Chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện không tách rời xu thế chung

16:31 15/09/2023     126020

Hội nhập Quốc tế   ĐTN: Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, chiều 15/9 đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề 1 “Chuyển đổi số” được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Fakafanua, Chủ tịch Nghị viện Tonga, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

 


Theo đó, phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.

Tạo cơ hội cho thanh niên thể hiện ý kiến tại nghị viện

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho biết, hiện nay thanh niên chiếm 50% dân số thế giới tuy nhiên chỉ 2,8% nghị sĩ ở nghị viện của các quốc gia là dưới 30 tuổi. Qua chia sẻ của các diễn giả tại Hội nghị cho thấy thanh niên đang tiên phong trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp kinh tế…với sự đóng góp năng động, linh hoạt và hiệu quả. 

Theo Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden, cách những người trẻ nhìn thế giới, nhìn nhận các vấn đề khác với thế hệ khác nhưng dù là ai cũng đều phải có trách nhiệm để theo kịp với những thay đổi và phải tìm ra giải pháp thích ứng cho thay đổi, nhất là trong hoạt động của nghị viện.
 


Trước thực tế nghị viện một số nơi chưa kết nối tốt với thanh niên, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho rằng nếu thanh niên không có cơ hội được thể hiện ý kiến thì nghị viện ngày càng xa rời người dân. Do đó, nâng cao năng lực thể chế, tạo ra cơ hội cho thanh niên được nói lên tiếng nói của mình sẽ giúp cho các nghị viện gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và người dân. 

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden chỉ rõ, ngày nay, nhiều thách thức đang phải đối mặt liên quan đến công nghệ như tin giả, chia rẽ xã hội, chia rẽ chính trị…hay những sự kiện xảy ra gần đây đã cho thấy cần phải nâng cao nhận thức chung về sử dụng công nghệ hiệu quả hơn để giải quyết những thách thức trong xã hội và giúp các cơ quan lập pháp đưa ra quyết định đúng đắn vì sự phát triển.

Nỗ lực nắm bắt thời cơ chuyển đổi số

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH Việt Nam) cho rằng, ngày nay, mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.

Theo đó, yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.

 

 

Thứ hai, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. 
 


Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia. Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hỗ trợ và nâng cao các hoạt động của Quốc hội, xây dựng, phát triển các nền tảng số, công cụ số hỗ trợ toàn diện hoạt động nghị viện, tăng cường, nâng cao nhận thức của các nghị sỹ về lợi ích và tác động của các công nghệ mới đối với mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội.

Hành động để ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ trên mạng

Phát biểu tại Phiên thảo luận, bà Cynthia Lopez Castro (Nghị sĩ Mexico) cảm ơn tới các ông bà trong Liên minh Nghị viện thế giới đã hỗ trợ các nghị sỹ trẻ các nước trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Về chuyển đổi số và những thách thức lớn thế giới đang phải đối mặt, bà Cynthia Lopez Castro cho biết, hiện chưa có cách tiếp cận phổ quát internet trên toàn cầu, điều này đòi hỏi cần có sự tiếp cận internet trên toàn cầu. 

 

 

Bà Cynthia Lopez Castro cho biết, tại Mexico có đạo luật Olympia được bắt nguồn từ việc phát tán đoạn video có nội dung tình dục nhưng không được sự cho phép - đây là hành vi bạo lực trên mạng nhưng không được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, chúng tôi đã thành công trong việc đưa vào trong Hiến pháp và coi đây là hành vi phạm tội hình sự, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều luật này cũng được nhân rộng ở nhiều bang ở Mexico và một số quốc gia.

Bà Cynthia Lopez Castro tự hào vì những nỗ lực này đã được ghi nhận và mong muốn những nỗ lực này sẽ được các quốc gia khác thực hiện nhằm ngăn chặn, bảo vệ cho phụ nữ trong hiện tại và tương lai.

 

 

Hiện tại Mexico có tỷ lệ nghị sĩ nữ chiếm tới 50%, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là phụ nữ, Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ. Tại Hội nghị này, bà Cynthia Lopez Castro hy vọng các nghị viện cùng nhau hỗ trợ thực hiện các đạo luật tương tự để ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ trên mạng.

Phát biểu tại phiên họp, nghị sĩ Serbia cho biết Quốc hội Serbia rất quan tâm tới chủ đề này Hội nghị. Năm 2021, 2022, Quốc hội Serbia đã tổ chức phiên họp với người dân về vai trò của số hoá, trong đó người dân đã chia sẻ và thảo luận về ảnh hưởng của chuyển đổi số. Qua đó Quốc hội Serbia đã nâng cao nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này đối với người dân....

 


Chuyển đổi số của Serbia đã đạt được rất nhiều thành tựu trong các năm qua. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ số. Chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, Serbia thúc đẩy việc phát triển của trí tuệ nhân tạo đã giúp người dân trao đổi thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn. Dữ liệu của thể chế dễ dàng sử dụng và dễ dàng chia sẻ hơn. 

Nghị sĩ Serbia nhấn mạnh, việc chuyển đổi từ môi trường vật lý sang môi trường số cũng rất cần thiết đối với các chủ thể tham gia vào quá trình triển khai và chuẩn bị cho chuyển đổi số. Việc sử dụng máy tính cũng là một phần nỗ lực trong thúc đẩy trí tuệ nhân tạo. Do đó, Serbia mong muốn thúc đẩy số hoá trong cả các hoạt động của doanh nghiệp./.

 

Trịnh Lý - Bảo Anh