Bài viết dự thi: Bố ơi, con làm được
23:04 14/03/2016 1033
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Điều gì đằng sau chiếc xe đạp cà tàng đã đưa cô sinh viên nghèo đến gặp tổng thống Obama? Động lực kì diệu gì đằng sau lời nói “Bố ơi, con làm được”của cô bé Bánh Quy?
Mỗi con người có một cuộc hành trình của riêng mình nhưng có lẽ cuộc hành trình nhiều chông gai nhất và cũng vẻ vang nhất chính là hành trình theo đuổi ước mơ. Có những cuộc hành trình có thể không cần phải quá hào nhoáng, phô trương, nhưng để đi đến cuối con đường vẫn đòi hỏi một sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Câu chuyện của cô bạn Nguyễn Thị Quy (Biệt danh Bánh Quy) có lẽ bắt đầu từ khi còn là một cô học sinh cấp ba nhỏ nhắn, hồn nhiên và nhiều mơ mộng. Mang trong mình niềm đam mê học tiếng Anh khi lần đầu tiên được gặp một đoàn “anh” Tây đi qua làng, đi trên chiếc xe đạp cà tàng đuổi theo mãi không được những chiếc xe địa hình của các anh, chỉ bập bẹ nói được mấy câu đơn giản và không biết có đúng không nhưng rất vui được anh hướng dẫn viên đi cùng khen là “Em nói giỏi lắm”. Từ đó, quyết tâm để nói siêu như anh hướng dẫn viên kia đã thôi thúc niềm đam mê của cô bạn ấy.
Câu chuyện của cô bạn Nguyễn Thị Quy (Biệt danh Bánh Quy) có lẽ bắt đầu từ khi còn là một cô học sinh cấp ba nhỏ nhắn, hồn nhiên và nhiều mơ mộng. Mang trong mình niềm đam mê học tiếng Anh khi lần đầu tiên được gặp một đoàn “anh” Tây đi qua làng, đi trên chiếc xe đạp cà tàng đuổi theo mãi không được những chiếc xe địa hình của các anh, chỉ bập bẹ nói được mấy câu đơn giản và không biết có đúng không nhưng rất vui được anh hướng dẫn viên đi cùng khen là “Em nói giỏi lắm”. Từ đó, quyết tâm để nói siêu như anh hướng dẫn viên kia đã thôi thúc niềm đam mê của cô bạn ấy.
Nguyễn Thị Quy (biệt danh Bánh Quy) |
Và nỗ lực đã được đền đáp khi cánh cổng trường Đại học Ngoại Ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội đã rộng mở cho cô gái bé nhỏ đến từ miền quê Ninh Bình. Và bất ngờ hơn với số điểm 34.5, cô bạn còn được tuyển thẳng vào hệ đào tào chất lượng cao của Khoa Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại Ngữ. Niềm vui, niềm hạnh phúc thật to lớn với cô. Được trở thành sinh viên Đại học là mơ ước của bao nhiêu học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT, là niềm vui và hãnh diện biết bao của cha mẹ; hơn nữa, đây còn là niềm tự hào được theo đuổi con đường mà mình yêu thích. Ngày nhập học, cô bạn chân ướt chân ráo cùng bố lên Hà Nội đầy bỡ ngỡ và háo hức. Những nhọc nhằn của một người cha chăm lo cho con gái ngày hôm đó khiến cô không bao giờ quên được và thầm hứa với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn. Thế nhưng cuộc đời vốn chẳng phải toàn màu hồng, chẳng có gì thật dễ dàng và suôn sẻ như ta vẫn nghĩ…
Ngày đầu tiên vào lớp học đã khiến cô thật sự “sốc”. Các bạn ấy siêu quá, giảng viên và sinh viên đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh nhanh như gió. Điểm số cao ở kì thi Đại học chẳng thể giúp cô hiểu được mọi người đang nói gì và trả lời được một cách lưu loát. Trước đây, cô vốn chỉ tập trung học ngữ pháp để đi thi chứ chưa hề được rèn luyện kĩ càng về nghe nói. Những câu vốn rất quen thuộc như “Tên bạn là gì” hay “Rất vui được gặp bạn” hóa ra từ trước giờ mình vẫn phát âm sai mà không hề biết.Đó thật sự là một cú sốc đối với cô. Với một khoảng cách xa như vậy, làm sao để theo kịp các bạn trong lớp, làm sao để không phụ sự kì vọng của bố mẹ??? Nỗi nhớ nhà, sự thất vọng kiến cô thật sự đã khóc, đã khóc rất nhiều.
