Đổi mới hoạt động của Đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lợi ích của thanh niên

17:23 26/09/2012     4793

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Hòa trong không khí của tuổi trẻ cả nước hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, sáng ngày 26/9 tại Hội trường Tỉnh ủy Bắc Kạn, 210 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 30.000 đoàn viên các dân tộc trong toàn tỉnh đã về dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012 – 2017. Đại hội được diễn ra trong 03 ngày 25,26 và 27/9.
Đại hội đã vinh dự được đón các đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn; đồng chí Hà Văn Khoát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn; cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các sở, ban, ngành ở tỉnh; các Tỉnh Đoàn bạn; cán bộ Đoàn các thời kỳ đã đến dự và động viên “ngày hội lớn” của tuổi trẻ tỉnh Bắc Kạn.

a
Tuổi trẻ Bắc Kạn tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Với khẩu hiệu “Tuổi trẻ Bắc Kạn xung kích, sáng tạo, chung tay xây dựng  nông thôn mới”, Đại hội lần này sẽ tập trung kiểm điểm, đánh giá  kết quả công tác Đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ 2007 – 2012, đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2017 nhằm phù hợp với ý chí và nguyện vọng của tuổi trẻ, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn, ĐVTN tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Xung kích sáng tạo quyết tâm làm giàu chính đáng

Là huyện miền núi, với cơ cấu kinh tế là nông, lâm nghiệp và dịch vụ, phương thức sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Huyện đoàn Chợ Đồn đã vận dụng, phối hợp chỉ đạo các cơ sở Đoàn đảm nhận, quản lý, dư nợ ủy thác đến nay được trên 20 tỷ đồng với 34 tổ tiết kiệm và vay vốn tăng 15 tỷ, 22 tổ tiết kiệm và vay vốn so với đầu nhiệm kỳ.

a
Các đại biểu nghiên cứu văn kiện Đại hội

Phối hợp tổ chức 51 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, 01 lớp khởi sự doanh nghiệp cho 380 ĐVTN. Qua đó, nhiều ĐVTN dám nghĩ, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ… Đến nay, toàn huyện đã có 21 mô hình, trong đó 04 doanh nghiệp xây dựng, 03 trang trại chăn nuôi kết hợp, 05 mô hình trồng cây ăn quả (quýt, hồng không hạt), 02 mô hình trồng, sản xuất chế biến chè Shan tuyết, 06 mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, 01 CLB thanh niên phát triển kinh tế của BCH Đoàn xã Bình Trung.

Nhiều mô hình đã cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, điển hình như mô hình của Triệu Văn Thạch, Phó Bí thư Đoàn xã Rã Bản với 1,5 ha cây quýt, 500 gà thả đồi, mỗi năm cho thu nhập từ 60 triệu đồng; mô hình trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Shan tuyết của Nguyễn Xuân Hà cho thu nhập từ 80 triệu đồng/năm, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Chu Văn Phúc xã Đông viên thu nhập trên 70 triệu đồng/năm...

Là một đoàn viên sau khi tốt nghiệp Trung cấp Chăn nuôi – Thú y,
a
Bùi Văn Thiều quyết định trở về quê hương xã Chu Hương, huyện Ba Bể để thực hiện ước mơ phát triển kinh tế trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, quyết tâm phấn đấu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với phương châm từng bước mở rộng mô hình, đầu tiên là nuôi gà thịt, sau khi mở rộng trang trại, Thiều đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gà thịt, vịt, cá kết hợp với phát triển trồng rừng. Với kiến thức đã được học và một số kinh nghiệm tích luỹ được, Thiều đã lựa chọn con giống có năng xuất cao để đưa vào sản xuất như: lợn siêu nạc, gà mía, cá rô phi đơn tính, ngan pháp, vịt cỏ, nuôi Giun quế … mạnh dạn mở thêm một cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để thuận tiện cho việc chăn nuôi của trang trại và phục vụ cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong xã. Đến nay trang trại chăn nuôi của Thiều có tổng thu trên 180 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Qua phát động phong trào xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mô hình tiêu biểu từ sự nỗ lực của tổ chức Đoàn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được khẳng định.

Theo báo cáo tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012 – 2017, toàn tỉnh có 180 mô hình kinh tế thanh niên cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có 67 mô hình cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Đoàn TN cũng đã nhận ủy thác qua Ngân hàng CSXH quản lý 217 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 135,233 tỷ đồng cho 5.726 hộ vay, tăng 122,223 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ (tính đến ngày 30/6/2012) và được Trung ương Đoàn ủy quyền quản lý gần 1,6 tỷ đồng vốn 120 để triển khai 41 dự án, tạo việc làm cho 148 ĐVTN góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng của thanh niên nông thôn. Đây là điều kiện, là cơ hội tốt để ĐVTN tỉnh Bắc Kạn vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên chính quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Hiện Bắc Kạn hiện có 89.483 thanh niên, chiếm 30% dân số và 41,02% tổng số lao động của địa phương, trong đó thanh niên nông thôn chiếm trên 70%.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Đoàn

a
Đ/c Nguyễn Mạnh Dũng trao tặng bức trướng của BCH Trung ương Đoàn với dòng chữ: “Tuổi trẻ Bắc Kạn đoàn kết, sáng tạo, xung kích tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu với Đại hội, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lợi ích của thanh niên. Các  hoạt động, các phong trào của Đoàn phải xuất phát từ thanh niên, của thanh niên, vì thanh niên và gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh.

Đồng chí mong muốn các cấp bộ Đoàn tỉnh Bắc Kạn cần cụ thể hóa các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, lựa chọn những nội dung phù hợp với thanh niên và tổ chức Đoàn, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dịp này, đồng chí Hà Văn Khoát  thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh đã trao tặng bức trướng với dòng chữ: “Phát huy truyền thống cách mạng, tuổi trẻ Bắc Kạn xung kích, sáng tạo, chung tay xây dựng nông thôn mới”.


Một số chỉ tiêu cơ bản trong nhiệm kỳ 2012 - 2017:
+  Trồng 10.000 ha rừng, sản xuất 10.000.000 cây giống phục vụ trồng rừng.

+ Phấn đấu mỗi Đoàn cấp xã hỗ trợ xây dựng mới ít nhất 03 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập 80 triệu đồng/năm trở lên.

+ Tăng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH do Đoàn thanh niên quản lý thêm 25%. 100% xã, phường, thị trấn có tổ tiết kiệm và vay vốn.

+ Phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 7.500 ĐVTN, giới thiệu giải quyết việc làm cho 15.000 ĐVTN.

+ Hàng năm, mỗi Đoàn cơ sở có ít nhất 01 công trình; mỗi chi đoàn có ít nhất 01 phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.