Giao lưu tiếp lửa truyền thống Sinh viên với khát vọng non sông
16:31 27/04/2024 4052
Hoạt động Hội, Đội ĐTN: Nằm trong Hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông”, chiều 26/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, 70 đại biểu hành trình đã được tham gia chương trình giao lưu tiếp lửa truyền thống “Sinh viên với khát vọng non sông”.
Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; đồng chí Hồ Hồng Nguyên - Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN; đặc biệt là các chiến sĩ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”: ông Phạm Đức Cư – Nguyên cán bộ thông tin tiểu đoàn 394, trung đoàn pháo cao xạ 367, đại đoàn 351; ông Bùi Kim Điều – Nguyên tiểu đội phó thông tin Đại đoàn 312; ông Phạm Bá Miều - Nguyên chiến sĩ trung đoàn 174, Đại đoàn 316.
Phát biểu mở đầu buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN ôn lại những ngày tháng lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2954. “Trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, bộ đội Việt Nam anh hùng đã vượt lên bao mưa bom, bão đạn và cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trên nóc hầm Đờ - Cát, vào giữa tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Ba tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang lên khắp mọi nơi, trở thành niềm tự hào và khát vọng tự do của loài người tiến bộ, là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”, đồng chí Nguyễn Minh Triết nói.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, hàng vạn tấm gương anh hùng tuổi trẻ mãi được lịch sử dân tộc vinh danh trong đó là anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, … và nhiều anh hùng trẻ tuổi khác.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, những nhân chứng lịch sử tham gia chương trình giao lưu ngày hôm nay là những người đã ngửi mùi đạn, nếm hơi bom, những “Chiến sĩ anh hùng, Đầu nung lửa sắt, Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, Máu trộn bùn non, Gan không núng, Chí không mòn!” để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Ban Thư ký T.Ư Hội SVVN hy vọng rằng, tất cả chúng ta, những người may mắn sinh ra và lớn lên khi đất nước ta hòa bình, độc lập, tự do được lắng nghe, chia sẻ với các chứng nhân lịch sử để có thể có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về sự hy sinh, sự quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, về cái giá rất đắt của độc lập, tự do. Từ đó, các bạn trẻ có thêm nhiều hiểu biết về lịch sử, thêm tự hào về truyền thống cách mạng và thêm tình yêu với quê hương, đất nước. Thế hệ trẻ ngày hôm nay, thể hệ trí thức làm nên tương lai của đất nước hãy xác định cho mình hành động cụ thể trong học tập, rèn luyện, cống hiến”, đồng chí Nguyễn Minh Triết nói.
Đồng chí Hồ Hồng Nguyên - Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN tặng hoa 3 nhân vật lịch sử đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại chương trình giao lưu
Tại chương trình giao lưu, 3 nhân vật lịch sử đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm: ông Phạm Đức Cư – Nguyên cán bộ thông tin tiểu đoàn 394, trung đoàn pháo cao xạ 367, đại đoàn 351; ông Bùi Kim Điều – Nguyên tiểu đội phó thông tin Đại đoàn 312; ông Phạm Bá Miều - Nguyên chiến sĩ trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đã mang đến các câu chuyện truyền cảm hứng về những tháng ngày lịch sử hào hùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Bác Phạm Đức Cư - Nguyên cán bộ thông tin tiểu đoàn 394, trung đoàn pháo cao xạ 367, đại đoàn 351 là một nhân chứng sống cho “Huyền thoại kéo pháo” ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Chia sẻ cảm xúc của mình khi nghe lại những giai điệu quen thuộc được thể hiện qua bài "Hò kéo pháo" và nhìn lại hình ảnh của những người lính kéo pháo cách đây 70 năm qua những thước phim vừa được phát, cụ Phạm Đức Cư kể lại và nhớ như in từng dấu mốc lịch sử về quá trình kéo pháo qua những dốc núi khó khăn gian khổ của các chiến sĩ Điện Biên.
Ông Cư nhắn nhủ bạn trẻ: "Các bạn trẻ phải thấu hiểu rằng tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của chúng ta lớn lao đến chừng nào, ý nghĩa chừng nào. Bởi khi đó đất nước ta nhỏ bé, dân ta còn ít và 95 % mù chữ… nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, để 56 ngày đêm chiến đấu và dành thắng lợi. Trong đó, đã xuất hiện người anh hùng Tô Vĩnh Diện, lấy thân mình chèn giá pháo…".
Không chỉ dừng lại ở kéo pháo, huyền thoại Điện Biên Phủ còn được viết nên bằng hàng chục ngàn dân công hỏa tuyến đã tải hàng ngàn tấn hàng từ dưới xuôi lên Điện Biên để phục vụ cho chiến dịch.
Trả lời câu hỏi của MC về những động lực nào đã giúp cho quân và dân ta làm nên kỳ tích đó, ông Bùi Kim Điều - Nguyên tiểu đội phó thông tin của Đại đoàn 312, là một trong những chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh mở màn trên đồi Him Lam đã kể về những khó khăn, gian khó và cả những sự hy sinh của quân và dân ta trong giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ nhớ từng con số, cái tên trong ký ức của mình.
Cụ Phạm Bá Miều, một chiến sĩ đào hầm ở Điện Biên Phủ đã kể về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Cụ Miều cho biết, việc đào hào, thắt chặt trận địa tấn công bao vây, triệt đường tiếp tế và tiếp viện của địch đã góp phần rất lớn vào chiến công của dân tộc ta và cũng đã giúp bảo toàn lực lượng của quân đội ta...
Bảo Anh Tweet