Gặp mặt giáo viên tiêu biểu tham dự “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018
11:08 14/11/2018 1039
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Sáng ngày 14/11, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức gặp mặt Giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.
Quang cảnh buổi gặp mặt |
Dự chương trình có các đồng chí: Bùi Quang Huy – Bí thư Trung ương Đoàn; Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Nguyễn Đình Tâm – Tổng Giám đốc tập đoàn Thiên Long; cùng các đại diên Vụ, cục Bộ Giáo dục & Đào tạo, đại diện các Ban, đơn vị Trung ương Đoàn và 48 thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long triển khai chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, giai đoạn 2015 - 2019.
Đây là hoạt động nhằm thiết thực triển khai chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng cống hiến trong thanh niên; ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đóng góp của đội ngũ giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, dạy học sinh khuyết tật…
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 sẽ tuyên dương các thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau 02 tháng kể từ khi phát động chương trình (25/7 – 25/9/2018), Ban Tổ chức đã nhận được hồ sơ của 48 gương thầy cô giáo từ các tỉnh, thành phố gửi về.
Tại chương trình gặp mặt, các thầy, cô giáo tiêu biểu đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất với Bộ Giáo dục & Đào tạo một số nội dung liên quan đến công tác giảng dạy và chăm sóc cho trẻ em khuyết tật, cơ chế hỗ trợ cho giáo dục đặc biệt. qua thực tiễn công tác của mình.
Các thầy, cô giáo chia sẻ tại chương trình |
Chia sẻ tại chương trình, thầy Võ Duy Quang - Trường khiếm tính tỉnh Lâm Đồng cho biết, bản thân là 1 người khiếm thính đang dạy học cho các em học sinh giống mình, tôi cảm thấy rất hào hứng và vui mừng vì sự tiến bộ rõ rệt của các em.
Thầy Quang cũng bày tỏ một số khó khăn trong quá trình giảng dạy không có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính; trẻ khiếm thính chỉ được tham gia học tập tại trường tiểu học, chưa có các trường ở cấp học cao hơn cho trẻ khiếm thính, từ đó đã phần nào tách biệt trẻ khiếm thính với xã hội.
“Đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm tạo điều kiện để trẻ khiếm thính được học tập ở các cấp học cao hơn” – thầy Quang nói.
Đồng tình với ý kiến của thầy Võ Quang Duy, cô Nguyễn Thị Liễu – Trung tâm Giáo dục dạy nghề tỉnh Nghệ An bày tỏ: Tài liệu, SGK cho trẻ khiếm thính có nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu, hiện nay, mới chỉ có bộ sách kí hiệu bằng kênh hình nhưng chưa có ngôn ngữ viết (chữ). Bộ sách này cũng mới chỉ được 3.750 từ, còn rất ít so với lượng từ mà người khiếm thính cần sử dụng hàng ngày.
Cô Liễu mong muốn bộ ngôn ngữ dành cho người điếc được hoàn thiện, thao kịp sự phát triển ngôn ngữ hiện đại.
Dịp này, cô Nguyễn Thị Liễu đề xuất: Bộ Giáo dục & Đào tạo lưu tâm hỗ trợ thêm về tài liệu liên quan đến giáo dục trẻ đặc biệt để các thầy cô tiếp tục giáo dục cho trẻ khiếm thính tốt hơn. Ngoài ra, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần quan tâm, tổ chức các hội thảo chuyên môn nghiệp vụ dành cho các trẻ khiếm thính.
Trăn trở về dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, cô Trần Thị Tín Nghĩa - Giáo viên trường dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ bày tỏ: Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn nên mảng dạy nghề chỉ có may và thủ công mỹ nghệ, đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, sau khi học xong các em không có việc làm. Mặt khác, nhu cầu học tập của học viên về những ngành nghề hiện nay đã thay đổi.
Cô Nghĩa đề nghị, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có chủ trương mở rộng các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của xã hội và có sự phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để tạo cơ chế giúp đỡ để các học sinh khuyết tật sau đào tạo có công việc phù hợp với khả năng của mình.
Kiến nghị tại chương trình, cô Phạm Thị Thu Thanh – Giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, nên đưa giáo dục đặc biệt như một môn học chung cho tất cả sinh viên đang theo học ngành sư phạm để trang bị thêm cho các thầy cô giáo tương lai những kiến thức về dạy học cho trẻ khuyết tật.
Cô Thanh cũng cho biết thêm, hiện nay, các trường và trung tâm đang đón nhận rất nhiều trẻ khuyết tật, trong đó, số lượng trẻ đa tật đang có xu hương tăng lên.
“Bộ Giáo dục & Đào tạo nên có lộ trình đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các thầy, cô trong giáo dục trẻ đa tật để đáp ứng với công việc tốt hơn” – cô Thanh đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ghi nhận và gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp và cống hiến của các thầy cô đang giảng dạy tại các Trường, Trung tâm giáo dục chuyên biệt.
“Với đối tượng là những trẻ em gặp hoàn cảnh kém may mắn, công cuộc giáo dục đặc biệt cho trẻ em khuyết tật đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì, hy sinh của các thầy cô” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc hy vọng, các thầy cô sẽ luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu với nghề và đặc biệt với trẻ khuyết tật có hoàn cảnh kém may mắn, lấy việc giáo dục trẻ là niềm vui để giúp các em học tập, hòa nhập và trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội.
“Đất nước đang càng ngày càng phát triển, nhưng sự phát triển đó sẽ không trọn vẹn nếu chưa thực hiện được sự công bằng xã hội, phải làm thế nào để tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước. Giáo dục trẻ khuyết tật là trách nhiệm của tất cả xã hội. Bộ Giáo dục & Đào tạo mong muốn các ngành, cấp và các thầy cô sẽ tiếp tục nỗ lực, chung tay thực hiện tốt công việc này” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn (ngoài cùng, bên trái) và các đồng chí lãnh đạo trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho các thầy, cô giáo tiêu biểu tham dự “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 |
Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt tuổi trẻ cả nước, đồng chí Bùi Quang Huy – Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo |
Trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018, các đại biểu sẽ tham dự các hoạt động như viếng lăng Bác; thăm quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám; gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham gia Gala chào mừng; tham gia hội thảo “Phát triển công tác xã hội trong chăm sóc và giáo dục đối với người khuyết tật”…
Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 sẽ diễn ra vào tối ngày 15/11/2018 tại Thủ đô Hà Nội.
Phạm Linh Tweet