Các bạn trẻ nghĩ lớn, hoài bão lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ

09:47 09/12/2018     2092

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều 11/12, tại phiên làm việc thứ 5 của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Đại hội về những vấn đề liên quan đến sinh viên, công tác Hội và phong trào sinh viên hiện nay.

 

Quang cảnh đối thoại

 

Tham dự Chương trình gặp gỡ và đối thoại hôm nay xin trân trọng giới thiệu và nhiệt liệt chào mừng:

- Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

- Đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

- Đồng chí Lê Quang Tùng, Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

- Đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

- Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Đồng chí Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

- Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

- Đồng chí Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài Chính    

- Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Cùng tham dự chương trình gặp gỡ và đối thoại, trân trọng giới thiệu có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, các Bộ, ngành và các ban, đơn vị của Trung ương Đoàn, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Hà Nội. Đặc biệt là sự hiện diện của 690 đại biểu sinh viên ưu tú đại diện cho hơn 2,2 triệu sinh viên cả nước về tham dự Đại hội.

 

PHẦN I - LÃNH ĐẠO CÁC BỘ NGÀNH ĐỐI THOẠI VỚI ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI X HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM

 

Các đại biểu bắt đầu đặt câu hỏi với lãnh đạo các Bộ, ngành.

 

Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

 

Đại biểu đến từ TP.HCM đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo về việc học tập các môn chính trị đại cương còn khô khan và sinh viên thường hay sợ sệt, học tủ, học lệch để qua môn. Khi xảy ra vấn đề chính trị chưa thể hiện được bản lĩnh và các quan điểm đúng đắn. Mong Bộ trưởng chia sẻ, tham mưu cho Chính phủ để có biện pháp khắc phục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ môn chính trị thường khô khan, khó tiếp thu. Trong thực tế, để góp phần truyền thụ các môn này, Bộ đã nhận thấy đây là 1 trong những vấn đề cần đổi mới nên tham mưu cho Chính phủ đổi mới về nội dung, tổng kết các vấn đề từ thực tiễn. “Bộ cùng với các đơn vị chức năng đang đổi mới phương pháp, từ năm học tới đây sẽ thí điểm và sau đó áp dụng ra cả nước”.

*Đại biểu Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học luật TP.HCM gửi đến Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo câu hỏi về mạng xã hội: Hiện nay, mạng xã hội có tác động trực tiếp rất lớn đến sinh viên. Các thế lực phản động thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Nhà nước ta bằng mọi thủ đoạn, khiến một bộ phận sinh viên bị lôi kéo, giảm sút niềm tin vào Đảng và Nhà nước, thậm chí có những hành động thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông: Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa 14 thông qua, lộ trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để có hành lang pháp lý cần thiết để xử lý các vi phạm như thế nào? Có quyết liệt sớm ban hành không?

Đồng thời, khi luật được ban hành, việc quản lý, kiểm duyệt thông tin trên mạng internet và quyết liệt trong xử lý những thông tin xấu, thông tin xuyên tạc có tác động không tốt tới thanh thiếu niên và xã hội cũng là nội dung cháu và các bạn khá băn khoăn. Xin lãnh đạo chia sẻ thêm về việc này? Em xin cám ơn.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo trả lời:

Luật An ninh mạng là vấn đề rất nóng, nhận được sự quan tâm của toàn thể xã hội, đặc biệt là giới trẻ - những người sử dụng rất nhiều mạng xã hội có sự lo lắng chính đáng là làm sao để môi trường mạng, cụ thể là mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực nhất đối với sự phát triển đất nước. Hiện nay, có những thế lực xấu cả trong và ngoài nước lợi dụng không gian mở của mạng xã hội để có hoạt động thù địch, chống phá, cản trở sự phát triển của đất nước.

Sau khi Luật An ninh mạng được thông qua thì hiện này Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng các Nghị định hướng dẫn. Các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và truyền thông đang phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện Nghị định. Tuy nhiên, Luật An ninh mạng đặt ra những vấn đề quản lý rất mới đối với đất nước, làm sao xây dựng các quy định cân bằng giữa nhu cầu và quản lý một cách phù hợp để tạo ra một không gian mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy và tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, vấn đề này cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm trong nước, ngoài nước. Nghị định đang trong quá trình hoàn thiện nên chúng ta cần tin tưởng Nghị định sẽ sớm được ban hành. Tất nhiên, sau khi Luật có hiệu lực, sẽ có thêm khung pháp lý chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với những đối tượng vi phạm ở nước ngoài. 

Hiện nay, Luật An ninh mạng chưa chính thức có hiệu lực nhưng Bộ Thông tin truyền thông dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để yêu cầu họ hợp tác ngăn chặn, xoá bỏ, dỡ bở các thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Ví dụ như Google đang có sự hợp tác rất tốt với Việt Nam, tính đến nay với gần 5.000 video clip xấu, độc được yêu cầu dỡ bỏ, thì Google đã gỡ khoảng 4.500 clip (khoảng 90%). Và hiện nay Google cũng nhất trí với Việt Nam gỡ bỏ tất cả những tên gọi chuyên đưa các nội dung xấu, độc...Mới đây, Phó Chủ tịch Facebook có cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, thiết lập kênh thông tin để hợp tác...

