Những nữ Thủ khoa tài sắc vẹn toàn
02:11 02/12/2018 992
Hoạt động Hội, Đội Họ là sinh viên tốt nghiệp Thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2018. Những nữ sinh này không chỉ học giỏi mà còn rất xinh đẹp.
Cô gái Tày vươn lên trong gian khó
Chu Thị Thương, sinh năm 1996 (người dân tộc Tày), quê ở xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Cô là sinh viên lớp 59D - Quản lý đất đai, Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, trường Đại học Lâm nghiệp. Tất cả các năm học, cô gái đều xếp loại học lực và điểm rèn luyện xuất sắc. Chu Thị Thương, trường Đại học Lâm nghiệp từng đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và “Sao tháng giêng”. Điểm tích lũy toàn khóa 3.89/4, cô giành ngôi vị Thủ khoa xuất sắc.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng núi tỉnh Lạng Sơn. Nhà cô nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Gia cảnh khó khăn khiến Thương sớm thấu hiểu sự nhọc nhằn của cha, nỗi lo toan của mẹ. Dù nghèo nhưng gia đình nhỏ luôn ấm áp, hạnh phúc. Các đấng sinh thành luôn động viên, khích lệ và là động lực lớn để Thương ngày một cố gắng, đạt được kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Cô gái nghèo từng vinh dự nhận được học bổng Kova lần thứ 13, hạng mục nghị lực dành cho sinh viên vượt khó, học giỏi.
Chu Thị Thương là một nữ lớp trưởng năng động, kết nạp đảng khi còn đi học. Đó chính là phần thưởng quý giá cho trí tuệ, tài năng, năng lực và phẩm chất đạo đức của cô gái trẻ. Ngoài ra, cô còn tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên các năm học từ 2016 đến 2018 và đoạt giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Viện; giành giải Ba cấp trường. Tất cả các năm học đại học cô đều được xếp loại học lực và điểm rèn luyện xuất sắc.
Thương chia sẻ, để đạt được điểm cao trong các môn học, cô đã kết hợp giữa việc học trên lớp, nhóm và tự học. Trong đó tự học là phương pháp mà nữ thủ khoa nhận thấy hiệu quả nhất. “Với việc tự học, mình có thể sắp xếp thời gian phù hợp với bản thân, học bất cứ lúc nào cảm thấy hứng thú, bất cứ điều gì chưa rõ để có thể nắm vững kiến thức một cách lâu bền. Đối với mình, bí quyết để trở thành thủ khoa đó là không ngừng cố gắng, không ngừng phấn đấu, luôn cầu tiến để có thể đạt được kết quả tốt nhất”, Thương nói.
Đạt danh hiệu thủ khoa, Chu Thị Thương lấy làm vinh dự, tự hào và cũng tự ý thức được trọng trách nhiều hơn đối với đất nước. Nữ thủ khoa muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp rằng, hãy luôn cố gắng, phấn đấu hết mình để hiện thực hóa ước mơ của bản thân.
“Nếu không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”, đó là câu châm ngôn mình rất tâm đắc. Áp dụng vào thực tế cuôc sống, mình đang hết sức cố gắng để tự xây đắp và biến ước mơ của bản thân thành hiện thực”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Bố là tấm gương để noi theo
Trần Kiều Mỹ
Trần Kiều Mỹ là Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Chương trình tiên tiến, ngành Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Mỏ - Địa Chất (Hà Nội) năm 2018. Danh hiệu cao quý đó chứng nhận cho sự cố gắng suốt 5 năm qua của cô gái trẻ.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từ bé, Trần Kiều Mỹ được sống hạnh phúc trong một gia đình kiểu mẫu, bố tài giỏi, mẹ hiền, đảm đang. Mỹ tâm sự, người có sức ảnh hưởng đến cô nhiều nhất trong nhà chính là bố. “Mình là con gái đầu, từ nhỏ đã “bện” bố, được ông cưng chiều lắm. Bố mình làm kỹ thuật – một kỹ sư hóa dầu, giỏi giang, say sưa với công việc và rất yêu thương gia đình, mình luôn tự hào, coi bố là tấm gương để noi theo”, cô gái chia sẻ.
Những tưởng cuộc sống êm ấm, hạnh phúc tròn trịa nhưng đến năm Mỹ học lớp 11, bố của cô đột ngột qua đời. Gia đình chỉ còn lại những người phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Phải mất một thời gian khá dài, Trần Kiều Mỹ mới bình tâm trở lại, bước qua nỗi đau thương ấy. Mỹ tâm sự: “Lúc đó, mình ý thức rằng, là con cả trong gia đình, bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn, để mẹ bớt đi phần nào vất vả”.
