Đồ án "làng nổi ở Trường Sa" đoạt giải Loa thành
08:05 21/12/2015 1411
Hoạt động Hội, Đội Đồ án tốt nghiệp "Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa" của bạn Nguyễn Phạm Sơn Tùng (sinh năm 1992) đoạt giải Nhì giải thưởng Loa thành lần thứ 27.
Tình yêu biển đảo được thể hiện trong đồ án làng nổi ở Trường Sa
Năm nay, giải thưởng Loa thành nhận được hồ sơ dự giải của 76 đồ án thuộc khối chuyên ngành Kiến trúc và Quy hoạch, 97 đồ án thuộc khối Kỹ thuật công trình và Kinh tế, trong đó Hội đồng chuyên ngành Xây dựng và Kinh tế đã có đến 48 đồ án, Hội đồng có đồ án tham gia ít nhất là Hội đồng Công trình Giao thông với 5 đồ án.
Nổi bật trong số những đồ án của sinh viên đoạt giải Loa thành năm nay là đồ án tốt nghiệp "Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa" của bạn Nguyễn Phạm Sơn Tùng (sinh năm 1992). Đồ án của Sơn Tùng xuất phát từ tình yêu biển đảo quê hương và khát khao tại ra một sản phẩm sáng tạo đột phá.
Mô hình làng nổi trên đảo chìm của Sơn Tùng là những mô-đun liên kết theo dạng tổ ong, có khả năng nổi trên nước và chịu được giông bão ở mức độ nhất định. Mô hình làng nổi được thiết kế chi tiết cả trường học, trạm y tế, vườn rau... Bằng cách ứng dụng công nghệ, làng nổi còn có thể tự cung năng lượng điện, nguồn nước ngọt...
Tự nhận thấy đồ án của mình là một mô hình mới, đòi hỏi phải đầu tư thêm nhiều thời gian nghiên cứu và phối kết hợp với các đơn vị để có thể ứng dụng vào thực tế, Sơn Tùng cho biết rằng em đang tiếp tục học lên cao học để tiếp tục theo đuổi, hoàn thiện đồ án này trong tương lai.
Với nỗ lực sáng tạo của mình, Nguyễn Phạm Sơn Tùng đã đoạt giải Nhì giải thưởng Loa thành lần thứ 27.
77 đồ án xây dựng - kiến trúc của sinh viên được trao giải
Bên cạnh đồ án của Sơn Tùng, Giải thưởng Loa Thành năm nay được trao cho 48 giải chính thức bao gồm 4 giải Nhất, 22 giải Nhì, 22 giải Ba và không có giải đặc biệt. Ngoài các giải chính thức, để động viên tham gia cuộc thi, giải thưởng Loa Thành cũng trao giấy khen cho các sinh viên có các đồ án tuy chưa đạt hết các tiêu chí cuộc thi nhưng đã thể hiện sự cố gắng đáng ghi nhận trong các lĩnh vực như: đồ án có ý tưởng sáng tạo; đề tài độc đáo và mới lạ; đồ án có ứng dụng khoa học và công nghệ mới; đồ án hướng tới cộng đồng và đồ án có xu hướng công trình bền vững, công trình xanh.
Ban tổ chức giải Loa thành nhận xét rằng các đề tài dự thi năm nay đa dạng hơn nhưng phân bố không đều. Các đề tài về công trình công cộng vẫn chiếm đa số, trong khi các đề tài thiết thực, sát với nhu cầu xã hội đương đại còn chưa nhiều.
Bên cạnh đó, các trường vẫn khuyến khích sinh viên chọn nội dung đồ án quá hoành tráng, khối lượng quá lớn dẫn đến việc sinh viên không đủ thời gian và kiến thức để hoàn thành. Các trường chưa khuyến khích sinh viên chọn các công trình bền vững, công trình xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy đã có một số đồ án thể hiện sinh viên đã có phương pháp nghiên cứu, phân tích khoa học, trình bày bài bản nhưng trong đó lại có một số quá sa đà vào chuyên đề nghiên cứu, bỏ qua tiêu chí về yêu cầu đào tạo của các chuyên ngành. Các đồ án được giải cao, xứng đáng là đại diện cho các trường đào tạo có chất lượng thuộc khối xây dựng và kiến trúc trong toàn quốc.
Giải thưởng Loa Thành là một hoạt động thường niên được tổ chức trong 27 năm liên tục và là một hoạt động mang tính phong trào, triển khai rộng trong phạm vi toàn quốc. Giải thưởng Loa Thành tổ chức thi tuyển hàng năm và trao cho các đề án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về xây dựng và kiến trúc, nhằm mục đích động viên khuyến khích sinh viên học tập và say mê nghề nghiệp, khích lệ tìm tòi sáng tạo, qua đó phát hiện các tài năng trẻ.
Tính đến năm 2015 đã có 23 trường tham gia Giải thưởng Loa Thành với 2369 đồ án dự thi. Ban tổ chức đã trao 151 giải Nhất, 330 giải Nhì và 415 giải Ba. Giải thưởng đã được duy trì trong nhiều năm và ngày càng được mở rộng, thu hút hàng ngàn sinh viên nhiều thế hệ tham dự.
Phần lớn trong số các sinh viên đoạt giải đã phát huy được thế mạnh nghiên cứu khoa học của mình, tiếp tục học tập và nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước. Hầu hết các sinh viên này đã và đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Không ít các bạn đã được nhận học hàm PGS, đang đảm nhiệm các vai trò chủ chốt trong các công trình khoa học và công nghệ, đang dần trở thành các nhà khoa học, sư phạm đầu đàn, dần thay thế các thế hệ thầy cô giáo của mình trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.
Tweet