Tuy nhiên, chính thanh niên chúng ta phải biết phân biệt những tin xấu, tin tốt trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần có vai trò của gia đình, nhà trường và Đoàn Thanh niên trong định hướng, giáo dục thanh thiếu niên trong tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.

* Đại biểu Nguyễn Đức Hoàng Chính - Sinh viên Đại học Đà Nẵng hỏi: 

Kính thưa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam! kính thưa các đồng chí lãnh đạo Bộ, tôi nhận thấy hiện nay chưa phải tất cả các bạn sinh viên đều có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, với cộng đồng. Tôi nghĩ để tăng cường trách nhiệm của sinh viên với Tổ quốc, với cộng đồng Chính phủ cần nghiên cứu, quy định chính sách bắt buộc đối với sinh viên trong việc tham gia các hoạt động xã hội (quy định số ngày cộng đồng trong thời gian học tập chẳng hạn). Thậm chí, có thể nghiên cứu quy định chế tài xử lý bằng hình thức lao động xã hội.

Tôi đề xuất lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Tôi xin cảm ơn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân trả lời: 

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn! Thực ra các bạn sinh viên ra trường hiện nay đều mong muốn có việc làm, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vậy vấn đề đặt ra cho các bạn sinh viên là học tập, rèn luyện, có ích với cộng đồng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chính là bài toán phát truyển nguồn lực cho từng cá nhân, đó cũng chính là nhiệm vụ không chỉ nghành Lao động xã hội, ngành giáo dục. Kể cả các trường Đại học, trung cấp chúng ta luôn coi trong việc xét điểm rèn luyện, các bạn sinh viên chúng ta mỗi một đời sinh viên khi tốt nghiệp thì đấy là điều nên cần.

Chúng ta đã đánh giá và tôn vinh rất nhiều tấm gương trong phong trào sinh viên 5 tốt, 3 rèn luyện... Quan điểm của chúng tôi là nếu chúng ta đưa điều đó vào bắt buộc với mỗi công dân thì chúng ta đã có đầy đủ hệ thống từ hiến pháp cho đến hệ thống pháp luật để mỗi một người công dân hay sinh viên tuân thủ hệ thống pháp luật.

Còn chúng tôi cũng mong muốn, bên cạnh các hoạt động như bạn đề nghị thì cũng là hoạt động rất ý nghĩa. Mỗi một người sinh viên chúng ta nên coi trọng việc chúng ta rèn luyện trở thành người có ích ngay từ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, đó chính là công cụ và cách thức phát triển bản thân và nhanh chóng hội nhập với xã hội, với thị trường lao động, chứ không phải là đến lúc chúng ta tốt nghiệp ra trường.

Trên tất các các quốc gia khác nhau thì áp lực đầu tiên khi các bạn sinh viên tốt nghiệp là có động lực tốt để làm việc. Tôi còn nhớ khi tôi mới bước chân vào trường thì áp lực đầu tiên là không phải học những môn gì mà là làm sao xin được chỗ thực tập tốt, làm sao để tham gia được vào các hoạt động đoàn thể, các câu lạc bộ, trang bị cho bản thân các hành trang tốt nhất sau này.

* Đại biểu Nguyễn Đức Hồng Tín (Hội Sinh viên TP Đà Nẵng) đặt vấn đề với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân : Hiện nay chưa phải tất cả các bạn sinh viên đều có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, với cộng đồng. Để tăng cường trách nhiệm của sinh viên với Tổ quốc, với cộng đồng, Chính phủ cần nghiên cứu, quy định chính sách bắt buộc đối với sinh viên trong việc tham gia các hoạt động xã hội (quy định số ngày cộng dồn trong thời gian học tập chẳng hạn. Thậm chí,có thể nghiên cứu quy định chế tài xử lý bằng hình thức lao động xã hội. Mong lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Xin cảm ơn!

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân (bên trái)

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân trả lời:

Sinh viên trăn trở đầu tiên là đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, để có việc làm. Chúng ta luôn coi trọng xét điểm rèn luyện khi tốt nghiệp, đấy là điều kiện cần đánh giá, tôn vinh. Trung ương Đoàn đưa nhiều tấm gương Sinh viên 5 tốt, nhiều danh hiệu khác... chúng tôi cũng mong muốn mỗi một sinh viên coi việc rèn luyện trở thành người có ích phải ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đó là cách phát triển năng lực bản thân, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

"Ở nhiều quốc gia, sinh viên vào trường đối mặt với áp lực đầu tiên để có việc làm. Ngày xưa chúng tôi vào đại học, vấn đề đầu tiên là làm sao để tham gia được các tổ chức Đoàn, Hội và các hoạt động đoàn thể. Đó là cách rèn luyện và phát triển năng lực bản thân", thứ trưởng Lê Quân nói.

