Bài viết dự thi: Nghị lực vượt khó, đấu tranh với bệnh tật của cậu sinh viên Bách khoa Hà Nội

23:04 14/03/2016     1746

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Tình cờ gặp anh và quen anh vào một buổi xế chiều trong phòng tự học của Viện Đào tạo liên tục trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tôi thấy anh đang ngồi miệt mài học bài với hai chiếc gậy chống chân đặt bên cạnh bàn, như một phép màu nhiệm nào đó đã khiến tôi chú ý đến.
Buổi đó tôi đến ngồi tự học môn Tin đại cương và ngồi ngay bàn dưới anh, thấy anh cũng đang làm các bài lập trình khá phức tạp tôi không khỏi tò mò mà ngó lên xem anh làm và không hề ngần ngại tôi đã muốn được anh kèm dạy tôi, anh đã không hề từ chối mà trái lại giảng giải cho tôi rất nhiệt tình. Và từ đó mà tôi quen biết anh, một người anh khóa trên mà tôi luôn cảm phục lấy làm gương để phấn đấu.
Phạm Ngọc Chuyển (áo trắng)
Phạm Ngọc Chuyển (áo trắng)


Anh là con út trong một gia đình có 3 anh chị em ở làng quê nghèo thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn , huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, cuộc sống của cậu sinh viên Phạm Ngọc Chuyển và gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bố là giáo viên, mẹ bán hàng tạp hoá và làm ruộng. Tưởng chừng là con út anh sẽ được bố mẹ, anh chị chăm lo cho cuộc sống tốt hơn nhưng số phận éo le, giữa bộn bề của cuộc đời, gia cảnh không thể đem cho anh niềm hạnh phúc ấy. Chị cả anh bị mắc bệnh viêm khớp mạn tính. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, chị anh đi dạy học, sau đó lập gia đình. Số phận bất hạnh khi chị lấy phải người chồng không yêu thương vợ đã ly hôn với chị anh chỉ vì chị thường xuyên bị đau khớp, sức khoẻ yếu kém. Sau đó chị anh đã xuất gia đi tu ở chùa, nên cũng ít khi về thăm hỏi gia đình được. Anh trai anh sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lên Sơn La dạy học và lập gia đình ở trên đó. Chị dâu chưa có việc làm lại nuôi 2 con nhỏ nên với mức lương giáo viên ít ỏi của anh trai anh cũng chỉ đủ để vun đắp cho gia đình. Anh từ nhỏ cũng bị mắc căn bệnh viêm cột sống dính khớp,thường xuyên bị đau ở chân và hông, chữa chạy nhiều nơi tốn kém nhưng vẫn không khỏi. Vì vậy, suốt 12 năm học cắp sách đến trường bố anh luôn phải chở anh đi, sau đó mới đến cơ quan dạy học, cho đến lúc anh thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2008 với số điểm 28 điểm thì bố anh không phải vất vả đưa đón anh nữa.

Nhưng ngày anh vào Đại học thì cũng là ngày anh biết tin bố anh bị mắc căn bệnh hiểm nghèo ung thư phổi. Căn bệnh viêm khớp của anh khi ấy lại tái phát khá nặng, phải ngồi xe lăn và nghỉ học tạm thời. Bố anh mắc bệnh, cả nhà anh ai cũng buồn. Mẹ anh chạy ngược xuôi vừa phải đưa anh đi các nơi chữa bệnh, vừa phải chăm sóc chồng. Có lúc bố anh tuy rất mệt nhưng cũng phải tự phục vụ mình vì mẹ anh đưa anh đi chữa bệnh ở xa. Do mắc căn bệnh hiểm nghèo nên các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng bố anh đã không qua khỏi và mất sau đó khoảng 9 tháng và bao gánh nặng đặt lên đôi vai bé nhỏ của mẹ anh. Bố qua đời bệnh tình của anh ngày một nặng hơn và anh đã bị di chứng ở khớp, phải phẫu thuật là phương án cuối cùng mới có thể khiến anh đi lại được. Do di chứng quá nặng nên anh phải trải qua 3 lần mổ ở bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với chi phí rất cao. Sau khi mổ và bình phục, anh quyết định trở lại tiếp tục theo học tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vì đó là giấc mơ của anh và cũng là cách để anh có thể xây dựng tương lai cho bản thân, giúp đỡ gia đình và giúp ích cho xã hội.

Anh học khoa Toán ứng dụng và Tin học trường ĐH Bách Khoa HN. Tuy bản thân đi lại khó khăn nhưng anh luôn đi học đầy đủ, đúng giờ, cố gắng nghe giảng và hiểu bài ngay ở trên lớp. Về phòng ,anh luôn dành thời gian ôn lại kiến thức trên lớp và làm bài tập về nhà, đọc thêm tài liệu tham khảo. Ngoài thời gian trên anh còn tham gia vào những buổi học nhóm cùng nhau trao đổi, tranh luận. Những nỗ lực, phấn đấu trong thời gian qua đã được đền đáp điểm trung bình tích lũy 2 kì gần đây là 3.07 và 3.25. Anh luôn luôn nỗ lực phấn đấu vượt khó trong học tập và đã được tập toàn Panasonic tài trợ học bổng toàn phần. Tại buổi lễ được trao học bổng anh tâm sự "Em vốn nghĩ cuộc sống thật không bằng với em, em rất cảm ơn công ty Panasonic đã cấp học bổng cho em lúc này để em có thể tiếp tục học tập và theo đuổi ước mơ của mình".

