13 công trình ý tưởng vào chung kết Tri thức trẻ vì giáo dục

08:50 06/11/2019     1809

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2019” mùa thứ 4 đã thu hoạch được hơn 539 công trình, nghiên cứu gửi về, tăng hơn 138 công trình so với năm 2018.

 

Ban tổ chức chấm vòng sơ khảo cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 tại Hà Nội, ngày 2/11

 

539 hồ sơ công trình, sáng kiến gửi về tham dự chương trình năm nay đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Các tác giả tham gia cuộc thi cũng bao gồm nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Điều này cho thấy hiệu ứng của chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" lan tỏa rộng, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, xã hội.

Trong số đó, có 274 công trình, sáng kiến thuộc nhóm chủ đề đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 141 công trình, sáng kiến thiên về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập; và 124 công trình, sáng kiến đưa ra những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Sau vòng sơ khảo, dưa trên tiêu chí tính mới, tính khả thi và được xác minh quyền sở hữu trí tuệ, ban tổ chức đã lựa chọn ra 13 công trình, sáng kiến tiêu biểu lọt vào vòng chung kết.

Trong đó có thể kể đến phần mềm học tiếng Anh Typing Race - nhóm tác giả Nguyễn Nhật Minh Đăng, Nguyễn Thị Diệu Lê, Nguyễn Dương Nhật Linh (Lâm Đồng); phương pháp ứng phó với các tình huống nguy hiểm - nhóm tác giả Phạm Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Thị Thanh Hằng Nguyễn Tuấn Dũng (Quảng Ninh); nghiên cứu, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn Toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập - tác giả Nguyễn Sỹ Nam (Đoàn KCCQTW).

Nhóm tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trần Hoài Nam (Vĩnh Phúc) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo module đánh lỗi thiết bị đào tạo điều khiển từ xa. Hệ thống đào tạo và hỗ trợ giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục - nhóm tác giả Nguyễn Hữu Long, Nguyễn Thành Luân, Lê Hải Thanh, Tào Thị Nhung (Hà Nội); thiết kế và xây dựng website tìm hiểu các vấn đề về cảm xúc và nhu cầu trợ giúp tâm lý cho học sinh THPT - nhóm tác giả Nguyễn Cẩm Tú, Nguyễn Minh Tú (Hà Nội) cũng thu hút sự chú ý từ Ban tổ chức.

Moove - trò chơi kích thích vận động, phát triển tư duy ở trẻ khuyết tật do nhóm tác giả Nguyễn Duy Phước Hải, Thân Đoàn Thuận (Quảng Trị) gửi về tham dự. Bộ ấn phẩm góp phần xoá bỏ định kiến giới của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn - nhóm tác giả Nguyễn Hải Chi, Nguyễn Thùy Linh (Lạng Sơn) nhận được phản hồi tốt từ ban tổ chức.

Những ứng dụng hữu ích khác có thể kể đến như sách Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường - nhóm tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức (Đà Nẵng); SHubClassroom - nhóm tác giả Nguyễn Ðãng An, Huỳnh Quốc Tuấn, Lê Vãn Tư, Nguyễn Hoàng Kha (TP.HCM); nghiên cứu thiết kế mô hình thiết bị hỗ trợ người khiếm thanh nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Đạt, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Minh Đức, Đinh Đức Tiến, Trần Minh Hiếu (Hà Nội); từ điển Việt - M'Nông, M'Nông - Việt trên điện thoại Android - tác giả Văn Thành Đạt (Đắc Nông); ứng dụng học tập Memo - nhóm tác giả Tống Hương Giang, Nguyễn Thị Thu Hà, Hoàng Mậu Trung (Đoàn KCCQTW).

Chương trình dự kiến chấm chung khảo vào ngày 8/11 và lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 9/11.

Theo Ban tổ chức, sẽ có tối đa 5 công trình, sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu được nhận giải thường gồm: Kỷ niệm chương "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền mặt 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.

Năm nay, ngoài tối đa 5 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng, các công trình lọt vào vòng chung kết sẽ nhận giải "Cống hiến" gồm Bằng khen của Trung ương Đoàn, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng 10 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình còn trao nhiều giải thưởng phụ với giá trị 2 - 5 triệu đồng.

“Chỉ có tác giả, nhóm tác giả thôi chưa đủ, cần sự hỗ trợ từ các bên khác nhau, từ nhà trường, giáo viên, học sinh cho đến những nơi có thể hỗ trợ startup. Thực tế, để được chấp nhận, một sản phẩm cần qua nhiều công đoạn. Do đó, các tác giả cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện sản phẩm, BTC kết nối sự hỗ trợ của các bên liên quan, thì sản phẩm sẽ sớm được đưa vào ứng dụng thực tiễn hiệu quả", ông Trần Nam Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

 

Tại buổi họp báo “Tri thức trẻ vì giáo dục 2019”, ban tổ chức đã hỗ trợ kinh phí cho một số công trình tiêu biểu năm 2018.

 

Là đơn vị đồng hành suốt nhiều năm liền, ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc marketing Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long mong muốn sẽ sớm tìm ra "quán quân" của những công trình, sáng kiến có chất lượng, có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn giảng dạy.

"Bên cạnh việc có nhiều tri thức trẻ ngày càng biết tận dụng tối đa tiềm lực của nền tảng công nghệ vào trong các sáng kiến về giáo dục trải nghiệm và hướng nghiệp, chúng tôi tin rằng ngoài nỗ lực của BTC, chương trình cũng cần sự chung tay góp sức của các nguồn lực xã hội, các tổ chức, các doanh nghiệp để các ý tưởng giáo dục này có thể hoàn thiện hơn và được nâng tầm hơn", ông Hào bày tỏ sự đồng tình trong việc kêu gọi hiện thực hóa các công trình, ý tưởng nhằm đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Năm 2019, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức chính thức bước sang năm thứ 4.

 

 

Bảo Anh