Ra mắt chỉ số phát triển thanh niên ASEAN giai đoạn II

16:42 30/08/2021     3633

Hội nhập Quốc tế   ĐTN: Sáng 30/8, Lễ ra mắt chỉ số phát phát triển thanh niên ASEAN giai đoạn II được diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ở giai đoạn II, Dự án tập trung vào Chỉ số thứ 5 về Nhận thức, Giá trị và Bản sắc ASEAN.

Tham dự có ngài Lim Jock Hoi, Tổng thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đồng chí Alunxay Sủn Lạ Lạt, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội nghị Bộ Trưởng Thanh niên ASEAN; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Ban Thư ký ASEAN, các Bộ, cơ quan phụ trách công tác thanh niên các nước ASEAN, Nhóm công tác, Nhóm chuyên gia và các tổ chức, cơ quan.

Xây dựng thế hệ thanh niên ASEAN sẵn sàng cho tương lai, tự tin hội nhập quốc tế

Giai đoạn 1 Dự án đã được Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) hoàn thành năm 2016 với 04 chỉ số đầu tiên: Giáo dục, Sức khỏe và phúc lợi, Việc làm và cơ hội, Sự tham gia của thanh niên. Giai đoạn 2 Dự án tập trung vào Chỉ số thứ 5 về Nhận thức, Giá trị và Bản sắc ASEAN được Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Quỹ Phát triển ASEAN hoàn thành trong năm 2021.

 

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tại Lễ ra mắt chỉ số phát triển thanh niên ASEAN giai đoạn II

 

Phát biểu tại Lễ ra mắt, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho biết: Cùng với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, các nước ASEAN trong thời gian qua, trong đó có Việt Nam, đã không ngừng quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển của người dân nói chung và thanh niên nói riêng. Nhiều nước ASEAN đã ban hành các luật, chính sách, chiến lược phát triển thanh niên, đầu tư cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho thanh niên ASEAN được giáo dục toàn diện, phát triển cả về tri thức, kĩ năng và thể chất, nâng cao khả năng có việc làm, có môi trường lập thân, lập nghiệp thuận lợi, giúp xây dựng một thế hệ thanh niên ASEAN sẵn sàng cho tương lai, tự tin hội nhập quốc tế, đóng góp cho sự phát triển của từng nước thành viên ASEAN nói riêng và toàn khối ASEAN nói chung.

Việc Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN được hoàn thành với 5 nội dung chính gồm: Giáo dục, Sức khỏe và phúc lợi, Việc làm và cơ hội, Sự tham gia của thanh niên và Nhận thức, Giá trị và Bản sắc ASEAN đã thể hiện đầy đủ sự nhất quán, đoàn kết của các cơ quan phụ trách thanh niên các quốc gia thành viên ASEAN trong việc phối hợp về chính sách thanh niên, thể hiện sự quyết tâm phát triển thanh niên ASEAN, cam kết xây dựng cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn. Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN giai đoạn 1 được ban hành với các tiêu chí cụ thể về giáo dục, sức khỏe, việc làm, khởi nghiệp, sự tham gia của thanh niên trong công tác xã hội đã giúp các cơ quan phụ trách thanh niên ASEAN nói chung và thanh niên ASEAN nói riêng có sự tham chiếu, nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện của thanh niên và từng quốc gia, góp phần giúp thanh niên ASEAN cơ bản được trang bị các kiến thức, kỹ năng tương đồng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong thanh niên khu vực, từng bước giúp thanh niên tự tin hội nhập khu vực và thế giới.

Chung tay xây dựng “Một tầm nhìn - một bản sắc - Một cộng đồng” ASEAN

Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn tin tưởng rằng, với chỉ số cuối cùng về nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN được ban hành tại giai đoạn 2 này, thanh niên ASEAN sẽ được tăng cường nâng cao hiểu biết về ASEAN, chính phủ các nước ASEAN sẽ có thêm khuyến nghị trong việc xây dựng các chính sách giúp thanh niên và người dân ASEAN gần nhau hơn, cùng nhau giải quyết những vấn đề chung, cấp bách của khu vực và của thế giới.

 

Lễ ra mắt giai đoạn II được tổ chức theo hình thức trực tuyến

 

Trong những năm qua, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam luôn chú trọng công tác phát triển thanh niên, phối hợp đề xuất, xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ cho thanh niên trong học tập, lao động, khởi nghiệp, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, vui chơi giải trí, phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Luật Thanh niên, quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên, chính sách của nhà nước hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển toàn diện. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược Phát triển Thanh niên giai đoạn 2021 – 2030, thể hiện sự quan tâm to lớn của Nhà nước, Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị đối với thanh niên Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban hành nhiều cơ chế, chính sách dành cho thanh niên trên các lĩnh vực và đối tượng thanh niên.