Đứng lên trên hoàn cảnh, vượt qua mọi thử thách khó khăn của cuộc sống, anh vẫn luôn lạc quan và cố gắng phấn đấu không chỉ trong học tập mà còn rất tích cực trong làm việc nhóm cũng như trong các mối quan hệ bạn bè, anh được lòng tất cả mọi người, ai cũng yêu thương quý mến anh. Thầy Nguyễn Quang Thuận giảng viên khoa Toán ứng dụng và Tin học trường ĐH Bách Khoa HN là giáo viên chủ nhiệm anh đã nhận xét rằng: "Tôi nhận thấy em Chuyển tuy sức khỏe yếu, đi lại chậm chạp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng lại là một sinh viên rất chăm chỉ, say mê tìm hiểu, khiêm tốn học hỏi. Tuy không có năng khiếu gì xuất sắc nhưng bằng sự cố gắng kiên trì em đã vươn lên đứng vào nhóm sinh viên có điểm thi và kiểm tra cao nhất lớp. Trong quan hệ với bạn học, em Chuyển là một người bạn tốt, luôn có quan hệ tốt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người,có khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm rất tốt. Về kỷ luật sinh viên, Chuyển là một sinh viên gương mẫu, luôn thực hiện tốt quy chế của nhà trường, đi học đúng giờ, không bỏ giờ học, thực hiện đầy đủ các bài tập về nhà và những yêu cầu khác của giáo viên". Và trong năm học vừa qua anh đã được Ban chấp hành liên chi Đoàn viện Toán ứng dụng và Tin học cấp giấy khen thưởng là sinh viên đạt thành tích xuất sắc. Đó là một niềm vinh dự rất lớn đối với một sinh viên Bách Khoa. Học trong một môi trường kĩ thuật kiến thức rất nặng đặc biệt là khoa Toán - tin mà anh đang theo học càng vất vả hơn, lại thêm bệnh tật đeo bám nhưng anh vẫn phấn đấu luôn đứng đầu trong mọi thành tích.

Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, luôn chứa đựng những điều bất ngờ, rủi ro ngoài ý muốn. Rất nhiều người không may lâm trọng bệnh, hay bỗng nhiên phải gánh chịu những tổn thất mà họ không hề gây ra, không hề lường trước. Nếu chúng ta đo hạnh phúc của đời mình dựa trên những điều mà chúng ta không có được và cảm thấy không công bằng, thì chắc chắn lúc nào chúng ta cũng thấy thân phận mình sao hẩm hiu quá! Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta hãy hướng đến những gì ta đã và đang có, những niềm hy vọng mới, để cảm thấy nhẹ nhàng hơn đối với những nỗi buồn, những điều rủi ro trong cuộc sống. Có những lúc sau mỗi buổi học anh kèm tôi là hai anh em lại ngồi tâm sự. Đã có lần tôi hỏi anh: Có khi nào anh thấy cuộc sống này không công bằng với anh không anh Chuyển? Tôi thấy anh suy tư nhìn ra phía hàng cây hoa bằng lăng dọc sân kí túc xá một hồi lâu rồi anh trả lời câu hỏi ấy mà nghe xong tôi không cầm nổi những giọt nước mắt. Anh nói : Khi mắc bệnh nặng như vậy anh đã rất buồn, nhiều lúc như muốn gục ngã. Nhưng nghĩ lại thì thái độ tiêu cực đó cũng ko giúp anh khá hơn được. Chính vì thế anh nghĩ mình cần phải thay đổi theo hướng tích cực hơn. Mẹ anh cũng luôn động viên an ủi anh, kể cho anh nghe nhiều tấm gương trong cuộc sống như thầy Nguyễn Ngọc Ký, Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và bị bại liệt cả 2 tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình và trở thành nhà giáo ưu tú, lập kỷ lục Việt Nam "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết". Hay anh Nguyễn Công Hùng nổi tiếng với nghị lực sống và làm việc, được mệnh danh là Hiệp sĩ công nghệ thông tin, hoặc "Nick" Vujicic là một người truyền bá Phúc Âm và nhà diễn thuyết truyền động lực người Úc gốc Serbia, khi được sinh ra đã không có tứ chi. Vì vậy anh thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều người thì tại sao lại dễ dàng đầu hàng số phận thế được. Từ đó anh quyết tâm cố gắng thật nhiều để vượt qua số phận và ko làm phụ lòng mong đợi của mẹ anh và mọi người trong gia đình.

Chia sẻ ước mơ tương lai, anh Chuyển cho biết: "Trước mắt anh sẽ cố gắng học thật tốt để ta trường đạt bằng loại giỏi, ước mơ của anh sau này là trở thành kĩ sư lập trình game cho di động và sau đấy sẽ tìm một công việc phù hợp với sức khỏe và năng lực của bản thân. Dù còn nhiều trở ngại và khó khăn để theo đuổi ước mơ này nhưng anh tin rằng không chỉ có anh mà còn rất nhiều người bạn cùng trang lứa khác cũng luôn cháy bỏng trong mình nhiều ước mơ".

Giấc mơ trở thành kĩ sư lập trình game còn ở phía trước nhưng tôi nghĩ với nghị lực và những cố gắng hiện tại thì điều đó không có gì là khó với anh sinh viên nghèo vượt khó Phạm Ngọc Chuyển.
 
Đinh Thị Diệu Linh - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

 
Cuộc thi viết và sáng tác ca khúc “Sinh viên Việt Nam- Những câu chuyện đẹp” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức với sự đồng hành là Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam.

Bài viết dự thi gửi về địa chỉ mail svvnnhungcauchuyendep@gmail.com. Ban tổ chức sẽ giới thiệu các bài dự thi trên trang mạng xã hội www.facebook.com/svvnnhungcauchuyendep. Các ca khúc dự thi phải gửi kèm ca khúc đã được thu âm (định dạng mp3).

Thời gian nhận bài: từ ngày 01/11/2015 đến hết ngày 20/3/2016