Phát huy thanh niên trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

07:45 11/12/2017     6326

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Nằm trong chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, chiều ngày 10/12, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn “Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Tham dự Diễn đàn của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.

Bản sắc văn hóa Việt Nam là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, sức mạnh của dân tộc được hun đúc, bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. 

Với bản sắc văn hóa Việt Nam là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, sức mạnh của dân tộc được hun đúc, bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thanh niên là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mọi mặt trận; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kế thừa, phát huy cao độ bản sắc văn hóa dân tộc.


f
Nhiều ý kiến của các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, đại biểu Đỗ Hà Văn, Phó bí thư Thành đoàn Hà Giang đã tham luận với chủ đề: “Thanh niên Hà Giang với việc giữ gìn và phát huy bản sắc của 22 dân tộc với nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống”. Theo đại biểu Hà Văn, không khó để thấy có rất nhiều bạn trẻ là người dân tộc nhưng lại không có trang phục truyền thống của dân tộc mình, hoặc có nhưng rất ít mặc, thậm chí nhiều người còn không biết mặc đúng cách, những trang phục có nhiều chi tiết khó như cách thắt u của dân tộc Nùng U, quấn Sà Cạp chân của người H’Mông, cuốn khăn đầu của người Dao…”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ có trang phục nhưng chất liệu vải không đúng truyền thống, thay vào đó là sử dụng vải công nghiệp với họa tiết, màu sắc sặc sỡ, hay tối giản đi những chi tiết điểm nhấn, những họa tiết đặc trưng của dân tộc chính vì vậy đã làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, đại biểu Hà Văn cho rằng, cùng với sự phát triển của du lịch, sự thuận lợi trong phát triển thương mại, dịch vụ; xuất khẩu lao động,… thu nhập cho người dân được nâng lên và họ quay trở lại xây dựng nhà cửa. Chính việc này lại vô tình phá vỡ đi những nét văn hóa truyền thống, thậm chí du nhập các mẫu nhà từ nước ngoài. Nhiều hộ kinh doanh loại hình homestay nhưng lại đầu tư, bê tông hóa quá nhiều, nhiều điểm không còn đúng với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

“Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần phối hợp với T.Ư Đoàn và một số đơn vị liên quan có những chính sách khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp từ chính việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như kinh doanh du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đào tạo các nghệ nhân dân gian…”,đại biểu Hà Văn đề xuất ý kiến.

Nhằm tận dụng mạng xã hội để quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Quyết đến từ Than Quảng Ninh trao đổi, hiện nay nhiều trang mạng xã hội như facebook có những bài viết, clip về văn hóa, lịch sử nước ngoài, trong khi đó lại rất thiếu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Theo đại biểu Quyết, giới trẻ hiện nay  thường sử dụng các thiết bị điện tử thông minh cho nên cũng cần phải nghĩ đến việc dùng mạng xã hội để giúp “dân ta phải biết sử ta” sao cho hiệu quả.


d
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì, điều hành diễn đàn "Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc", chiều 10/12

Đại biểu Lê Thị Hồng đến từ Quảng Bình chia sẻ, tỉnh Quảng Bình có rất nhiều di tích lịch sử trải qua nhiều thời kỳ. Với giá trị đó, tuổi trẻ Quảng Bình luôn nhận thức được giá trị văn hóa dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Theo đó, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhân chứng lịch sử, hành trình về địa chỉ đỏ, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ… tại các di tích lịch này, đi kèm là mô hình các Câu lạc bộ tuyên truyền văn minh du lịch được thành lập.

Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại chưa có nhiều hiểu biết cũng như hiểu hết về giá trị dân tộc. Bên cạnh đó, các sản phẩm văn hóa còn hạn chế, sự phối hợp của các cấp các ngành cũng hạn chế, kinh phí chi cho bảo tồn các di tích còn  ít, các thiết chế văn hóa còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân và thanh thiếu nhi.

Đại biểu Lê Thị Hồng đề xuất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương đối với các di sản; xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các bảo tàng; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác văn hóa.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu còn tập trung trao đổi, thảo luận và phân tích những đóng góp của thanh niên trong việc củng cố, phát triển văn hóa; chia sẻ bài học thực tiễn về sự gắn kết các hoạt động của thanh niên trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong nước cũng như trên bình diện quốc tế, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của thanh niên trong việc trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phương hướng cụ thể hóa trách nhiệm của thanh niên trong việc sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền bản sắc dân tộc góp phần xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh cho thanh niên.

Thông qua diễn đàn, đoàn viên thanh niên sẽ là những người tiếp nối và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc để cùng phấn đấu, cống hiến hết sức mình trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh./.