 

Đại biểu Hứa Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội

 

*Đại biểu Hứa Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, đặt câu hỏi cho rằng: Hiện nay phong trào nghiên cứu khoa học phát triển rất mạnh mẽ trong sinh viên và các giảng viên trẻ. Có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công phu và có tính thực tiễn cao được nghiên cứu. Tuy nhiên, phần lớn đề tài có mục đích chủ yếu là tham dự các cuộc thi về NCKH, sau đó thì dừng lại. Điều này dẫn đến lãng phí rất nhiều chất xám và nguồn lực của các bạn sinh viên và giảng viên. Vì vậy, câu hỏi làm thế nào để có thể ứng dụng những đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đang là một bài toán lớn được đặt ra?

Bạn Hứa Thanh Hoa đồng thời đề xuất Lãnh đạo Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Giáo dục - Đào tạo quan tâm một số nội dung giải pháp sau:

+ Thứ nhất, cần có một đơn vị đứng ra thực hiện vai trò kết nối các đề tài nghiên cứu của sinh viên, giảng viên trẻ với những doanh nghiệp để họ có thể cấp kinh phí và ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

+ Thứ hai, xây dựng chiến lược và đặt hàng các công trình nghiên cứu theo các nhu cầu của xã hội.

+ Thứ ba, tăng tỉ lệ sinh viên là chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp trường trở lên vì hiện nay đa số là tham gia cùng giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời:

Nghiên cứu khoa học được đề cao, quyết định thứ hạng của trường Đại học, nhưng tại sao công tác nghiên cứu nói chung đã có tiến bộ mà còn gian nan? Trường đại học đang đột phá trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Nhạ, Thủ tướng đã có quyết định hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó có nhiều nội dung khuyến khích. Sẽ có đơn vị kết nối trong các trường được thành lập như Doanh nghiệp khoa học công nghệ, nơi kết nối để chuyển ý tưởng nghiên cứu khoa học thành sản phẩm. Các thầy nếu nghiên cứu ở doanh nghiệp có nhiều rủi ro nhưng các trường đại học có nguồn lực quan trọng vì có sinh viên. Các nhóm nghiên cứu này sẽ là xu hướng tốt nhất để chuyển giao khoa học kỹ thuật.

"Còn việc có giao sinh viên làm chủ nhiệm đề tài không? Tôi cho rằng có nhiều nguồn khác nhau. Sinh viên giỏi có thể chủ nhiệm đề tài gắn với sản phẩm nhất định. Các bạn đứng ra chủ trì nghiên cứu sản phẩm, nhóm sản phẩm, chứ không nhất thiết phải chủ nhiệm đề tài. Sinh viên phải là lực lượng nghiên cứu chứ không phải tập sự nghiên cứu. Tôi đánh giá cao nghiên cứu của các bạn vì nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, thậm chí là hàng hóa. Sẽ thành lập nhóm nghiên cứu không chỉ kết nối trong trường đại học mà với quốc tế, để ra những sản phẩm, để bán được, từ đó mới có một trường tốt để sinh viên theo đuổi và kết nối thực sự, tìm thấy sự sáng tạo bền vững và khởi nghiệp được", Bộ trưởng Nhạ nói.

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trả lời:

Hiện tại, không chỉ sinh viên mà cả thầy cô lãnh đạo cũng rất quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Trong các trường học hiện nay nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp được đẩy mạnh bởi đây được coi là chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo, là giá trị kết nối với cộng đồng.

Trước hết, có đơn vị nào để kết nối không? Trong các trường ĐH thành lập các nhà công nghiệp là nơi kết nối chuyển ý tưởng thành sản phẩm, đầu tư cho các nghiên cứu. Là động lực cho các trường đại học nghiên cứu. Nghiên cứu ngoài nhà công nghiệp chịu rủi ro. Nhưng trong nhà trường chuyển giao tri thức được đầu tư. Đại học là tâm điểm của sáng tạo. Sáng tạo gắn với nghiên cứu khoa học.

+ Thứ hai, có giao cho sinh viên làm chủ nhiệm đề tài không? Câu trả lời là nên giao. Những sinh viên giỏi hoàn toàn có thể làm chủ, không nhất thiết theo truyền thống. Nên giao nhiệm vụ cho sinh viên kết hợp với doanh nghiệp, nghiên cứu dưới sụ bảo trợ của doanh nghiệp. Với điều kiện đó là nghiên cứu thật của sinh viên, sinh viên tâm huyết theo đuổi, đầu tư công sức mang lại thành quả.

Chúng tôi tập trung hình thành các nhóm kết nối, các nhà công nghiệp để có thể đánh giá cao sức trẻ, tư tưởng sáng tạo. Khi có môi trường kết nối thì trở thành hàng hóa có thể phát triển hết ý tưởng của mình. Hình thành nhóm kết nối, không chỉ trong trường đại học mà còn kết nối quốc tế, tránh tình trạng có ý tưởng lại dừng lại.

Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn tạo ra môi trường cho mọi người đều tìm thấy sự sáng tạo bền vững. Cùng nhìn lại 1 năm qua sẽ thấy được sự thành công của đề án sáng tạo mà Thủ tướng chính phủ ký giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 năm với rất nhiều ý tưởng sáng tạo hay của sinh viên.