Suốt 05 năm nỗ lực học tập, rèn luyện tại Trường Đại học Mỏ địa chất, Trần Kiều Mỹ giành được bảng thành tích xuất sắc, đáng ngưỡng mộ. Cô từng đoạt giải Ba cuộc thi Hùng biện tiếng Anh của trường năm 2016; nhiều năm liền giành học bổng khuyến khích học tập do nhà trường trao tặng, học bổng tài trợ của SPE, Perenco…; đoạt giải Olympic Tiếng Anh cấp trường; chứng chỉ IELTS đạt 7.5/9.0, TOEIC 950/990. Năm nay, cô là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Chương trình tiên tiến, Trường Đại học Mỏ địa chất. với điểm tích lũy 3.83/4.0.
Nữ Thủ khoa xuất sắc cho rằng, bậc đại học là một bước đệm để các bạn sinh viên chuẩn bị hành trang vào đời. Kinh nghiệm xây dựng nền móng vững chắc bước đệm này của cô là ngay từ đầu khi nhập trường, phải cố gắng học tập tất cả các môn, đặc biệt chú ý học tiếng Anh cho thật tốt, để mở rộng thêm cơ hội giao tiếp, kết nối, tìm kiếm việc làm cho mình. Trần Kiều Mỹ hoàn toàn tự giác với việc học tập, tích lũy kỹ năng. Mỗi ngày lên giảng đường, tiếp cận một bộ môn mới, cô gái luôn xem trước bài học, giáo trình, tìm hiểu qua mạng internet các thông tin liên quan đến môn học. Mỹ học tập một cách chủ động, chứ không để đến lúc lên lớp mới đọc sách.
“Mình thường hỏi các anh chị đi trước để tìm kiếm thêm tài liệu bổ ích và kinh nghiệm. Muốn tiếp thu kiến thức hiệu quả, chúng ta nên cố gắng học đến đâu, nhớ bài đến đấy, tránh trường hợp đến lúc thi mới ôn tập, như vậy sẽ không hiệu quả vì lượng kiến thức quá nhiều, áp lực lớn”, Trần Kiều Mỹ chia sẻ.
Làm chủ kiến thức, thành thạo kỹ năng
Nguyễn Thùy Dung
Ở trường bạn bè gọi Nguyễn Thùy Dung với cái tên khá độc “quái vật”… vì khả năng vừa học tốt vừa có thể tham gia rất nhiều hoạt động khác. Tuy nhiên, với cô bạn Thủ khoa Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đó đơn giản chỉ là tuổi trẻ phải nỗ lực.
“Khi nhắc đến ngành xã hội học, mọi người thường nghĩ chỉ cần học thuộc lý thuyết là có thể đạt điểm cao nhưng thực chất không phải như vậy. Mình luôn chú ý lắng nghe thầy cô gảng bài trên lớp để nắm kiến thức cơ bản. Sau đó,mình tìm tòi thêm tài liệu trong và ngoài nước để hiểu sâu hơn. Ngoài ra, ở khoa mình sự sáng tạo và chủ động của sinh viên luôn được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là cách mình giữ cho điểm số luôn ở mức cao” – Dung chia sẻ.
Với Dung, chủ động tìm tòi, nghiên cứu khoa học cũng là cách có thể làm chủ kiến thức, mở rộng vốn hiểu biết nên đã sớm thử sức mình trong lĩnh vực này. Trong đó, Dung là trưởng nhóm đề tài nghiên cứu: “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ em ở quận Long Biên, Hà Nội”. Theo cô bạn này, ở Việt Nam giáo dục kĩ năng sống chưa được xem trọng bằng giáo dục văn hóa. Vì thế, đề tài đã chỉ ra thực trạng giáo dục kỹ năng sống cho con cái trong các gia đình. Từ đó, đưa ra các giải pháp để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này. Đề tài được đánh giá cao bởi tính thực tiễn bởi nâng cao kỹ năng sống cho trẻ chính là cách hữu hiệu để tránh tai nạn thương tích hay xâm hại tình dục…
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Dung là sinh viên đứng tốp đầu của khoa và hoàn thành chương trình đào tạo trong 3.5 năm với tấm bằng xuất sắc. Không chỉ học tốt, Dung còn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong và ngoài nước. Cô bạn đã trực tiếp phiên dịch và giúp đỡ một nghiên cứu sinh đến từ Bỉ hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu tại Việt Nam.
Không chỉ xinh đẹp, học giỏi, Dung còn sở hữu nhiều tài lẻ. Cô bạn thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ hoặc làm MC trong các sự kiện lớn của Học viện và Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường. Ở lĩnh vực này, Dung cũng “rinh” về những phần thưởng không nhỏ như: giải ba cuộc thi Tiếng hát tân sinh viên (2014), giải nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC (2017), giấy chứng nhận sinh viên 5 tốt…
Nguồn Tuổi trẻ thủ đô,BA Tweet