Trí thức trẻ hiến kế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
00:01 27/11/2019 5530
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Chiều 27/11, các đại biểu trí thức trẻ là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… đang nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau đã cùng nhau thảo luận chia sẻ về chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".
“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một vấn đề được dư luận quan tâm và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua trải nghiệm và nghiên cứu của chính các nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trên toàn thế giới, nhiều giải pháp đã được đưa ra tại diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, phân tích.
Tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu đã chia sẻ các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng như: Dự án Học bổng “Việt Nam Quê hương tôi”; “Giải pháp Thiết kế, chế tạo máy phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận trong thi cử”; “Phát triển mô hình học tập trải nghiệm sáng tạo có định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong giai đoạn giáo dục ở Việt Nam"…
Giải pháp thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ở trường đại học
Qua tham luận “Phát triển giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam”, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (Nghiên cứu sinh tại St. Petersburg National Research University of Information Technologies, Nga) khẳng định, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khởi nghiệp là hoạt động được quan tâm đặc biệt. Theo đánh giá của Thanh Huyền, sinh viên là đối tượng tiềm năng của khởi nghiệp và trường đại học là môi trường khởi nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức, đa số các trường đại học của Việt Nam chưa đưa giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy chính thức, đặc biệt là ở các trường kỹ thật, dạy nghề.
Giải pháp Thanh Huyền đưa ra là đưa giáo dục khởi nghiệp vào tiêu chí kiểm định chất lượng đại học. Tăng cường cơ chế tự chủ để nâng cao tính cạnh tranh của trường. Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong trường Đại học. Có như vậy mới thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Bởi, thông qua chương trình học của giáo dục khởi nghiệp, sinh viên không chỉ được tiếp cận với kiến thức vận hành doanh nghiệp mà còn nhận được một tổ hợp kiến thức, kỹ năng phù hợp với khả năng thực tế của nhà trường và nhu cầu, trình độ của sinh viên như: kỹ năng đối mặt với thất bại, kỹ năng giao tiếp, nắm bắt cơ hội, giải quyết vấn đề,… Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những doanh nhân mà còn tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng.
Với đề tài nghiên cứu, chế tạo thành công “Máy dò phát hiện thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử” cùng các cộng sự, Giảng viên Tôn Thất Trường Nam, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Sản phẩm này có ưu điểm dễ vận hành, sử dụng, giúp phát hiện, phòng chống gian lận trong các kỳ thi tại Trường Đại học Tây Nguyên và nhiều cơ sở sát hạch đạt hiệu quả, được đánh giá cao.
Thực tế cho thấy ở mỗi mùa thi, các loại thiết bị gian lận thi cử đều được phát hiện trong và ngoài phòng thi. Nhờ sử dụng thiết bị công nghệ cao này, các thiết bị gian lận sẽ dễ dàng bị phát hiện. Theo anh Nam thì hiện nay, các thiết bị này được quảng cáo, mời bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội Facebook với giá từ 200.000 đồng đến hai triệu đồng một bộ, nếu không có tiền mua, sinh viên cũng dễ dàng thuê các thiết bị này tại các cơ sở photocopy để sử dụng. Qua nghiên cứu cho thấy, các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao có đặc điểm chung là dùng sóng vô tuyến để truyền thông tin, hình ảnh của đề thi ra bên ngoài phòng thi cho người hỗ trợ giải. Điện thoại được cài đặt chế độ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến, thí sinh có thể đọc đề thi ra bên ngoài hoặc để micro thu âm trong lúc giám thị đọc đề thi. Sau đó người ngoài truyền bài giải vào phòng thi và thí sinh nghe để làm bài.
Giảng viên Tôn Thất Trường Nam, Trường Đại học Tây Nguyên
Xuất phát từ thực tế đó, khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm của anh Nam bắt đầu từ việc phân tích cấu tạo, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các thiết bị công nghệ cao do Phòng Thanh tra - pháp chế, Trường Đại học Tây Nguyên thu được từ các kỳ thi. Tuy nhiên, các linh kiện trong mạch điện của thiết bị công nghệ cao thu được đều bị xóa thông số để bảo mật. Để tìm ra nguyên lý hoạt động của các thiết bị, nhóm đã tiến hành bóc tách từng linh kiện, đo đạc thông số bằng máy chuyên dụng, vẻ sơ đồ mạch, phân tích được nguyên lý hoạt động của các thiết bị. Từ thực tiễn nghiên cứu tính năng các thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận trong thi cử, nhóm đã nghiên cứu chế tạo ra máy dò các thiết bị trên.
Anh Nam chia sẻ: “Việc sáng chế nên thiết bị này chủ yếu là hướng đến việc răn đe sinh viên hạn chế gian lận trong thi cử để chú tâm học tập cho tốt hơn. Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết bị nhỏ, gọn, nhạy hơn. Nguyện vọng của nhóm sẽ hỗ trợ các trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng máy trong kỳ thi được minh bạch, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Dự án tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo tại Việt Nam
Đến với Diễn đàn, Hoàng Hà Thi (Tiến sĩ y khoa, Đại học Harvard, Mỹ) và Võ Kim Thảo (CEO DDC Education) mang đến Diễn đàn Dự án học bổng kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu “Việt Nam quê hương tôi”. Đây là một sáng kiến được triển khai thành dự án nhân ái kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại Việt Nam được tiếp tục đến trường.
