Đại hội Đoàn điểm tại Bến Tre, Đà Nẵng: Từ phiếu bầu tới hành động
18:29 10/08/2012 4158
Hoạt động Hội, Đội Ngày 9/8, Đại hội (ĐH) Đoàn điểm cấp tỉnh tại Bến Tre đã bầu trực tiếp Bí thư tại ĐH; trong khi tại Đà Nẵng bước vào phiên thảo luận nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn, phong trào thanh niên.
Đại biểu bầu trực tiếp Bí thư tại ĐH ở Bến Tre. |
Bến Tre: Sáng tạo, đột phá
Chào mừng ĐH Đoàn, tuổi trẻ Bến Tre đã khởi công xây dựng Trung tâm hoạt động TTN, khánh thành 25 khu vui chơi giải trí, 5 nhà tình nghĩa... Quỹ tài năng trẻ Trần Văn Ơn cũng được lập ra để hỗ trợ cho khát vọng thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Hơn 270 đại biểu (ĐB) đại diện cho tuổi trẻ toàn tỉnh trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn thủ lĩnh nhiệm kỳ tới với nhiều kỳ vọng. Chị Đỗ Thị Thu Thảo, SN 1975, được Đại hội tín nhiệm bầu lại làm Bí thư tỉnh Đoàn với số phiếu tín nhiệm 95,43%.
“Bí thư được bầu trực tiếp là người nhận được sự tin tưởng nhất của ĐH. Vì vậy, những chương trình, hoạt động sau này sẽ có được sự hưởng ứng của đông đảo, nhiệt thành hơn trong lực lượng thanh niên”, ĐB Trần Thị Thúy, Bí thư huyện Đoàn Mỏ Cày Nam chia sẻ.
ĐB Lê Thị Hoàng Oanh, Bí thư huyện Đoàn Chợ Lách nói: “Việc bầu trực tiếp Bí thư khiến đại biểu thêm tin tưởng rằng người được lựa chọn là người xứng đáng nhất”. Cao Minh Điền, Bí thư huyện Đoàn Thạnh Phú, cho rằng, ở ĐH lần này, tính dân chủ được đặt lên hàng đầu, uy tín của người được bầu thể hiện qua sự đồng tâm của hầu hết ĐH. “Mong rằng nhiệm kỳ mới sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ, có nhiều hoạt động sáng tạo, đột phá hơn, đặc biệt trong giải pháp tập hợp thanh niên vốn rất khó khăn”, ĐB Điền nói.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 300.000 thanh niên từ 15 đến 30 tuổi, nhưng chỉ có hơn một nửa có mặt ở địa phương. Trong số ở lại này, phần lớn là thanh niên yếu thế, học vấn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, một bộ phận lười lao động, thiếu kiến thức, vốn và kinh nghiệm sản xuất… đặt ra cho Đoàn những nhiệm vụ hết sức chông gai.
Trên thực tế, tổ chức Đoàn trên quê hương Đồng Khởi đã làm được nhiều việc cụ thể: Trình độ học vấn của thanh niên tiếp tục tăng lên, đội ngũ cán bộ Đoàn được trẻ hóa, hằng năm tổ chức phối hợp tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm và vận động xuất khẩu lao động cho 15.000 thanh niên, dạy nghề cho 5.000 thanh niên, xây dựng 200 mô hình “Trang trại trẻ”, “Tổ hợp tác”, “Tổ liên kết trong thanh niên”...
Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng công tác Đoàn
Một buổi sinh hoạt của tuổi trẻ Đà Nẵng. |
300 ĐB đại diện cho 300 nghìn ĐVTN Đà Nẵng chia làm 4 tổ để thảo luận các vấn đề đang được quan tâm.
Về đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn, ĐB Đinh Thị Hạnh nhấn mạnh rằng cần phát huy tinh thần học tập không ngừng; học tính tiết kiệm và tình thương yêu con người của Bác, tinh thần, trách nhiệm kỷ luật trong công việc.
Anh Phan Công Bằng, ĐB quận Đoàn Liên Chiểu, chia sẻ thành công trong hoạt động viết Nhật ký ĐVTN làm theo lời Bác và phát hành sách Thanh niên với Bác Hồ. Thanh niên trong thời đại mới cần biết tiếp cận, nắm bắt cơ hội, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm thông qua từng hành động, việc làm cụ thể.
Nhiều ĐB quan tâm đến cơ chế ưu đãi cho cán bộ Đoàn. ĐB Đoàn trường CĐ Y tế Đà Nẵng cho rằng cơ chế hiện tại chỉ đủ chi trả tiền điện thoại, chứ chưa nói đến tiền xăng xe.
“Điều kiện thực tiễn đặt ra vấn đề cần sự liên kết giữa Đoàn với các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là doanh nghiệp. Việc sinh viên ra trường giỏi kỹ năng, có chuyên môn, song việc có nhận thức và hành động vì cộng đồng cũng vô cùng quan trọng”, anh Nguyễn Bá Cảnh, Phó Bí thư thành Đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh.
Anh Huỳnh Ngọc Thời, Bí thư Đoàn trường CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng, cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa thể huy động hết hơn 1.000 ĐVTN của trường tham gia hoạt động Đoàn là do các bạn chưa nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình.
Vì thế, với những SV năng nổ tham gia công tác Đoàn cần được ưu tiên trong các tiêu chí bình xét.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (Đại biểu trường CĐ Thương mại Đà Nẵng) nhận diện khó khăn thách thức đối với vấn đề cán bộ trẻ thường đi cùng với việc thiếu kinh nghiệm, ít nắm bắt tình hình thực tế, do đó trong công tác Đoàn chưa sâu sát.
Chị Ngọc Diễm kiến nghị: cần xây dựng, quy hoạch, đào tạo những nhân tố mới, là sinh viên, trí thức trẻ làm Bí thư Đoàn. Việc hình thành và phát triển các mô hình CLB, đội nhóm được cho là rất cần thiết, tạo điều kiện tốt để cho từng nhóm cùng chung sở thích, sở trường hội tụ và cống hiến tốt nhất cho xã hội.
ĐB huyện Đoàn Hòa Vang trăn trở: Vấn đề thanh niên thất nghiệp ngày một cao, trong khi không ít người thất nghiệp hoặc chưa có việc làm mới đảm nhận và tham gia công tác Đoàn. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng hoạt động.
Phải nắm bắt nhu cầu của thanh niên
Đến dự và chỉ đạo ĐH, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi đánh giá cao kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ qua với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực.
Anh Mãi cũng nhấn mạnh rằng thực tế hiện nay đòi hỏi cán bộ Đoàn phải năng động, nắm bắt nhu cầu của thanh niên nhằm phát huy cao nhất sự tham gia đóng góp của ĐVTN, tạo điều kiện để người trẻ phát triển toàn diện, có động lực và mục tiêu phấn đấu đúng đắn, trở thành những thanh niên Bến Tre vừa hồng vừa chuyên.
“Các cấp bộ Đoàn phải chủ động đề xuất với chính quyền, mạnh dạn nhận lãnh những công trình phần việc phù hợp. Nhiệm kỳ này, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cần cụ thể hóa hơn nữa việc đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên về việc làm, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh, nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ, vui chơi thể thao, đặc biệt là hình thành kỹ năng xã hội”, anh Mãi nói.
Tweet