Nhưng những giọt nước mắt ấy chỉ càng làm cho cô ấy thêm mạnh mẽ hơn. Khó khăn trước mắt không thể làm cô nhụt chí và đánh mất chính mình. Cô phải mạnh mẽ hơn nữa, dũng cảm hơn nữa để vượt qua và không phụ lòng cha mẹ đã cho cô lên thành phố ăn học. Và cô nghĩ được, làm được. Ngày đầu tiên họp lớp bầu ban cán sự, cô đã dũng cảm đứng lên ứng cử làm bí thư. Cô đã từng là một ban cán sự đoàn năng nổ khi còn học phổ thông đúng không nào? Cho dù mình không giỏi tiếng Anh như các bạn nhưng mình vẫn tự tin có thể hoàn thành công việc của một bí thư thật tốt. Cô cũng bắt đầu tự học tiếng Anh ở nhà, tự tìm tài liệu nghe và học phát âm lại từ những âm cơ bản một cách thuần thục nhất, trên lớp cô luôn tích cực tham gia phát biểu ý kiến cho dù biết rằng mình nói còn nhiều sai sót. Từ bao giờ tên của bố trong danh bạ điện thoại của cô đã được đổi thành: “Con làm được”. Đó như là một động lực lớn lao để cô có thể vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời. Vì cô biết ở quê, cha mẹ cô vẫn đang làm việc lam lũ, vẫn đang ủng hộ cô hết mình.
Thầy cô và bạn bè trong lớp cũng luôn động viên và khâm phục nghị lực của cô. Có lẽ vì tự cảm thấy mình kém hơn mà cô chăm chỉ hơn hẳn các bạn khác trong lớp. Đối với mỗi bài tập dù là cá nhân hay bài tập nhóm, cô đều dồn hết tâm huyết để hoàn thành. Những lời nhận xét, góp ý của bạn bè hay giáo viên dù là khen hay chê cô cũng đều khắc ghi để hoàn thiện bản thân. Có lẽ những ai trực tiếp học tập với cô bạn ấy mới thấy rõ được sự tiến bộ của cô. Điểm số kì nào của cô cũng nằm trong top đầu của lớp.Là bạn cùng lớp và ở cùng kí túc xá với cô ấy, tôi mới thấy rõ hết những khó khăn và nghị lực của cô bạn nhỏ này. Cô ấy thường chỉ ngủ rất ít và không có mấy thời gian để về thăm quê mặc dù rất nhớ gia đình. Mỗi lần gọi điện về nhà hỏi thăm gia đình, cô bạn đã có lúc phải ngăn dòng nước mắt chực trào ra để nói rẳng “Con vẫn ổn” vì biết rằng mình không được phép yếu đuối và bỏ cuộc.
Nhưng bên cạnh học tập, cô ấy cũng có một bề dày những thành tích hoạt động cộng đồng xã hội vì Quy luôn cho rằng, chính hoàn cảnh bản thân, chính những gì mà cô đã trải qua luôn nhắc nhở cô bài học về sự đồng cảm, sự cho đi và cống hiến . Cô luôn rất tích cực tham gia vào các câu lạc bộ của trường, của Đoàn-Hội, các hoạt động tình nguyện, đi làm thêm và luôn là một thành viên tích cực và năng nổ trong mọi hoạt động vì cộng đồng, các chương trình giao lưu, trao đổi quốc tế và là đại biểu tích cực trong nhiều chương trình, hội thảo của Hoa Kì, Nhật Bản, Malaysia,….Cô dần dần được rất nhiều bạn bè trong trường biết đến bởi điểm số cao, năng động và sự thân thiện, nhiệt tình, đặc biêt là nụ cười của cô ấy. Nụ cười mà không thể lẫn với bất kì ai khác. Bất chấp những khó khăn của bản thân, Quy vẫn luôn dành tặng những nụ cười rực rỡ nhất cho mọi người xung quanh. Bạn ấy luôn có khả năng làm cho bất kì ai tiếp xúc với mình đều cảm thấy vui vẻ, lạc quan và được truyền cảm hứng. Chẳng thế mà không phải tự nhiên mà bạn ấy có biệt danh là “Smiling Cookie” (Bánh Quy mỉm cười). Cô ấy không xinh đẹp một cách kiêu sa nhưng những ai đã một lần gặp bạn ấy có lẽ sẽ không quên được nụ cười ấy- nụ cười của nghị lực và nụ cười xuất phát từ trái tim.
