Những hoạt động thiết thực xây dựng văn hóa giao thông

20:52 04/09/2017     5404

Hoạt động Hội, Đội   Văn hoá giao thông là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hoá nói chung. Nói đến văn hóa giao thông, thực chất là nói đến cách ứng xử của con người với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và quan hệ giữa con người với nhau.
Văn hóa giao thông của mỗi người không phải tự nhiên có được mà nó hình thành qua quá trình giáo dục lâu dài từ nhỏ trong gia đình, nhà trường và tiếp nhận có chọn lọc hành vi văn hóa giao thông trong xã hội.


Trong những năm qua, trên phạm vi cả nước trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 người chết và 25.000 người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Tình hình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng gia tăng đáng kể, tập trung vào các lỗi như: người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ qui định; vi phạm các qui tắc tránh vượt, đi không đúng làn đường, phần đường; vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy; chở quá số người qui định; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng..., nhiều trường hợp khi bị phát hiện, xử lý còn cố tình cản trở, chống lại người thi hành công vụ. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, bảo đảm giao thông được an toàn, thông suốt, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ngành Công an phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Một số hoạt động cụ thể như:

- Dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao cho Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, triển khai từ năm 2010 và đang tiếp tục thực hiện với nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT và nếp sống văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông trong cộng đồng thông qua nhiều hình thức văn học nghệ thuật, báo chí, phát thanh, truyền hình…

Trong mấy năm gần đây dự án đã huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn học nghệ thuật, các nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức cả nước vào cuộc, cùng xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho cộng đồng bằng các chương trình phù hợp, sinh động, thiết thực, hấp dẫn như: biểu diễn hài kịch, biểu diễn múa rối nước, ca nhạc, triển lãm ảnh, thiếu nhi vẽ tranh biếm họa và hội thảo khoa học… đã góp phần làm cho văn hóa giao thông thâm nhập sâu vào đời sống của nhân dân, tạo nên ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT và tạo ra nếp sống văn hóa, văn minh cao trong tham gia giao thông của cộng đồng.

Các cơ quan thông tin đại chúng đã hợp tác mạnh mẽ bằng một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi và liên tục về đề tài văn hóa giao thông từ báo in, báo hình, báo mạng, báo phát thanh... Cho đến nay đã có hàng trăm bài viết về văn hóa giao thông - an toàn giao thông trên các báo và hàng chục chương trình về văn hóa giao thông đã phát trên các đài truyền hình, đài phát thanh từ trung ương đến địa phương. Dự án cũng đã liên tục mở những cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với đề tài “Văn hóa giao thông” với sự tham gia của các nhạc sĩ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật. Nghệ thuật truyền thống dân tộc như: Múa rối nước Phan Thanh Liêm, hát xẩm về văn hóa giao thông của nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa và ca khúc thể hiện nội dung văn hoá giao thông cũng được áp dụng trong tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông. Những cuộc triển lãm tranh thiếu nhi vẽ và ảnh chụp về đề tài văn hóa giao thông cũng được thực hiện tại thủ đô Hà Nội và trong các trường học cấp tiểu học và trung học ở Hà Nội và một số địa phương khác. Các hội thảo quốc gia về văn hóa giao thông đã được tổ chức tại nhiều tỉnh và thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Quy Nhơn, Cần Thơ, khu vực Tây Bắc và miền sông nước Cửu Long Giang với sự tham dự của lãnh đạo địa phương cùng đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo... Đã in nhiều tập sách về văn hóa giao thông và đã phát đi tới nhiều tỉnh, thành. Có thể nói, dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật” cũng là “vũ khí mềm” tiến công vào mặt trận ATGT, góp phần để mọi người nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông, từ đó có hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, hạn chế TNGT, góp phần xây dựng TTATGT bền vững...

- Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”

Thanh niên, học sinh, sinh viên là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, chiếm số lượng đông đảo trong cơ cấu dân cư Việt Nam. Do vậy, giáo dục nhận thức và hiểu biết về Luật Giao thông và văn hóa giao thông là một nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược lâu dài. Trong phong trào chung xây dựng “Văn hóa giao thông”, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Đồng thời, tiếp tục khẳng định, cổ vũ tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn TTATGT nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương do TNGT, mở rộng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội.

Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” được Ban Bí thư Trung Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn triển khai, phát động trong các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ cả nước khởi đầu từ tháng 9/2009. Trong đó, Trung ương Đoàn đã tiến hành đề ra một số giải pháp chủ yếu như: tổ chức các lớp tập huấn cho tuyên truyền viên cấp cơ sở; xây dựng các chương trình truyền thông thực tế về văn hóa giao thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động có quy mô tạo các điểm nhấn về cuộc vận động qua các cuộc bình chọn, giới thiệu những cá nhân tiêu biểu đem các thông điệp về văn hóa giao thông đến với các bạn trẻ; bảo vệ, xây dựng các công trình giao thông công cộng; đưa ra 27 tiêu chí của Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.

- Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên giai đoạn 2012-2017

Ngày 18/4/2012, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên giai đoạn 2012-2017. Nội dung ký kết tập trung tăng cường tuyên truyền, giáo dục về pháp luật ATGT cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên; phát huy vai trò của các cấp, các ngành, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội và đoàn viên, thanh thiếu nhi trong việc giữ gìn TTATGT; đẩy mạnh cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” .