 

Đại biểu Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Tài chính

 

*Đại biểu Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Tài chính, hỏi: Hiện nay, số sinh viên phải ở ngoại trú, thuê nhà chiếm tỷ lệ rất lớn do ký túc xá các trường không đủ. Hầu hết sinh viên phải thuê nhà ở tại các khu tạm bợ, chật chội, không có không gian để vui chơi lành mạnh.

Đại biểu Nhung mong muốn được nghe ý kiến của lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch về đề xuất này.

 

Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch Lê Quang Tùng

 

Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch Lê Quang Tùng trả lời:

Đây là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Trước kia số lượng sinh viên ít, các trường khi xây dựng đều bố trí ký túc xá, song gần đây, lượng sinh viên tăng mạnh. Do đó, kể từ khi xây dựng trường lớp và kí túc xá rất thiếu thốn khiến sinh viên phải ra ngoài ở trọ. Bộ đang nghiên cứu về nội dung này.

Theo đó, mỗi trường khi xây dựng mới bắt buộc phải có thiết chế văn hoá phù hợp với quy mô của trường. Trung ương Đoàn và Bộ Văn hoá - Thể Thao - Du lịch đã ký chương trình nâng cao đời sống cho sinh viên học sinh, phối hợp cùng chính quyền địa phương bàn về việc xây dựng thiết chế văn hoá.

* Đại biểu đến từ Bình Định phản ánh với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về tình trạng tính thực hành, thực tế của sinh viên còn hạn chế nên nhiều cơ quan không nhận vào để thực tập kỹ thuật, tham quan dây chuyền mới; đào tạo còn nặng về lý thuyết, ít thực hành.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời:

Nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt mong muốn do đào tạo chưa sát, khâu đào tạo ít quan tâm đến nhu cầu ít nhất trong vòng 4 năm sau, mà chỉ quan tâm mình có năng lực gì đào tạo cái đó. Khâu dự báo nhu cầu thị trường trung và dài hạn, yêu cầu về kiến thức kỹ năng, quy trình xây dựng là quan trọng. Giải pháp ở đây là trách nhiệm của cả nhà trường, doanh nghiệp và bản thân học sinh kết nối với nhau. Các trường có trách nhiệm với người học, còn làm theo truyền thông sẽ không có học sinh đến.

Bộ trưởng Nhạ cho hay, Bộ cũng sẽ cải cách các chương trình đào tạo. Các thầy cô cũng phải thay đổi, bám sát nhu cầu thực tiễn, thiết kế chương trình phù hợp. Một điểm nữa, theo Bộ trưởng Nhạ, không phải đào tạo đại học ra làm việc được ngay, kiến thức ở trong trường là nền tảng căn bản, khi ra ngoài doanh nghiệp có văn hoá, công nghệ, sinh viên phải dành thời gian để làm quen. Do vậy, doanh nghiệp họ cũng mất công sức đào tạo thêm.

 

Đại biểu Đỗ Hữu Huân - Chủ tịch Hội Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

 

* Đại biểu Đỗ Hữu Huân - Chủ tịch Hội Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương hỏi: Tôi xin được trao đổi cùng lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội: hiện nay, sinh viên được vay mức vay tối đa là 1.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên với lãi suất 0,55 %/tháng.

Tuy nhiên, về mức học phí, các trường đại học công lập thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ có mức học phí rất cao so với mức học phí tại các trường đào tạo cùng chuyên ngành, bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng chưa tự chủ tài chính tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí hàng năm theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ với mức tăng hàng năm vào khoảng 10%. Về chi phí sinh hoạt, chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm tăng trong khoảng 3% - 4% so với cùng kỳ năm trước đã tạo ra những áp lực về chi tiêu của sinh viên, trung bình mỗi tháng, sinh viên phải chi tiêu khoảng 4.000.000đ. 

Tôi xin được mạnh dạn đề xuất Chính phủ xây dựng lộ trình về mức vốn cho vay đối với sinh viên theo từng giai đoạn, trong đó có thể cân nhắc việc phân các mức vay vốn khác nhau đối với các chuyên ngành và đối tượng khác nhau (tương tự nghị định 86 có sự phân biệt về mức học phí và miễn giảm học phí theo các chuyên ngành). Cháu rất mong nhận được ý kiến của lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội về đề xuất này. Tôi xin cảm ơn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trả lời:  

Từ năm 2007, Chính phủ có chủ trương dùng ngân sách hỗ trợ lãi suất và cấp nguồn để Ngân hàng CSXH cho vay đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để tham gia học tập. Mức cho vay từ đó đến nay liên tục được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu học tập, từ năm đầu 800.000 đồng/tháng đến nay đã lên tới 1,5 triệu đồng/tháng. Đến nay đã có khoảng 3,5 triệu lượt sinh viên được vay với tổng doanh số vay hơn 61 nghìn tỷ đồng và khả năng trả nợ tốt. 

Tuy nhiên, chúng ta cần có 4 quan điểm như thế này: trước hết, chính sách xã hội hoá, có sự tham mưu hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia chủ động của gia đình và các bạn sinh viên; thứ 2, căn cứ vào mặt bằng chung của sinh viên, mức sống tối thiểu; thứ ba là khả năng ngân sách; thứ tư là chính các bạn nêu cao tinh thần tiết kiệm, vì chính mình và gia đình. 

