Tham luận: Sinh viên với việc học tập ngoại ngữ - thực trạng và giải pháp

01:38 11/12/2018     46702

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn giới thiệu toàn văn tham luận “Sinh viên với việc học tập ngoại ngữ - thực trạng và giải pháp” của đại biểu Nguyễn Trâm Anh, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên trường Đại học Vinh.

Đại biểu Nguyễn Trâm Anh, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên trường Đại học Vinh trình bày tham luận

 

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các bạn sinh viên thân mến!

Hôm nay, tôi vinh dự được đại diện cho tuổi trẻ tỉnh Nghệ An, tham gia trình bày tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kì 2018 – 2023.

Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi tới quý vị đại biểu cùng toàn thể các bạn sinh viên lời chúc sức khỏe, chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể đại hội!

Các nhà nghiên cứu đã thống kê rằng, những người sử dụng được tốt ngôn ngữ tiếng Anh rất có khả năng thành công trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, thăng tiến nghề nghiệp. Đặc biệt là trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra, Tiếng Anh nói riêng và các ngôn ngữ thông dụng khác như Nhật, Pháp, Trung,… lại càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hơn 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngôn ngữ chính thức của EU và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Tây Ban Nha (do sự khác biệt trong dân số quốc gia). Có thể thấy tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu và được ví như tấm vé thông hành, cầu nối giúp bạn dễ dàng có một công việc ổn định với mức lương cao hơn.

Ngoại ngữ có vai trò quan trọng đến vậy, yêu cầu của xã hội đặt ra về khả năng ngôn ngữ cho những người trẻ tuổi cũng rất cao, nhưng thực trạng về năng lực ngoại ngữ của sinh viên hiện nay lại đang quá thấp, chưa dáp ứng được yêu cầu đó. Cụ thể:

+ Thứ nhất: điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC, và với mức điểm này sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC - mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng lên nhiều thì những đòi hỏi về nhân lực có khả năng về ngoại ngữ lại càng cao hơn.

+ Thứ hai, trình độ của sinh viên không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực tiếng Anh giữa họ. Thường trong một lớp học sẽ bao gồm các trình độ từ sơ cấp đến trung. Những lớp học đa trình độ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên, khiến họ khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học.

+ Thứ ba, chỉ có 48,3% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu tiếng anh. Vậy 51,7% còn lại không đạt yêu cầu đó làm sao có thể đạt hiệu quả trong công việc mà xã hội cần ở họ?  Đây vẫn là một câu hỏi chưa nhận được giải đáp.

Thực tế khả năng giao tiếp bằng Anh đang là một rào cản lớn của giới sinh viên Việt Nam hiện nay. Chúng ta học tiếng anh từ bậc tiểu học, THCS, THPT, vào đại học vẫn tiếp tục học và còn học thêm ở các trung tâm Anh ngữ quốc tế, thế nhưng khá nhiều sinh viên khi xin việc làm đều không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng tiếng anh mà các doanh nghiệp, cơ quan đặt ra. Lí do là vì sao?

- Thứ nhất, chương trình học quá nặng về ngữ pháp và văn phạm, trong khi việc luyện phản xạ và giao tiếp lại không được chú trọng. Sinh viên Việt Nam nắm chắc ngữ pháp tiếng anh, nhưng lại không thể biến chúng thành công cụ để giao tiếp được. Ngữ pháp chỉ là nền tảng để luyện những kĩ năng khác như nghe, nói, đọc, viết giống như “học đi đôi với hành”.

- Thứ hai, sự không đồng đều về năng lực sử dụng tiếng Anh giữa các sinh viên trong cùng lớp dẫn đến khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học, sinh viên ở trình độ sơ cấp theo không kịp, còn ở trình độ cao hơn thì lại cảm thấy nhàm chán, không muốn học và chính giáo viên cũng gặp những khó khăn trong việc giảng dạy, theo sát các sinh viên.