Tiến sĩ Hoàng Hà Thi (ĐH Harvard, Mỹ) và Nghiên cứu sinh Võ Thị Kim Thảo
Dự án của Hà Thi và Kim Thảo sẽ giúp kết nối và hình thành mạng lưới người Việt khắp thế giới với tinh thần hướng về quê hương nguồn cội. Chỉ tính riêng số lượng du học sinh Việt Nam tham gia dự án (130 nghìn người, theo thống kê năm 2016). Mỗi du học sinh chỉ cần trích 1 EUR mỗi ngày - 30 EUR mỗi tháng – 360 EUR mỗi năm (tương đương 9 triệu đồng) sẽ đủ học phí cho 1 học sinh tại Việt Nam. Và chỉ cần 1% du học sinh tham gia Dự án, sẽ có 1300 học sinh tại Việt Nam được đến trường.
Dự án đang được triển khai với các định hướng là: Hình thành mạng lưới liên kết người Việt khắp 5 châu; Tinh thần hướng về quê hương nguồn cội; Mô hình crowdfunding: Đóng góp nhỏ mỗi người – tạo sức mạnh lớn, ai cũng đều có thể chung tay; Trao cơ hội và động lực vươn lên cho các em học sinh yếu thế trong xã hội; Truyền cảm hứng về một xã hội sẻ chia và lan tỏa yêu thương.
Hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút, gìn giữ nhân tài
Đến với diễn đàn lần này, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly (Johns Hopkins School of Medicine, Mỹ) mong muốn được chia sẻ về chương trình giáo dục mô hình SARE đến các chương trình trung học tại Việt Nam. Mô hình SARE nhắm đến các em học sinh cấp 3 có gia đình thuộc diện khó khăn, thu nhập thấp tại Baltimore. Đây là mô hình đã được ứng dụng thành công tại TP Baltimore của Mỹ. SARE kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm, đồng thời, mang đến cho học sinh sự hỗ trợ học tập chất lượng cao.
Nghiên cứu sinh Johns Hopkins School of Medicine (Mỹ) Nguyễn Thị Sao Ly
Sao Ly chia sẻ: Từ nguồn kinh phí tài trợ, SARE lên kế hoạch tổ chức chương trình, chọn ra các em học sinh tham gia. Tại các đơn vị đào tạo, các em sẽ được thực hành các môn khoa học, được dạy bởi những người có chuyên môn và trực tiếp thực hành. Thông qua chương trình, các em học sinh sẽ nhận được kiến thức về môn khoa học, ngành nghề mà mình quan tâm, được đào tạo kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thực hành. Từ đó, các em sẽ có được định hướng cụ thể cho sự phát triển bản thân trong tương lai.
Với chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", chị Sao Ly cho rằng SARE là một mô hình phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là giáo dục trước đại học. Tôi tin nếu được áp dụng, chương trình sẽ mang lại mộ cú hích nhỏ trong công tác đào tạo khoa học tại Việt Nam, chị mong muốn áp dụng nó tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ những đối tượng học sinh yếu kém.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu trí thức trẻ đã chia sẻ thảo luận về chủ đề “Sử dụng game mô phỏng (simulation) trong đào tạo và huấn luyện về Phát triển Bền vững” của ThS. Nghiên cứu sinh Nguyễn Viễn Thông; “Phát triển mô hình học tập trải nghiệm sáng tạo có định hướng nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn giáo dục ở Việt Nam" của Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Khuyên. Đây là nghiên cứu nhằm thúc đẩy sự quan tâm và trải nghiệm liên quan tới khoa học dành cho các bạn học sinh nhỏ tuổi, từ đó tạo ra thói quen và sự yêu thích đối với nghiên cứu khoa học từ khi còn nhỏ.
Phiên thảo luận về “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” đã thảo luận sôi nổi đã đi trực tiếp vào các giải pháp và đề xuất xoay quanh chủ đề bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Không chỉ giới hạn phạm trù nguồn nhân lực ở đối tượng người đi làm và sinh viên sắp tốt nghiệp, yếu tố bền vững được nhấn mạnh khi phạm vi thảo luận mở rộng đến cả đối tượng học sinh từ tiểu học trung học phổ thông, không phân biệt học lực, hoàn cảnh. Cụ thể, phiên thảo luận đã trao đổi sâucác sáng kiến nhằm hỗ trợ bồi dưỡng về khía cạnh tài chính (Quỹ học bổng), triển khai các chương trình mới (đào tạo khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, chương trình gap year), các giải pháp mới (hoạt động mô phỏng, đảm bảo chất lượng giáo dục). Để phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu đã chia sẻ về nguyện vọng kết nối các tổ chức, nguồn lực, sáng kiến nhằm lan toả các giá trị sâu, rộng hơn.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất Trung ương Đoàn xây dựng nền tảng số/diễn đàn nhỏ thường kỳ nằm liệt kê, kết nối các nguồn lực (bao gồm nhân lực; sản phẩm trí tuệ; các nhà tài trợ; các địa phương sẵn sàng chào đón trí thức về triển khai nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu); kết nối để hỗ trợ về vấn đề pháp lý cho các giải pháp, sáng kiến của trí thức trẻ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất thành lậpmạng lưới các trường đại học, trung học đang triển khai môn Khởi nghiệp để chia sẻ khung chương trình, cách thức thực hiện và kết nối các nguồn lực.
Các nghiên cứu và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu này sẽ được Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổng hợp và gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để có thể áp dụng vào thực tế.
Bảo Anh Tweet