Từ quan điểm như vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và chính thức lấy ý kiến các ngành để đề xuất với Chính phủ nâng mức cho vay lên, dự kiến 2,5 triệu/tháng.

 

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý

 

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý trả lời: 

Qua hơn 12 năm thực hiện, cho vay hơn 62 ngàn tỷ, thu lại 50 ngàn tỷ, dư nợ 12 ngàn tỷ.

Tuy nhiên, thực tế sinh viên phản ánh rất đúng vì yêu cầu cho giai đoạn mới khác, thời 4.0, chi phí học tập tăng, giá cả tăng và trường đào tạo tốt, học sinh học tốt đáp ứng nhân lực cho xã hội. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc đánh giá lại chương trình này để cơ cấu lại mức vay phù hợp hơn, đối tượng cho vay, thời hạn vay cũng xem xét lại. Ngân hàng sẽ lắng nghe nhiều kênh để tham mưu với Chính phủ trong thời gian tới.

*Đại biểu Nguyễn Minh Nguyệt, đoàn đại biểu Hải Phòng hỏi:

Kính thưa lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch, chúng tôi là những người trẻ, đi và khám phá nhiều danh lam, thẳng cảnh Việt Nam và thực sự thấy ấn tượng về những giá trị văn hoá, lịch sử, du lịch của các địa danh đất nước.

Nhưng có một thực tế: việc đưa thông tin nay đến với khách du lịch còn hạn chế. Đồng thời, tại rất nhiều nơi, việc quản lý các danh lam, thắng cảnh, di tích... còn rất yếu: xả rác, quy hoạch dịch vụ, chèo kéo... dẫn đến khách du lịch ít quay lại.

Tôi xin hỏi lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch đã có giải pháp gì cho hiện trạng trên? Sinh viên chúng cháu có thể làm gì để cùng với ngành du lịch khắc phục những điểm trên?

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng trả lời:

Đây là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Chúng ta thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quản lý, vận hành tại các khu di tích. Hiện nay, Bộ VHTTDL có nhiều quy định liên quan tới quản lý di tích, di sản, có sự phân cấp cho địa phương cùng quản lý. Như các bạn đã biết, chúng ta muốn đầy đủ thông tin thì thường có hướng dẫn viên tại các điểm, khu di tích.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đã bắt đầu thực hiện dự án số hoá các khu di tích. Chúng ta không cần đến di tích vẫn có thể thăm quan, tìm hiểu và tra cứu, nghiên cứu rất kỹ về du tích này. Dự kiến, tháng 1/2019, sẽ có sản phẩm du lịch thông minh và các điểm di tích được truyền tải bằng số hoá trên mạng internet. Chúng tôi mong rằng, với tinh thần tuổi trẻ, các bạn sinh viên sẽ noi gương, có hành động thiết thực để cùng gìn giữ di tích, để đó là nơi là mọi người cùng thưởng thức giá trị văn hoá, lịch sử và dân tộc.

 

Đại biểu Lê Thảo Vy, đại biểu sinh viên đến từ Đắk Lắk

 

* Đại biểu Lê Thảo Vy, đại biểu sinh viên đến từ Đắk Lắk, đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội về tình trạng khó khăn mà sinh viên cao đẳng nghề gặp phải khi xã hội cần trình độ lao động đào tạo bài bản còn trường cao đẳng nghề lại giảm số lượng, không tuyển sinh đào tạo nhiều. Giải pháp cho các vấn đề trên là gì?

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương bình - Xã hội Lê Quân trả lời:

Bản chất hiện nay học ra phải có việc làm, ở bậc cao hơn đào tạo con người có tư duy tổng hợp, sáng tạo và phân tích… Trong các trường nghề đào tạo người học có khả năng thực hành, làm tốt một công việc mà doanh nghiệp đang cần. “Học nghề thì phải vừa học vừa hành, hệ thống các trường hiện đã chuyển đổi tất cả ngành, nghề tối thiếu 50% thực hành, tối đa 70%, cho phép các trường 40% thời lượng đào tạo do doanh nghiệp giảng dạy, thực hành.

Số môn học tại trường giảm thiểu nhiều để đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp, giúp kỹ năng làm việc, khả năng thích ứng cao hơn. Đặc biệt là với cao đẳng du lịch, công nghệ kỹ thuật… Tuy nhiên, hiện nhiều bạn không lựa chọn học nghề nên số lượng cũng hạn chế”, Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.

 

PHẦN II - PHÓ THỦ TƯỞNG VŨ ĐỨC ĐAM ĐỐI THOẠI VỚI ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI X HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM

 

Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ

 

* Đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang, Hải Phòng hỏi: Thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng có quan điểm cho rằng sinh viên đảm bảo hội nhập, Chính phủ nên công nhận tiếng Anh phải là ngôn ngữ thứ 2. Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào?

Với câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mời đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang lên sân khấu giao lưu. Phó Thủ tướng hỏi lại: “Với cháu tiếng Anh là ngoại ngữ hay ngôn ngữ”. “Dạ, với cháu là ngoại ngữ đồng thời là ngôn ngữ vì ngành học của cháu đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ”.