Tất cả mỗi chúng ta đều ngưỡng mộ những người thành công và tài giỏi hơn chúng ta. Chúng ta luôn thầm ước ao được như họ. Và rất nhiều suy nghĩ cho rằng họ thành công là do họ được sinh ra đã tài giỏi hoặc được sinh ra trong một gia đình giàu có hoặc có nền tảng quan hệ vững chắc? Có lẽ đúng với một số người. Nhưng chúng ta không thể nào lựa chọn xuất thân cho bản thân mình. Thứ duy nhất chúng ta có thể lựa chọn là hành động để thay đổi hay không làm gì cả. Bạn đã từng than phiền sao mình cứ mãi tầm thường còn người khác thì tài giỏi? Bạn có thường than phiền về điều kiện của mình không như người khác? Nhưng bạn có từng nghĩ bạn đã thật sự cố gắng? Bạn có từng rất quyết tâm học bài nhưng chỉ vài phút đã nản chí và dễ dãi với bản thân với những điều thú vị hơn? Bạn đã từng có những ý tưởng đột phá nhưng chưa bao giờ dám bắt tay vào thực hiện vì sợ mạo hiểm? Bạn có thử cố làm một việc gì đó lần thứ hai, thứ ba,… thứ n cho đến khi thành công hay dừng ngay sau một lần thất bại? Nếu câu trả lời là có thì đó chính là lí do sự thất bại của bạn mà bạn không thể tiếp tục đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Cô bạn mà tôi đang kể không được xuất thân trong một gia đình giàu có, cha mẹ đều là nông dân, nhà có bốn anh chị em và anh, chị cả của cô đều đã phải nghỉ học, hi sinh cho cô tới trường. Mỗi tháng cô luôn phải tiết kiệm tối đa cho chi tiêu và tích cực làm thêm để có thêm thu nhập. Một mình lên thành phố học, không một người họ hàng thân thích, cô chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình. Cô cũng không phải được trời phú cho sự thông minh đặc biệt. Những thành tích học tập khủng của cô đều nhờ sự chăm chỉ mà có được. Nhưng cô chưa bao giờ cho phép bản thân ngừng cố gắng.Có lẽ cũng vì thế mà cô chưa bao giờ coi thường bất kì ai. Cô luôn mong muốn truyền cảm hứng cho tất cả mọi người xung quanh để mọi người đều nỗ lực hơn và trở nên tốt đẹp hơn.
Những thành tích của Bánh Quy đến bây giờ thật đáng cảm phục (dĩ nhiên để có được những điều đó bạn đã phải trải qua vô số lần thất bại). Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến một thành tích đặc biệt của bạn ấy trong năm vừa rồi. Đó chính là việc trở thành 1 trong 4 thành viên của Việt Nam tham gia chương trình YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á)- Học bổng toàn phần do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Cạnh tranh với rất nhiều những bạn trẻ tài năng khác, nhưng Quy vẫn tự tin giành được vị thế của mình bằng trái tim và nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng. Đó có lẽ là một niềm vui lớn của bạn. Từ trước đến giờ chưa từng được đi ra nước ngoài, thậm chí chưa từng được đi máy bay nhưng lần đầu tiên này lại là được đặt chân đến đúng đất nước mà bao nhiêu người khát khao, đến với nhà Trắng, và được gặp tổng thống Mỹ Barack Obama trong hội nghị dành cho thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Đó thực sự như một giấc mơ. Được sang Mỹ quả thật là có rất nhiều kỉ niệm vui, nhưng cũng là một trải nghiệm đầy thách thức. Một lần nữa, trong đầu cô bạn ấy lại hiện lên ý nghĩ “Các bạn ấy giỏi quá”. Dù đạt được rất nhiều thành tích nhưng chưa bao giờ cô có ý nghĩ kiêu ngạo, khinh thường mọi người, chưa bao giờ cô có ý nghĩ sẽ ngừng cố gắng. Giờ đây, cô càng hiểu ra rằng những gì cô biết là quá ít ỏi so với biển kiến thức mênh mông ngoài kia. Cô càng cố gắng nhiều hơn nữa để thể hiện bản lĩnh của con người Việt Nam không thua kém gì bạn bè quốc tế. Cũng phải kể đến rằng trong những hoạt động vui chơi, cô cũng luôn là người sôi nổi nhất. Vốn không có nhiều tài năng về âm nhạc nhưng khi đoàn Việt Nam cần một tiết mục để tham gia biểu diễn thì cô là người chủ động đứng ra dàn dựng tiết mục múa nón cho cả đoàn Việt Nam và khích lệ mọi người cùng tham gia tập luyện.
