Cán bộ Đoàn khối trường THPT góp ý cho văn kiện Đại hội Đoàn XI

15:32 16/05/2017     2983

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Sáng 16/5, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến chuẩn bị Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI trong khối trường Trung học phổ thông (THPT) khu vực miền Bắc.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN; đồng chí Nguyễn Minh Triết - Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội SVVN.
Đồng chí Lê Quốc Phong -  - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN phát biểu tại Hội nghị


Tại hội nghị, các đại biểu là trợ lý thanh niên, Bí thư đoàn trường, lãnh đạo Ban Thanh thiếu nhi trường học các tỉnh, thành khu vực miền Bắc với bề dày kinh nghiệm hoạt động và xuất phát từ thực tiễn cơ sở đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung như: đánh giá việc triển khai phong trào "Khi tôi 18", đặc biệt là những cách làm hay cùng những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai phong trào; nguyện vọng, mong muốn của học sinh THPT đối với tổ chức Đoàn; giải pháp nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học trong khối THPT...

Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh

Là cán bộ đoàn trường học gắn bó với phong trào "Khi tôi 18" từ những ngày đầu triển khai, chị Trần Thị Ninh - Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An, Hải Phòng) chia sẻ, từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, thậm chí nhiều em bật cười khi nghe tên phong trào, giờ đây "Khi tôi 18" đã phủ sóng toàn bộ học sinh của trường. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu tính lắng nghe đối với phong trào. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu, sở thích của các em, đặc biệt lắng nghe tiếng nói của các em. "Cán bộ Đoàn phải như người bạn của các em, để nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em, để được các em chia sẻ mọi điều", chị Ninh nói.

Cũng theo chị Ninh, hiện tại, học sinh đang bị nghe quá nhiều. Ở trường nghe thầy cô giáo, về nhà nghe bố mẹ, tham gia sinh hoạt Đoàn nghe các bài tuyên truyền. Vì thế, giờ đây, tổ chức Đoàn phải thay đổi cách thức, chúng ta không nói nhiều nữa mà phải làm, phải đưa các em vào hoạt động thực tế.

Chị Vũ Lan Phương - Bí thư đoàn trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, đa số các thầy cô giáo và phụ huynh không được các em chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình, nhưng nhiều suy nghĩ, tâm sự và những vấn đề khúc mắc lại được các em chia sẻ trên mạng xã hội. Vì thế, để gần gũi và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em, chúng ta cũng phải thay đổi cách tiếp cận. Cán bộ phụ trách công tác thanh niên cần coi mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu để làm bạn với các em học sinh.
Chị Trần Thị Tuyến - Cố vấn Đoàn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ về kết quả triển khai phong trào "Khi tôi 18" tại trường THPT Chu Văn An
Chị Trần Thị Tuyến - Cố vấn Đoàn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ về kết quả triển khai phong trào "Khi tôi 18" tại trường THPT Chu Văn An


Là một trong những ngôi trường triển khai phong trào "Khi tôi 18" đạt kết quả cao, chị Đoàn Thùy Hương - Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Văn Thụ (Uông Bí, Quảng Ninh) cho rằng, để phong trào thực sự gần gũi và hiệu quả, Đoàn trường đã tạo sự chủ động cho các Chi đoàn và các đoàn viên tự lên ý tưởng, trực tiếp tham gia lập kế hoạch, tổ chức và tham gia hoạt động. Đoàn trường chỉ tham gia định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ cho các em. Làm như thế, hoạt động mới mới thực sự gần gũi, hấp dẫn với học sinh và mỗi học sinh đều cảm thấy đó là hoạt động của mình.

Còn theo chị Trần Thị Tuyến - Cố vấn Đoàn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của các em học sinh, Đoàn trường đã thành lập 14 mô hình câu lạc bộ tại trường. Các câu lạc bộ này đã thu hút đông đảo học sinh tham gia và là cơ sở để triển khai hiệu quả các hoạt động của Đoàn trường.

Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp và giáo dục kỹ năng sống

Tại hội nghị, vấn đề tư vấn hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh THPT cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Chị Đoàn Thùy Hương - Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Văn Thụ (Uông Bí, Quảng Ninh) thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông mới chú trọng đến số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng. Dù số lượng các buổi tư vấn hướng nghiệp nhiều, các em nhận được nhiều tờ rơi giới thiệu của các trường, nhưng lại bị rối với rất nhiều thông tin như thế. Có những buổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức vào dịp gần cuối năm học lớp 12 khi các em đã hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi các trường ĐH, CĐ, trong khi hoạt động tư vấn hướng nghiệp phải được làm thường xuyên và bắt đầu ngay từ khi các em bước chân vào lớp 10.
Bí thư đoàn trường đến từ TP Thái Nguyên góp ý tại Hội nghị
Bí thư đoàn trường đến từ TP Thái Nguyên góp ý tại Hội nghị


Theo anh Nguyễn Đức Trọng - Cố vấn đoàn trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), việc tổ chức tư vấn hướng nghiệp thì không khó, nhưng cái khó là tổ chức có chất lượng. Hiện nay, thông tin tư vấn hướng nghiệp rất nhiều, nhưng lại cán bộ Đoàn lại không thể nắm bắt đâu là thông tin chính xác. Anh Trọng đề xuất Trung ương Đoàn cần phối hợp để xây dựng cẩm nang hoặc trang web chính thống cập nhật đầy đủ thông tin về tư vấn hướng nghiệp, kết nối với các đơn vị tư vấn hướng nghiệp tin cậy.

Từ kinh nghiệm của trường Chu Văn An, chị Trần Thị Tuyến - Cố vấn Đoàn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần có cách tiếp cận mới và cách làm mới. Thay vì tổ chức hoạt động tư vấn cho toàn bộ học sinh, thì nên chia nhỏ mục tiêu, chia nhỏ đối tượng học sinh để tư vấn. Thay vì ngồi nghe tư vấn chung chung thì đoàn trường có thể phối hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức cho các em tới thăm quan, tìm hiểu về ngôi trường mà các em mong muốn theo học. Bên cạnh đó, việc mời những cựu học sinh thành công trong nghề nghiệp hoặc đang theo học tại các trường ĐH, CĐ tham gia tư vấn hướng nghiệp cũng rất bổ ích với các em.

Băn khoăn về việc thiếu kỹ năng sống của học sinh hiện nay, anh Nguyễn Trọng Tấn - Bí thư Đoàn trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) đề xuất cần coi trọng việc giáo dục kỹ năng sống như việc dạy chữ cho học sinh. Hiện nay, nhiều em thiếu cả những kỹ năng sống cơ bản nhất như: cách đi đứng, chào hỏi, giới thiệu về bản thân, cách ăn mặc, đối nhân xử thế... Đây là một vấn đề tổ chức Đoàn cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới nhằm trang bị hành trang cho các em trước khi bước vào lứa tuổi trưởng thành.

Cùng quan điểm, chị Lưu Thị Phương Loan - Bí thư Đoàn trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho rằng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nội dung cần được quan tâm hơn trong Phong trào "Khi tôi 18". Việc giáo dục kỹ năng sống rất cần những cách làm mới, sáng tạo, vì thế, Trung ương Đoàn nên tổ chức làm điểm để có những mô hình hay nhân rộng ra cả nước.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết - Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội SVVN tổng kết và tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Minh Triết - Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội SVVN tổng hợp những ý kiến đóng góp tại Hội nghị


Phát biểu kết luận hội nghị, anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội nghị đã cung cấp nhiều thông tin về triển khai phong trào "Khi tôi 18" nói riêng và phong trào thanh niên nói chung trong các trường THPT. Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Đối với phong trào "Khi tôi 18", nhiều trường đã triển khai hiệu quả với những cách làm hay, mô hình mới, tuy nhiên cũng có một số trường còn lúng túng, thiếu nguồn lực để triển khai. Đây là những vấn đề Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ lưu tâm để chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn và các quận, huyện Đoàn có kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ cho các đoàn trường THPT để triển khai hiệu quả phong trào này.