Tìm giải pháp di cư an toàn cho thanh niên trong kỷ nguyên số

08:52 19/12/2023     4071

Hội nhập Quốc tế   Đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, khẳng định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của thanh niên trong hành trình di cư an toàn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn.

Chiều 18.12, Phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Cơ quan Di cư của Liên Hiệp Quốc phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm "Hộ chiếu tới tương lai: Tạo thay đổi tích cực và vun đắp cơ hội cho thanh niên".

 

Tìm giải pháp cho di cư an toàn cho thanh niên trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, và các đại biểu tham dự tọa đàm

 

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Tường Lâm cho biết, toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... đã đặt các quốc gia trên thế giới trước những thời cơ và thách thức to lớn.

 

Tìm giải pháp cho di cư an toàn cho thanh niên trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại tọa đàm

 

"Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu lao động trong các ngành và khan hiếm việc làm; vấn đề di cư lao động, học tập quốc tế là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa. Người lao động có xu hướng di cư từ tỉnh, quốc gia dư thừa lao động, thu nhập thấp sang các tỉnh, quốc gia thiếu hụt lao động và có thu nhập cao", Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Tường Lâm cũng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho biết, số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số và di cư nội địa là hơn 7% dân số, trong đó chủ yếu là thanh niên.

"Thanh niên di cư thường đối mặt với các vấn đề khó khăn như thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc, kỹ năng tìm kiếm việc làm trên không gian mạng; làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị trả lương không tương xứng, bị phân biệt đối xử về lương so với người sở tại... Ngoài ra, rào cản về ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa cũng khiến lao động di cư chịu nhiều thiệt thòi", đồng chí Nguyễn Tường Lâm khẳng định.

Theo Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của thanh niên trong hành trình di cư an toàn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của tổ chức Đoàn.

Do đó, T.Ư Đoàn và IOM Việt Nam đã phối hợp tổ chức sự kiện này với mong muốn đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ tạo môi trường, cơ hội để thanh niên được rèn luyện, nâng cao kỹ năng tiếp cận dịch vụ, thông tin di cư an toàn khi tham gia vào thị trường lao động, học tập trong và ngoài nước.

Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, nhấn mạnh trong tương lai thậm chí sẽ có nhiều người dịch chuyển hơn nữa, để tìm thấy những cơ hội tốt hơn cho cuộc sống và trải nghiệm đa dạng hơn cho bản thân họ.

 

Tìm giải pháp cho di cư an toàn cho thanh niên trong kỷ nguyên số - Ảnh 3.

Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam

 

"Toàn cầu hóa và sự phát triển của internet sẽ tạo ra một thế giới khác cho giới trẻ. Vì vậy, quan trọng hơn nữa là thế hệ trẻ được trang bị kiến thức, kỹ năng mới để tự định hướng trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa hiện nay", bà Park nói.

Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam cho biết, IOM đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan Chính phủ và các đối tác liên quan để trang bị cho thanh niên những kỹ năng mới và thực tế; chia sẻ kiến thức về bối cảnh việc làm đang thay đổi và hỗ trợ Chính phủ điều chỉnh hệ thống giáo dục - đào tạo nghề để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

"Những người trẻ là hiện thân của niềm hy vọng và có thể là nhân tố của sự thay đổi vì một tương lai toàn diện, bền vững. Chúng ta hãy hành động ngay hôm nay và cùng nhau, chúng ta có thể mang lại môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ có thể tham gia vào việc ra quyết định và phát huy hết tiềm năng của họ", bà Park chia sẻ.

 

Theo TNO