhờ đó, đội hình đã chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Đồng chí Thái Minh Sỹ, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Nghệ An, Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh Nghệ An chia sẻ nội dung về một số “Giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng thí sinh thích ứng với phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Đồng chí Sỹ cho biết: Đối với tỉnh Nghệ An, qua từng giai đoạn, từng thời điểm triển khai, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để đồng hành, hỗ trợ các thí sinh, dựa trên các nền tảng đó là: Bám sát nhu cầu của thí sinh; chú trọng xây dựng, triển khai các đội hình tình nguyện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và chủ động các phương án hỗ trợ, trong đó khuyến khích tinh thần sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, thích ứng phù hợp với tình hình thực tế; huy động tối đa các nguồn lực, các lực lượng tham gia hỗ trợ.

 

Đồng chí Thái Minh Sỹ, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Nghệ An, Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh Nghệ An

 

Từ thực tiễn của Nghệ An, đồng chí Thái Minh Sỹ cho rằng việc hỗ trợ và đồng hành cùng thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thiết phải mở rộng hơn nữa; cần có các phương án để nâng cao chất lượng hoạt động ôn tập kiến thức, tư vấn kỹ năng, tư vấn tâm lý; thực hiện sớm hơn và dài hơi hơn trong thời gian tới. Có như vậy, chương trình Tiếp sức mùa thi mới thực sự phát huy hiệu quả.

Cũng tại tọa đàm các đại biểu đại diện cho các tỉnh thành, đoàn trực thuộc cũng chia sẻ một số mô hình hay như Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Dũng đã chia sẻ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin và vận động doanh nghiệp tham gia vào chương trình; Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công an, Trần Trọng Nguyên với những tham luận về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của lực lượng công an nhân dân...

 

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Dũng

 

Dịp này, Trung ương Đoàn đã phối hợp các đơn vị liên quan ra mắt Kỷ yếu 20 năm “Tiếp sức mùa thi”. Kỷ yếu gồm 3 phần: Số liệu và mô hình tiêu biểu - Tham luận - Hình ảnh, Kỷ yếu được coi như cuốn phim quay chậm, lưu giữ những ký ức, kỷ niệm đẹp của chương trình từ những năm đầu triển khai đến nay. /.

 

Bảo Anh