Hà Nội: Nâng cao chất lượng công tác triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”
07:08 23/10/2018 666
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Chiều 23/10, trong khuôn khổ Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, các đại biểu đã tham gia diễn đàn “Nâng cao chất lượng công tác triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”.
Quang cảnh diễn đàn |
Trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, Hội Sinh viên Thành phố đã chỉ đạo, định hướng các cơ sở Hội chủ động nghiên cứu, đề ra phương thức bài bản, khoa học, nội dung phù hợp để triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” với tình hình thực tiễn và điều kiện của đơn vị.
Kết quả, đã có 72 sinh viên được tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, 839 sinh viên được tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Thành phố, 11.535 sinh viên được tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, 17 tập thể được tuyên dương “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, 46 tập thể được tuyên dương “Tập thể Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố”.
Tại diễn đàn, số các đại biểu đều thống nhất cho rằng, phong trào“Sinh viên 5 tốt” của tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường rèn luyện, phấn đấu công bằng trong sinh viên, góp phần hình thành và xây dựng các giá trị tiêu biểu của sinh viên Thủ đô thời đại mới, đáp ứng được nhu cầu, sở thích chính đáng của sinh viên.
Bên cạnh đó, Hội Sinh viên các cấp đã chủ động trong tổ chức các hoạt động tạo môi trường để sinh viên tham gia phong trào“Sinh viên 5 tốt”, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực. Hoạt động tư vấn, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên được quan tâm, có những bước phát triển rõ rệt.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, phong trào “Sinh viên 5 tốt” được triển khai chưa đồng đều tại các cơ sở Hội. Trong công tác tạo môi trường để sinh viên rèn luyện đạt tiêu chí “Sinh viên 5 tốt”, ở nhiều đơn vị còn tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, các hoạt động tạo môi trường để sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia tình nguyện chưa có sự đột phá, không tận dụng được tiềm năng, nguồn lực từ sinh viên; hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là lực lượng “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương chưa được các đơn vị cơ sở Hội quan tâm đầu tư triển khai.
Theo đại biểu Vũ Đình Hoàng – sinh viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Sinh viên 5 tốt” là phong trào có ý nghĩa rất tốt đối với sinh viên, tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong triển khai phong trào này. Thực tế hiện nay, công tác truyền thông về phong trào mới chỉ tập trung vào nội dung của bộ tiêu chí và đẩy mạnh vào thời điểm xét duyệt hồ sơ, chưa thực sự có sự đồng hành cùng sinh viên trên các mặt của bộ tiêu chí.
Đại biểu Vũ Đình Hoàng cũng cho rằng, hạn chế khiến sinh viên có tâm lý “ngại tiếp xúc” với phong trào là do chưa có những định hướng cụ thể để hỗ trợ cho sinh viên triển khai bộ tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt”, cần phải có giải pháp để xây dựng phong trào phát triển từ thực tế của cơ sở.
Nhấn mạnh về vai trò của cán bộ Hội sinh viên, Vũ Đình Hoàng chia sẻ: Phong trào “Sinh viên 5 tốt”thực ra tồn tại trong chính trong từng vấn đề nhỏ của cuộc sống. Người cán bộ hội phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên; phải thân thiết, gần gũi, gắn bó và kết nối những hội viên của mình. Bên cạnh đó, phải lồng ghép, phát huy những tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt” trong thực tế để sinh viên hiểu hơn về phong trào, giúp phá bỏ rào cản của sinh viên với phong trào. Phải biến “Sinh viên 5 tốt” trở thành một quá trình, là mong mỏi của mỗi sinh viên luôn khao khát phấn đấu đạt được chứ không chỉ là một doanh hiệu.
Đồng tình với đại biểu Vũ Đình Hoàng, đại biểu Bách - "Sinh viên 5 tốt" năm 2015: Cán bộ Hội phải là tấm gương “Sinh viên 5 tốt” đầu tiên, là những hạt nhân nòng cốt để triển khai phong trào, khuyến khích, thúc đẩy các sinh viên 3 tốt 4 tốt tiếp tục phấn đấu, vươn lên đạt đủ 5 tốt.
Đại biểu Bách cũng kiến nghị, đối với các hồ sơ sinh viên chưa đảm bảo đủ tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt”, Hội Sinh viên trường nên đồng hành, kịp thời phản hồi lại các tiêu chí mà sinh viên đã đạt được, còn thiếu những tiêu chí gì để các bạn kiểm tra lại, bổ sung hồ sơ, đảm bảo quyền lợi, tránh bỏ sót các sinh viên đủ tiêu chuẩn 5 tốt.
Về công tác phát huy“Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương, theo đại biểu Bùi Đức Thắng – sinh viên Đại học Dược Hà Nội nhận định, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, tuy nhiên công tác truyền thông lan toả phong trào hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Trên các kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội gần gũi hàng ngày với giới trẻ có quá nhiều thông tin tiêu cực mà chưa có nhiều thông tin về phong trào và các gương “Sinh viên 5 tốt”.
“Hình thức truyền thông còn mang tính khuôn mẫu, chưa sáng tạo để phù hợp với sở thích, thị hiếu của sinh viên, vì vậy khả năng lan toả phong trào trong cộng đồng còn yếu, các “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương cũng chưa có nhiều cơ hội được phát huy khả năng, thế mạnh của mình sau tuyên dương”. - Bùi Đức Thắng nói.
Đồng tình với đại biểu Bùi Đức Thắng, đại biểu Tạ Đăng Quang - Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Y Hà Nội nhận định, thực tế hiện nay, không phải nhiều nhà tuyển dụng đã từng là “Sinh viên 5 tốt”, cũng không phải ai cũng biết đến phong trào này, vì vậy việc truyền thông cho phong trào cần tiếp tục phát huy làm tốt hơn. Ngoài việc truyền thông về nội dung, ý nghĩa của phong trào và các tiêu chí để đạt “Sinh viên 5 tốt”.
Dịp này, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Y Hà Nội cũng đề xuất, trong công tác xét tuyển Thủ khoa các trường đại học, trong hồ sơ học bạ nên lồng ghép các tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt”, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sinh viên phấn đấu để đạt được tiêu chí, đồng thời giúp sinh viên hiểu rõ hơn về thực chất phong trào.
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận tại các diễn đàn “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên”; “Sinh viên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo” và “Phong trào tình nguyện của sinh viên Thủ đô trong thời đại mới”.
Phạm Linh Tweet