Lao động nữ trình độ đại học thất nghiệp nhiều hơn nam giới
00:01 27/11/2019 1620
Hoạt động Hội, Đội Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019, chiều 27/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi thảo luận “Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội”.
Nhóm thảo luận về nội dung đảm bảo công bằng xã hội cũng là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu dự Diễn đàn năm nay, với những chia sẻ về các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng như: “Sử dụng game mô phỏng (simulation) trong đào tạo và huấn luyện về phát triển bền vững”, “Các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp: Nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Việt Nam”, “”, “Các nhân tố thành công cốt lõi (CSFs) trong việc phát triển bền vững nhà ở xã hội ở Việt Nam”, “Xây dựng và đẩy mạnh chế định về điều kiện làm việc linh hoạt trong pháp luật lao động Việt Nam”…
Nói về đảm bảo quyền bình đẳng trong cơ hội tiếp cận việc làm của người lao động yếu thế tại Việt Nam, thạc sĩ Lê Quỳnh Mai, giảng viên Học viện An ninh nhân dân cho rằng: Mặc dù Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Bộ luật Lao động năm 2012 đều khẳng định mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện hành vẫn bao hàm một số quy định vô hình chung có tính phân biệt đối xử trên cơ sở giới, như những quy định về các nhóm ngành nghề lao động nữ không được phép thực hiện, chưa có các quy định cụ thể về đào tạo lao động nữ…
“Lực lượng lao động ở Việt Nam rất dồi dào. Hiện tại có 55,4 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng có tới 1,1 triệu người bị thất nghiệp. Trong số lao động có việc làm thì nữ giới chiếm 47,7%, lao động nữ ít được đào tạo so với lao động nam, và dễ dàng bị sa thải hơn. Đáng chú ý hơn là số lao động nữ trong nhóm lao động thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%. Cùng với đó là thu nhập bình quân của nữ là 4,7 triệu đồng/tháng, thấp hơn 1,4 lần so với nam giới”, thạc sĩ Lê Quỳnh Mai nói.
Thạc sĩ Mai cũng chỉ ra nguyên nhân việc khoảng 30% người khuyết tật ở Việt Nam có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm. Điển hình như khó tiếp cận vốn vay ưu đãi để học nghề và mở rộng cơ sở sản xuất dành cho người khuyết tật; 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hoá thấp, thiếu thông tin việc làm; người sử dụng lao động không sẵn sàng tiếp nhận người khuyết tật bởi nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan…
Thuyết trình vấn đề năng suất lao động nhìn từ khía cạnh giới, thạc sĩ Nguyễn Quốc Định (Trường chính sách và quản lý Schar thuộc ĐH George Mason, Mỹ) nói: “Nghiên cứu của tôi tập trung tìm hiểu sự khác biệt về năng suất lao động giữa hai loại hình doanh nghiệp có chủ là nữ và nam, nhằm đưa ra khuyến nghị là kinh nghiệm đóng vai trò rất lớn đối việc việc nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp có chủ là nữ. Trong đó phải nhờ tới sự hỗ trợ chính sách của nhà nước như thủ tục vay vốn, thay đổi định kiến của mọi người đối với phụ nữ…”.
Mang tới buổi thảo luận đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năng suất lao động - Hướng tới phát triển bền vững”, nghiên cứu sinh Thái Thị Hồng Minh (Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Trị) chia sẻ: Năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8% một năm và có sự cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khối ASEAN. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như quy mô nền kinh tế nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực còn chậm, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Từ những hạn chế trên, chị Minh đưa ra 7 giải pháp nhằm tập trung tăng trưởng quy mô nền kinh tế, rà soát, sửa đổi phù hợp các chính sách liên quan…
Tại buổi thảo luận, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều vấn đề như môi trường làm việc và những yếu tố liên quan tới sức khoẻ của công nhân khu công nghiệp; Xây dựng và đẩy mạnh chế định về điều kiện làm việc linh hoạt trong pháp luật lao động; Chính sách hạn chế tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số; Đi học sớm ở bậc mầm non có giúp phát triển kỹ năng tốt hơn không? Minh chứng từ phương pháp Double Machine Learning…
Nguồn TPO-BA Tweet