- Thứ ba, sinh viên thiếu tự tin và không vượt qua được sức ỳ của bản thân. Đây chính là “hòn đá tảng” trong nhận thức của mỗi sinh viên. Chúng ta ngại nói vì sợ sai, sợ bị chê cười, dần dần trở nên khép mình trong các giờ học Tiếng anh. Bên cạnh đó còn nhiều bạn sinh viên còn chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại hiện nay. Một số khác lại có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, cảm thấy bản thân yếu môn tiếng Anh nên chuyển sang học ngôn gnuwx khác cho là dễ hơn nhưng không biết rằng không ngôn ngữ nào dễ học khi mà bản thân không chăm chỉ và không có phương pháp học phù hợp.

- Thứ tư, môi trường học tập cũng là một nhân tố không kém phần quan trọng. Hiện nay sinh viên chỉ sử dụng tiếng anh trong giờ học bắt buộc, còn hầu như bị bỏ quên trong các hoạt động khác. Mà đối với việc học ngoại ngữ thì chỉ cần một thời gian không sử dụng là có thể bị “rơi vào quên lãng”.

Vậy giải pháp để giải quyết những khó khăn trên, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên bây giờ là gì?

Giải pháp đầu tiên phải đến từ bản thân mỗi sinh viên, các bạn phải tự ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ, có ý thức tự nâng cao năng lực của bản thân, từ đó xây dựng được động cơ, phương pháp học tập thích hợp thì mới có thể cải thiện trình độ. Điều đó bao gồm:

- Học tập phải có thái độ, động cơ học tập rõ ràng

- Học có phương pháp học hiệu quả

- Có mục tiêu và kế hoạch cụ thể

- Học tập cách tư duy hiệu quả

- Học tập cách ghi nhớ hiệu quả

- Cách học tập hiệu quả

- Phân bố thời gian học tập hợp lý

Thứ hai, nhà trường cần nghiên cứu xem việc dạy và học ngoại ngữ là môn học chính, tăng số lượng tín chỉ; nhất là tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu giữa sinh viên trong, ngoài trường và với sinh viên quốc tế nếu có điều kiện. Giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên động lực học tập,…. Dạy và học với mục đích phục vụ cho công việc thực tế chứ không phải chỉ để thi cử và những con điểm.

Thứ ba, Nhà trường, cùng tổ chức Đoàn Hội các cấp nên tạo môi trường giao tiếp thường xuyên cho sinh viên có cơ hội trau dồi, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, tránh để xảy ra việc kiến thức chỉ nằm lại trên bài thi, không được sử dụng một cách thực tế, như tổ chức nhiều chương trình, nhiều cuộc thi liên quan đến ngoại ngữ như Các cuộc thi Olyimpic Tiếng Anh,…

Thứ tư, Nhà trường cùng Đoàn Hội các cấp nên tổ chức và thúc đẩy các CLB về Tiếng Anh trên các lĩnh vực: Tiếng Anh không chuyên, TA giao tiếp, TA chuyên ngành,… khuyến khích tổ chức các hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện khả năng nghe nói, giúp cho công việc sau này.

Lời cuối cùng tôi muốn gửi gắm đến trong tham luận ngày hôm nay đó là: “Rome wasn’t built in a day”. Học ngoại ngữ đòi hỏi một quá trình rèn luyện, trau dồi không ngừng nghỉ, và là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có sự thay đổi cả về nhận thức và cách thức ngoại ngữ, để có thể biến nó trở thành công cụ hữu ích cho công việc sau này. Hi vọng những ý kiến của tôi trên đây có thể góp phần giúp ích được trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên trong thời đại ngày nay.

Phần tham luận của tôi đến đây là kết thúc. Hy vọng những đóng góp này sẽ phần nào đó làm hoàn thiện hơn các văn kiện đại hội cũng như hướng tới 1 nhiệm kì thành công hơn của Hội Sinh viên Việt Nam.

Trước khi dừng lời, xin kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, chúc các bạn sinh viên học tập tốt và sẽ luôn cống hiến hết mình cho công tác Hội, chúc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khóa X thành công tốt đẹp.
 

Ban Biên tập