Đặc biệt, sau chương trình này, các thành viên trở về nước thực hiện dự án cho đất nước mình với sự tài trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kì. Không phải là một dự án hoành tráng tốn hàng ngàn đô la, ấp ủ ước mơ được cống hiến cho chính quê hương của mình, cô đã dành dự án này cho chính các em học sinh THCS ở miền quê mà mình sinh ra, với tên gọi “YSEALI- Cho Những Mái Trường Xanh”. Hôm thuyết trình dự án trước toàn thể những giáo sư, chuyên gia, cô thực sự đã có chút ý nghĩ tự ti vì dự án của mình quá nhỏ bé so với của tất cả các bạn. Nhưng thật bất ngờ rằng dự án của cô lại được đánh giá rất cao bởi các chuyên gia Hoa Kỳ bởi tính thực tiễn, sáng tạo và tiết kiệm của nó. Dự án này thậm chí còn được đem ra triển lãm ở những sự kiện sau đó.
Khi trở về Việt Nam, để thực hiện một dự án với số tiền nhỏ thật sự không dễ dàng. Nhưng cuối cùng bằng quyết tâm và sự hỗ trợ từ các bạn tình nguyện viên đến nay Quy đã thực sự thực hiện được dự án này thành công sau điểm trường đầu tiên và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dự án trong các điểm trường tiếp theo. Sau thành công ở điểm trường thứ nhất, dự án đã ngày càng gây được tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà tài trợ, truyền thông, các cá nhân trong và ngoài nước nước. Các bạn thành viên của YSEALI trong khu vực Đông Nam Á cũng hi vọng sử dụng ý tưởng này để làm dự án tương tự tại quê hương mình.
Cô bạn ấy thực sự đã làm được điều mà bạn đã viết trong bài luận để ứng tuyển cho chương trình này “Tôi không cần làm những điều lớn lao nhưng tôi muốn có thể làm những điều nhỏ bé với trái tim lớn và mang lại những hiệu quả tích cực và lâu dài”.
Cuộc hành trình của cô bạn ấy chắc chắn không dừng lại tại đây, nó vẫn đang tiếp tục. Thậm chí còn nhiều khắc nghiệt và chông gai hơn. Nhưng tôi tin là với nghị lực, quyết tâm, với sự ủng hộ từ cha mẹ, bạn bè không gì có thể trở ngại bạn ấy trong hành trình tìm kiếm thành công.
Đã đọc trong sách báo rất nhiều những tấm gương vượt khó và thành công, tôi rất xúc động với những con người như vậy nhưng khi được tận mắt chứng kiến một con người thật, việc thật ngay bên cạnh mình, tôi càng tin tưởng mạnh mẽ hơn vào sức mạnh của sự cố gắng. Đã có những lúc chúng tôi ngồi tâm sự với nhau rất nhiều về hoàn cảnh của nhau, về những lo lắng và khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Bạn ấy đã kể rất nhiều khó khăn, nỗi buồn của bản thân nhưng chưa bao giờ tôi thấy bạn ấy từ bỏ, ngừng nỗ lực trên con đường mà mình đã chọn. Có lẽ sự thành công của bạn ấy chưa phải là gì so với nhiều người nhưng tôi vẫn cảm phục bạn ấy vô cùng vì bạn ấy đã luôn vượt qua được chính mình và không ngừng hoàn thiện bản thân.
Cái tên của người cha đáng kính trong danh bạ điện thoại có lẽ vẫn mãi là “Con làm được” vì những chông gai trong hành trình cuộc đời là không bao giờ chấm dứt. Nhưng tôi luôn biết rằng bạn ấy sẽ luôn làm được vì có cha mẹ, có mọi người ủng hộ và vì bạn biết rằng “Với nỗ lực, không gì là không thể”.
Phạm Thị Thanh Loai - trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội
Cuộc thi viết và sáng tác ca khúc “Sinh viên Việt Nam- Những câu chuyện đẹp” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức với sự đồng hành là Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam. Bài viết dự thi gửi về địa chỉ mail svvnnhungcauchuyendep@gmail.com. Ban tổ chức sẽ giới thiệu các bài dự thi trên trang mạng xã hội www.facebook.com/svvnnhungcauchuyendep. Các ca khúc dự thi phải gửi kèm ca khúc đã được thu âm (định dạng mp3). Thời gian nhận bài: từ ngày 01/11/2015 đến hết ngày 20/3/2016 |