Tùy vào điều kiện từng gia đình, niềm đam mê thì chọn các bạn nên chọn ngoại ngữ cho phù hợp. Biết thêm nhiều ngoại ngữ rất tốt, đặc biệt giỏi tiếng Anh rất tốt cho công việc và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiến pháp thông qua năm 2013 trong đó điều 5, có quy định ngôn ngữ chính của nước Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc khác có quyền dùng ngôn ngữ của mình. Tôi xin trả lời, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ 2, thứ 3.

 

Đại biểu Nguyễn Hương Giang đối thoại với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

*Đại biểu Nguyễn Thị Như Quỳnh - Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên trao đổi: Đảng và Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ đối với sinh viên để học tập và không ngừng phát triển. Tuy nhiên, có những sinh viên thực sự rất giỏi, ưu tú chưa được sự hỗ trợ toàn diện từ phía Nhà nước. Các sinh viên giỏi, ưu tú vẫn phải tự chi trả chi phí học tập, nhờ sự cung cấp của gia đình hoặc tự các bạn ý phải đi làm thêm để chi trả, mà chưa được sự hẫu thuẫn lâu dài và bền vững từ Nhà nước để có yên tâm học tập, phát huy hết năng lực cống hiến cho đất nước. Trong khi đó, có những sinh viên giỏi của nước ta nhận được học bổng toàn phần, bán phần từ các quốc gia khác.

Theo tôi đây là tình trạng chảy máu chất xám từ gốc. Vì vậy, cháu mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ xây dựng những chương trình học bổng toàn phần, bán phần hay quỹ học bổng quốc gia để cung cấp cho những học sinh, sinh viên ưu tú. Nếu chương trình này thực sự có thể thực hiện thì xin Phó Thủ tướng cho biết thời gian là bao lâu?

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đất nước chúng ta còn nghèo lắm và chế độ hỗ trợ toàn diện, bền vững cho các sinh viên giỏi chưa có là rất đúng. Chúng ta có rất nhiều đối tượng cần hỗ trợ: người có công, người yếu thế... với ngân sách bỏ ra rất lớn. Ngay cả nhiều người có công, lại bị nhiễm chất độc màu da cam có cuộc sống hết sức khó khăn nhưng sự hỗ trợ chưa đủ. Nói như thế không phải để thanh minh cho việc chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện cho sinh viên giỏi. 

Chúng ta hiện có nhiều chương trình hỗ trợ. Nếu đó là con em gia đình nghèo thì có chế độ hỗ trợ hộ nghèo; con em gia đình chính sách thì có chế độ hỗ trợ gia đình chính sách. Còn lại nhà nước cũng có chế độ hỗ trợ học bổng, tuy ít nhưng cũng hỗ trợ được các bạn một phần. 

Đối với các trường, khi thực hiện tự chủ, Chính phủ có yêu cầu có quỹ học bổng dành cho đối tượng chính sách và sinh viên giỏi. Học bổng dành cho sinh viên giỏi không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ và các trường, mà còn tạo ra sự thi đua, cạnh tranh giữa các trường. Trường nào có chế độ học bổng tốt dành cho sinh viên giỏi thì sinh viên giỏi sẽ theo học thì uy tín trường đó sẽ nâng cao. 

Những nước cấp học bổng toàn phần, bán phần cho sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài học giỏi là những nước có thu nhập quốc dân rất lớn. Tuy nhiên, các bạn sinh viên nhận được học bổng toàn phần, bán phần của nước ngoài vẫn theo học mà không gọi là chảy máu chất xám. Các bạn học xong có thể về đất nước cống hiến, mà cũng có thể chưa cần về đất nước ngay, mà ở lại đó làm việc vẫn có thể cống hiến cho đất nước. Có nhiều cách cống hiến cho đất nước, mà gần đây chúng ta có sự kiện kết nối tất cả các trí thức, trong đó có nhiều thầy cô giáo, nhà khoa học từ các trường rất nổi tiếng. Tuy nhiên, mọi người chỉ về để kết nối còn sau đó lại quay lại nước ngoài làm việc, thông qua môi trường mạng chúng ta có thể đóng góp rất tốt. 

Một mặt chúng ta có thể xem xét tất cả các chính sách để tăng cường sự hỗ trợ tự phía Nhà nước. Các trường Đại học trong quá trình phát huy tự chủ cũng cần lưu ý điều này. Nhưng điều quan trọng nhất, tất cả chúng ta, từ bạn học giỏi đến những bạn chưa giỏi cần nỗ lực hơn, để đất nước không thể nghèo mãi thế này được và chính các bạn phải cố gắng.

 

Đại biểu Đinh Song Thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân


*Đại biểu Đinh Song Thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân, chia sẻ rất hâm mộ vốn ngoại ngữ và bản thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Cháu mong bác chia sẻ bí quyét học tập tốt và sử dụng thành thạo ngoại ngữ, đồng thời phân bố được công việc để đạt hiệu quả cao? Làm sao bác đảm bảo công việc để đến đây chia sẻ với Đại hội?