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong các trường học; nghiên cứu, bổ sung nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT lồng ghép vào chương trình chính khóa một số môn học của các cấp học; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông trong từng cấp học; triển khai chương trình giảng dạy về ATGT vào các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức và phương pháp giáo dục hiệu quả về lĩnh vực này.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình TTATGT, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ATGT; cung cấp tài liệu tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo đảm TTATGT của Đoàn; tham gia báo cáo chuyên đề về ATGT đường bộ...

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cần tổ chức các hoạt động thiết thực, bảo đảm phù hợp với các đối tượng tham gia giao thông cụ thể, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu đô thị mới. Trong bài viết này, tác giả xin nêu một số đề xuất sau:

Một là: Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hoá, Làng Văn hoá, Tổ dân phố văn hoá”. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp phải lồng ghép nội dung thực hiện nếp sống văn hoá trong tham gia giao thông vào phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hoá. Trong các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá cần có quy định cụ thể mỗi gia đình, làng, tổ dân phố phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để đạt danh hiệu Làng văn hoá phải có môi trường cảnh quan sạch, đẹp: Đường giao thông được trải nhựa hoặc bê tông, có hệ thống đèn chiếu sáng, đường phố, nơi sinh hoạt công cộng sạch đẹp; thực hiện tốt pháp luật về TTATGT. Nhấn mạnh thực hiện văn hóa giao thông là một nội dung quan trọng để trở thành gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá. Các cụm dân cư, tổ dân phố, làng, bản phải tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhân dân, xây dựng ý thức tích cực tham gia đấu tranh phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các tổ chức có trách nhiệm tổ chức việc học tập các quy định về TTATGT trong cán bộ, công chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị, địa phương của mình.

 Tăng cường vận động phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, ATGT là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xã hội công bằng dân chủ văn minh và coi đây là nội dung quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay.

Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT phải được thực hiện bằng những hình thức sinh động, phù hợp với mọi đối tượng. Tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và có khen thưởng động viên kịp thời những cá nhân và tập thể có thành tích trong việc xây dựng nếp sống văn hoá trong tham gia giao thông.

Hai là: Xây dựng “Văn hóa xe buýt”

So với các phương tiện giao thông đường bộ khác, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng có rất nhiều ưu điểm. Chỉ với 7.000đ/1 lượt là có thể đi đến mọi điểm trong nội thành Hà Nội. Gần đây, hệ thống xe buýt được phát triển cả tới các vùng ngoại thành Hà Nội và một số địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay đường phố hẹp mà xe buýt thì lại lớn, do phải đảm bảo đến bến đúng giờ, nhiều lái xe đã phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đi lấn làn đường, hoặc dừng xe bất thình lình, ngang nhiên chèn ép các xe khác để táp vào lề đường, bóp còi xe inh ỏi... Đối với những người tham gia giao thông trên xe buýt - hành khách, việc chen lấn, xô đẩy tại các bến chờ xe, trên xe thường xuyên xảy ra. Trên xe, những dòng qui định nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai; không hút thuốc lá giữ vệ sinh chung, nhưng nhiều thanh niên vẫn làm ngơ. Từ thực trạng văn hóa giao thông của người điều khiển và tham gia giao thông trên xe buýt đang gióng lên một hồi chuông về việc xây dựng văn hóa giao thông xe buýt. Việc mở cuộc vận động “Văn hóa xe buýt” trong các công ty xe buýt, đối với lái xe buýt, trong sinh viên, trong công nhân các nhà máy, xí nghiệp; hoặc đưa vào chỉ tiêu thi đua của các khu dân cư (nếu có đông người tham gia giao thông bằng xe buýt) là hết sức cần thiết để tạo sự yên tâm, tin tưởng, an toàn cho người tham gia đi xe buýt, tạo hình ảnh đẹp cho khách quốc tế đến Việt Nam; để xe buýt thực sự trở thành một phương tiện công cộng văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 

Ba là: Tổ chức “Diễn đàn xây dựng văn hóa giao thông”

Các trường học cần tổ chức “Diễn đàn xây dựng văn hóa giao thông”, qua đó để lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng cũng như các ý kiến đề xuất của học sinh, sinh viên về trách nhiệm xây dựng văn hóa giao thông, phát huy sức sáng tạo và thu hút các em cùng quan tâm vào một vấn đề lớn trong xã hội. Từ đó giúp các em tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi khi tham gia giao thông, ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, tạo hình ảnh đẹp trong mắt mọi người khi tham gia giao thông: từ trang phục đến phương tiện, cử chỉ, lời nói, giao tiếp, ứng xử hay hành động giúp đỡ, hỗ trợ người gặp nguy hiểm, tai nạn khi tham gia giao thông, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, góp phần hình thành, xây dựng văn hóa giao thông.

Để làm được điều đó, một điều khá quan trọng là các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải luôn là những tấm gương sáng trong việc chấp hành nghiêm túc các qui định của pháp luật về ATGT. Nếu làm được như vậy, cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên mới có hiệu quả, hướng các em vào việc ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.