“Đối với các hoạt động giao lưu, hợp tác thanh niên trong khu vực, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam luôn nỗ lực tham gia một cách tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, thể hiện cam kết chung tay xây dựng “Một tầm nhìn - một bản sắc - Một cộng đồng” ASEAN”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Nâng cao nhận thức về ASEAN cho thanh niên Việt Nam

Trong thời gian tới, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cam kết sẽ không ngừng nỗ lực để đóng góp vào việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch hoạt động thanh niên ASEAN giai đoạn 2021-2025 thông qua các chương trình hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+ và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN cho thanh niên Việt Nam.

 

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Lễ ra mắt chỉ số phát phát triển thanh niên ASEAN giai đoạn II

 

“Thời gian qua, chúng ta đã không thể tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN nói chung và hợp tác thanh niên ASEAN nói riêng theo hình thức truyền thống do tác động của đại dịch Covid-19 ở từng nước, khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn chưa từng thấy do đại dịch mang lại, chúng ta vẫn duy trì việc gặp gỡ, trao đổi thông tin thường xuyên qua hình thức họp trực tuyến, tôi cho rằng đây là một sự thích ứng nhanh nhạy của ASEAN nói chung, thanh niên ASEAN nói riêng, cho thấy đặc điểm cốt lõi của thanh niên ASEAN đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để góp phần ngăn chặn dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh, dần đem lại sự ổn định kinh tế - xã hội tại mỗi quốc gia và trong khu vực”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động hợp tác thanh niên ASEAN trong thời gian tới, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Ban Thư ký ASEAN tăng cường hợp tác, hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan phụ trách công tác thanh niên của các nước ASEAN; đồng thời đề nghị các cơ quan phụ trách công tác thanh niên của các nước ASEAN đẩy mạnh hợp tác với nhau thông qua ba đề xuất cụ thể: Tăng cường công tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc tham vấn, xây dựng và kiến nghị các chính sách, chương trình, chiến lược nhằm khắc phục hạn chế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của thanh niên; Tăng cường các hoạt động hợp tác thúc đẩy sự tiến bộ của các chỉ số phát triển thanh niên ASEAN và tăng cường các hoạt động hợp tác trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên và các tổ chức thanh niên ASEAN trong việc phòng chống, thích ứng với đại dịch Covid-19.

 

Ngày nay, hơn 223 triệu thanh niên ở độ tuổi từ 15-35 hiện đang sinh sống tại 10 quốc gia thành viên ASEAN, đóng góp một phần ba dân số cho tổng dân số 654 triệu người của khu vực. Số lượng cũng như tỉ trọng dân số của thanh niên ASEAN chưa bao giờ lớn như lúc này. Cùng với đó, các thách thức mà thanh niên ASEAN phải đối mặt cũng là chưa từng có tiền lệ. Nếu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến thách thức phải học hỏi và rèn luyện bản thân, nhằm tận dụng và làm chủ những công nghệ chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại; thì đại dịch COVID-19 lại mang đến động lực sáng tạo và quyết tâm thay đổi, từ hiện thực tàn khốc mà dịch bệnh đã tạo ra.

Một cuộc khảo sát rộng rãi đã được tiến hành, lấy ý kiến của hơn 2000 sinh viên tại 10 cơ sở giáo dục đại học tại 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Cam pu chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Sinh viên tại các trường đại học cấp vùng ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã được khảo sát, nhằm đảm bảo một không gian mẫu đủ lớn và đa dạng với kết quả thống kê mang nhiều tính đại diện nhất có thể.

Kết quả của cuộc khảo sát đã chỉ rõ: thanh niên ASEAN, về cơ bản có nhận thức về ASEAN, chia sẻ các giá trị của ASEAN, và suy nghĩ tích cực về Bản sắc ASEAN. Những vấn đề thu hút được nhiều mối quan tâm của thanh niên ASEAN là xóa đói-giảm nghèo, sức khỏe và kiểm soát bệnh tật, và du học thông qua các chương trình giao lưu- trao đổi giáo dục. Về ba trụ cột của khu vực, thanh niên ASEAN đặt ưu tiên cho trụ cột Kinh tế, tiếp đến mới là Văn hóa-Xã hội, và Chính trị- An ninh chỉ đứng sau cùng. Kết quả khảo sát cho thấy thanh niên có được thông tin và hiểu biết về ASEAN thông qua hệ thống trường công, hệ thống truyền thanh-truyền hình-truyền thông quốc gia, mạng internet, và mạng xã hội. Các đối tượng trả lời khảo sát cũng gợi ý về sự cần thiết của một bản chỉ dẫn (sổ tay) nhằm giới thiệu về ASEAN và truyền tải các thông điệp cốt lõi của ASEAN đến với thanh niên và người dân.

 

Trịnh Lý