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Tôi rất bận. Bận mà vẫn đến đây vì trách nhiệm. Lực lượng thanh niên, sinh viên vô cùng quan trọng. Đó là lí do công. Một lí do tư, mỗi lần gặp các bạn là cơ hội tôi bớt sự trì trệ, trẻ hơn trong suy nghĩ. Sự kiện sinh viên, thanh niên bao giờ tôi cũng cố gắng ưu tiên tham dự. Về khả năng ngoại ngữ, bạn làm tôi rất ngượng.

Tôi không giỏi ngoại ngữ. Tôi xưa là con nhà nông dân có học bổng toàn phần được cử đi học nước ngoài, đi nước nào thì biết được tiếng nước đó. Biết mà lâu không nói thì cũng nhanh quên. Tôi đi học đai học, học chuyên ngành công nghệ thông tin mà học bằng tiếng Anh nên thường xuyên tra từ điển.

Biết được tiếng Anh một chút, khi về nước làm trực tiếp thì còn nói được, khi làm quản lý, đối nội thì bớt đi. Còn những thứ tiếng khác thì biết 3-5 câu chào hỏi... Tiếng Việt còn chưa sõi. Tuy nhiên suy cho cùng cần phải nỗ lực. Tôi khuyên các bạn dù thông minh mấy cũng cần chịu khó. Thấy mình chưa thông minh thì càng cần phải chịu khó.

 

Đại biểu Phan Thị Quỳnh Trang đối thoại với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

*Đại biểu Phan Thị Quỳnh Trang, đoàn đại biểu Nghệ An đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bác yêu thể thao, vậy bác có thể dự đoán tỷ số trận đấu Việt Nam - Malaysia hôm nay?

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Về câu hỏi dự đoán kết quả tỷ số, ai cũng thế thôi, phải cọ sát, giao lưu, thi đấu. Mang màu cờ sắc áo thì cố cho hết sức mình. Đây là điều quan trọng nhất. Chúc cho các cầu thủ Việt Nam màu cờ sắc áo vào thi đấu tốt nhất.

* Đại biểu Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân đặt câu hỏi với Phó thủ tướng: Chính phủ có phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” và bước đầu thu hút sự tham gia của thanh thiếu nhi, xin Phó thủ tướng chia sẻ thêm về định hướng triển khai Đề án trong thời gian sắp tới và vai trò của Hệ tri thức Việt số hóa trong kết nối, tra cứu và trao đổi thông tin dành cho sinh viên Việt Nam?

- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:  Ý tưởng ban đầu là, giờ bước vào thời đại mới, ngày xưa là xoá mùa chữ, bây giờ là xoá mù về tri thức công nghệ.  Anh em có gọi là theo tinh thần bình dân học vụ 2.0. Dữ liệu thì nằm ở các nơi, có sự cát cứ. Bây giờ làm sao để quy tụ tri thức về một mối, hệ thống nó và phân loại nó. Nếu hình thành được dữ liệu như vậy kết nối internet thì mọi người dân đều được trợ giúp.

Các tri thức nằm ở khắp nơi. Phải làm sao để quy tụ nguồn dữ liệu lớn nhất nằm rải rác để kết nối, phân loại thông tin, có chuyên gia, Nhà nước xác thực. Nếu chúng ta hình thành được dữ liệu và cập nhật được internet cá nhân thì mọi người dân đều được trợ giúp. Chúng ta đang có bước đi rất chắc chắn, hệ thống đó được được bước đầu xác lập.

Chúng ta có rất nhiều thứ có thể chia sẻ. Sẽ khác với tài nguyên truyền thống, nếu sinh viên toàn quốc cùng tham gia sẽ tạo được nguồn dữ liệu lớn thúc đẩy nhiều người khác. Các bạn học nhiều ngành khác nhau, chỉ cần trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ với nhau sẽ rất tốt.

Dự kiến 01/01/2019 tới đây, chúng tôi có thể giới thiệu những ứng dụng từ hệ Tri thức Việt số hoá.

Ví dụ tới đây, chúng ta sẽ làm những bản đồ tốt hơn cả google map hiện tại đã làm ở một số tỉnh, thành phố. Nếu các bạn góp phần chia sẻ dữ liệu vào đây thì chúng ta sẽ tạo ra nền tảng để phục vụ lợi ích cộng đồng của đất nước chúng ta chứ không phục vụ lợi ích của riêng doanh nghiệp nào cả.

Chúng ta có rất nhiều việc có thể làm tốt cho cộng đồng, tuy nhiên hiện nay có rất nhiều bạn trẻ chưa dành nhiều thời gian lên mạng để làm việc có ích,  Với vai trò nòng cốt của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của các trường, tôi có lòng tin, đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hoá” sẽ là 1 nơi để các bạn trẻ thể hiện. Tôi mong Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam giới thiệu và hướng dẫn cho các trường cùng tham gia.

 

Đại biểu Nguyễn Thu Hằng, sinh viên Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam

 

* Đại biểu Nguyễn Thu Hằng, sinh viên Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam gửi tặng đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu, cùng Đại hội một tiết mục văn nghệ.

"Tôi được biết đã có một thời gian, Phó Thủ tướng làm việc tại Bắc Ninh, tôi xin hát tặng ca khúc "Tình yêu trên dòng sông Quan họ" do nhạc sĩ Phan Lạc Hoa sáng tác", Thu Hằng nói.

Ngay sau phần hỏi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể đến các đại biểu. Phó Thủ tướng hỏi liên quan đến việc chọn trường, ngành nghề; nghiên cứu khoa học...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi: Bây giờ có bao nhiêu bạn chọn trường, chọn khoa do bản thân mình thích? Có bao nhiêu bạn chọn trường, chọn khoa đáp ứng yêu cầu của người thân đi trước có ảnh hưởng đến mình? Có bao nhiêu bạn chọn ngành trường, chọn khoa vì điểm thi của mình? Bao nhiêu phần trăm chọn trường đó thi để xin việc dễ hơn?

Sau từng câu hỏi, các đại biểu đã giơ tay để trả lời Phó Thủ tướng. Phó Thủ tướng nhận xét: "Đây là những số liệu đáng suy nghĩ. Đa số các bạn chọn trường, ngành vì yêu thích của mình. Phần còn lại là vố mẹ mong muốn, sau mới là năng lực của mình".

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục hỏi các đại biểu liên quan đến việc đi làm thêm. Bao nhiêu các bạn trong quá trình đi học, thời gian làm thêm nhiều hơn thời gian ôn bài? Bao nhiêu trong số các bạn khi đi làm thêm công việc nặng nhọc và có liên quan tới kiến thức học ở trường? Qua việc các đại biểu giơ tay trả lời, Phó Thủ tướng đề nghị Hội Sinh viên Việt Nam cần tập trung định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường cho các bạn sinh viên.

"Ở nước ngoài đi làm thêm là bình thường, tôi cũng từng đi rửa bát. Tuy nhiên việc đi làm thêm cần cố gắng kết nối với kiến thức học", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục hỏi: Có bao nhiêu bạn sinh viên đã tham gia các hoạt động xã hội? Bao nhiêu bạn ngược lại chưa tham gia? Bao nhiêu bạn đã đi xe máy không có công an, người nào gặp đèn đỏ cũng dừng lại? Bao nhiêu bạn tự vấn về mình khi đi donnj vệ sinh ở ngoài mà ở lớp học thì đứng dậy dọn lớp? Bao nhiêu số của các bạn ở trong đây vẫn còn tranh nhau đi thang máy lên nhà cao tầng?

Phó Thủ tướng cười và quan sát hội trường, hỏi câu cuối cùng: "Các bạn trong suốt quá trình hỏi các bộ mong muốn biết chính sách, yêu cầu của sinh viên. Ngược lại, các bạn đặt vị trí của chính phủ, bộ trưởng, nếu các bạn là tôi thì các bạn mong muốn điều gì ở sinh viên?".

Lắng nghe đại biểu Phạm Lan Vi đến từ Đà Nẵng chia sẻ: "Nếu được đặt vị trí phó thủ tướng, em nghĩ mong muốn sinh viên có tinh thần tự học những cái mình muốn biết, muốn làm", Phó Thủ tướng cho biết: Tôi đồng tình một phần với bạn.

"Tôi thấy mừng các bạn quan tâm nhiều điều lớn, dù rằng có sự chuẩn bị nhưng là câu hỏi thể hiện sự trách nhiệm". "Tất cả những điều lớn lao thì hãy thể hiện bằng việc làm, suy nghĩ cụ thể. Tất cả công trình to lớn được xây bằng hòn gạch rất nhỏ. Chúng ta không thể không nghĩ việc lớn, nhưng không thể không nghĩ tới những việc nhỏ", Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

 

Đại diện cho đại biểu Đại hội tặng hoa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

"Cả đất nước, dân tộc, mỗi người, đặc biệt lớp trẻ bao giờ cũng có hoài bão rất lớn. Đất nước muốn phát tiển nhanh, sánh vai với các cường quốc năm châu bè bạn, có cuộc sống thanh bình, tự do, hạnh phúc, chúng ta phải có khát vọng rất lớn. Không có hoài bão lớn, khát khao thì không có tuổi trẻ. Nhưng tất cả những điều lớn lao ấy hãy thể hiện bằng suy nghĩ, việc làm rất nhỏ. Tất cả những công trình lớn trên đất nước này đều được xây nên từ những viên gạch nhỏ. Chúng ta có thể có những thiếu thốn và thiếu thốn rất nhiều nhưng cái chính là chúng ta tự nghiêm túc với mình. Nếu chúng ta không vượt đèn đỏ, không tranh nhau đi thang máy, vứt rác bừa bãi thì những điều các bạn trăn trở sẽ trong ngày hôm nay sẽ được giải quyết. Hãy đừng chỉ những thứ hào nhoáng, sự kiện lớn, chương trình lớn thì mình tham gia; ngoài lúc đó, mình quay về bản ngã bình thường. Tôi mong các bạn trẻ nghĩ lớn, hoài bão lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.

 

16h16': Kết thúc buổi gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X

 

------------------------------------

Đông Hà - Kiều Anh - Thanh Nga - Trịnh Lý - Thùy Linh & Bảo Anh